Khai quật khu đất 100m2, các nhà khoa học phát lộ mộ cổ đầu tiên tại Việt Nam chôn kèm theo 'Quý tử', chủ nhân là quý tộc thời Nguyễn
Theo báo cáo sơ bộ của đoàn công tác, di tích này là một kiến trúc nổi với toàn bộ quần thể hiện rõ, bao gồm 2 ngôi mộ.
Từ ngày 26/4 - 7/5/2014, một mộ cổ quy mô lớn đã được khai quật tại tỉnh Bến Tre. Công tác khai quật được thực hiện bởi Bảo tàng tỉnh Bến Tre phối hợp với Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. HCM). Đây là mộ cổ đầu tiên được khai quật khảo cổ ở khu vực này.
Mặc dù mộ cổ có quy mô lớn và nhiều chi tiết kiến trúc đặc sắc, nhưng do vị trí xây dựng ở khu vực thấp, thường xuyên chịu lũ và các nguyên vật liệu hợp chất không thật quy chuẩn, ngôi mộ đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Trước năm 1975, khu vực này thuộc một căn cứ quân sự của chế độ Sài Gòn và được xem là mộ vô chủ, không được chăm sóc.
Cuộc khai quật được thực hiện trong khuôn viên khoảng 100m2, đã phát lộ nhiều kiến trúc chìm và tàn tích của ngôi mộ cổ. Theo báo cáo sơ bộ của đoàn công tác, di tích này bao gồm hai ngôi mộ: một mộ lớn dạng song táng và một mộ nhỏ dạng đơn táng nằm vuông góc vào thân bên trái của mộ lớn.
Mộ lớn song táng thiết kế kiểu nhà chữ Nhị (二), tứ trụ chồng rường hướng Nam với kiến trúc nhà bia gắn nhà mồ với 3 phần chính: nhà bia, nhà mồ, cột địa tầng.
Mộ xây dựng song táng “tả nam hữu nữ” chung nhà bia - nhà mồ nhưng mang đặc điểm lần đầu có ở Việt Nam như kim tĩnh không xây bể hợp chất mà là huyệt đất (chôn sâu nhất ở Việt Nam độ sâu 2,75m), nền móng là đá ong Biên Hòa cùng 4 lớp gạch đinh.
Đây cũng là khu mộ cổ đầu tiên ở Việt Nam được phát hiện chôn kèm theo “Quý tử” trong nhà mồ riêng. Mộ nhỏ đơn táng nằm hướng Tây vuông góc vào thân tả mộ lớn (1,4x0,65x0,95m), phần trước có bia mộ quay vào ngôi mộ lớn.
Ngôi mộ nhỏ được xây dựng đơn tán theo dạng miếu thờ, với ngói ống âm dương giả lợp, cặp hương án chân quỳ, cửa giả, kèo quyết, điểm nhãn, trang trí lưỡng long, phượng, xi vĩ, khảm sứ đặc trưng giai đoạn thời Nguyễn.
Ngoài kiến trúc nổi bằng hợp chất, các vật liệu hữu cơ trong ngôi mộ song táng đã bị hủy hoại nhiều, chỉ còn tìm thấy ít mảnh quan tài, 1 mảnh sọ người lớn và 5 viên bi đồng, xơ dừa làm vật chèn áo quan…
Riêng ngôi mộ nhỏ thì còn được bảo quản tốt hơn, tìm thấy cả nhân cốt (Giám định của Khoa Giải phẫu học, Trường Đại học Y - Dược TP. HCM là khoảng 2-4 tuổi, cao 87cm, có khả năng là Quý Nam), quan tài sử dụng kỹ thuật ghép rãnh soi gá đinh lồng khoen sắt để luồn dây hạ quan, đinh, móc sắt, cúc áo hình lục lạc…
Cuộc khai quật cũng đã tìm thấy nhiều mảnh đồ gia dụng như đồ sành, gốm tráng men, gốm mộc có xuất xứ từ các lò bản địa ở Lái Thiêu - Biên Hòa hay nhập khẩu như gốm sứ “ngự dụng”, “quan dụng” (rồng 3-5 móng, đuôi 5 đao lửa), đồ sứ cao cấp “nội phủ”…
Các nhà nghiên cứu cho rằng, quần thể kiến trúc mộ hợp chất tại Chợ Lách còn giữ được gần như nguyên vẹn hình hài, thuộc loại hiếm có trong các di tích kiểu này trên đất Biên Hòa - Gia Định và ở cả miền Tây Nam Bộ xưa.
Đây là loại hình kiến trúc mai táng dành cho quý tộc Việt thời trung và cận đại. Dựa vào các di vật tìm thấy qua cuộc khai quật, các nhà nghiên cứu ước đoán ngôi mộ có niên đại cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX (thời nhà Nguyễn).
>> Khai quật một hang động, các nhà khoa học bất ngờ phát hiện hài cốt cô gái khác loài 850.000 tuổi
Phát hiện khu định cư có niên đại hơn 7.000 năm, hàng loạt cổ vật được khai quật
Khai quật phế tích 4.000m2, Việt Nam phát lộ công trình quân sự kỳ vĩ thời Tây Sơn