Trái đất quay chậm, một ngày trên Trái Đất sắp có 25 giờ thay vì 24 giờ?
Được biết, cách đây khoảng 1,4 tỷ năm, một ngày trên Trái đất chỉ kéo dài khoảng 18 giờ.
Trong một nghiên cứu do nhóm giáo sư tại Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ) thực hiện, các nhà khoa học đã phát hiện rằng Mặt Trăng đang dần dần dịch chuyển ra xa Trái Đất với tốc độ 3,81cm mỗi năm.
Cụ thể, khi Mặt Trăng di chuyển ra xa, lực hấp dẫn tác động lên Trái Đất sẽ thay đổi, khiến chuyển động quay của Trái Đất chậm dần, làm cho một ngày trên Trái Đất kéo dài hơn.
Giáo sư Stephen Meyers, một nhà địa chất học tại Đại học Wisconsin-Madison và là trưởng nhóm nghiên cứu, giải thích: "Quá trình này giống như một vận động viên trượt băng nghệ thuật quay chậm lại khi họ dang rộng cánh tay".
Tuy nhiên, theo giáo sư Stephen Meyers, tốc độ dịch chuyển 3,81 cm mỗi năm là vô cùng chậm. Nếu tốc độ này được duy trì, phải mất khoảng 200 triệu năm để thời gian một ngày trên Trái Đất kéo dài đến 25 giờ.
Quay ngược về quá khứ, với tốc độ dịch chuyển của Mặt Trăng ra xa Trái Đất là 3,81cm mỗi năm, cách đây khoảng 1,4 tỷ năm, một ngày trên Trái Đất chỉ kéo dài khoảng 18 giờ. Hiện nay, Mặt Trăng nằm cách Trái Đất khoảng 384.400km và mất khoảng 27,3 ngày để hoàn thành một vòng quỹ đạo quanh hành tinh của chúng ta.
Giáo sư Stephen Meyers giải thích rằng, để có được những phép tính này, nhóm nghiên cứu đã phát triển một phương pháp thống kê kết hợp lý thuyết thiên văn và quan sát địa chất, giúp họ có thể nhìn lại quá khứ địa chất của Trái Đất. Phương pháp này cho phép tái hiện lược sử của nhiều hành tinh trong Hệ Mặt Trời.
"Tham vọng của chúng tôi là sử dụng phương pháp xác định niên đại thiên văn để xác định thời gian ở những thời kỳ xa xôi nhất trong quá khứ, từ đó phát triển một thước đo thời gian địa chất cổ đại. Nghiên cứu cũng mở ra cơ hội khảo sát thêm các loại đá có niên đại hàng tỷ năm", Giáo Sư Meyers chia sẻ thêm.
>> Quốc gia có diện tích gấp 10 lần Việt Nam phóng thành công vệ tinh quan sát Trái Đất vào quỹ đạo