Khối lượng trái phiếu các ngân hàng mua của nhau chiếm đến hơn 1/4 tổng khối lượng phát hành.
Thống kê của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy trong 6 tháng đầu năm, đã có 15 ngân hàng thương mại phát hành 68.200 tỉ đồng trái phiếu, với kỳ hạn bình quân 3,37 năm và lãi suất bình quân 4,3%/năm. Có thể kể đến như ACB (9.200 tỉ đồng), HDBank (6.100 tỉ đồng), TPBank (9.100 tỉ đồng), VPBank (5.150 tỉ đồng), OCB (5.000 tỉ đồng).
Đáng chú ý, người mua trái phiếu do ngân hàng phát hành đa phần chính là các ngân hàng và công ty chứng khoán. Theo đó, các ngân hàng đã chi 17.800 tỉ đồng để mua lại trái phiếu ngân hàng khác phát hành (chiếm tỉ trọng 26%), các công ty chứng khoán chi 38.300 tỉ đồng (chiếm 56%), tổ chức trong nước chiếm 15% và các cá nhân chiếm gần 3%.
Như vậy, ngân hàng và các công ty chứng khoán đã chiếm đến 82% lượng mua trái phiếu ngân hàng trong nửa đầu năm nay. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn, đa phần người nắm cuộc chơi sau cùng chính là các ngân hàng. “Các ngân hàng thương mại chủ yếu là bán chéo trái phiếu cho nhau”, SSI nhận định.
Trên thực tế, trái phiếu ngân hàng không hấp dẫn với các nhà đầu tư vì lãi suất phát hành quá thấp. Chẳng hạn, khoản huy động từ trái phiếu của ACB có lãi suất bình quân là 3,7%/năm cùng kỳ hạn 3 năm, trong khi lãi suất tiết kiệm niêm yết kỳ hạn trên 12 tháng cũng phải là trên 6,2%/năm.
Thống kê cũng cho thấy có khoảng 83% tổng trái phiếu ngân hàng phát hành nửa đầu năm có kỳ hạn 2-3 năm, với lãi suất cố định từ 3-4,2%/năm, trả lãi hằng năm. Đây cũng là mức lãi suất thấp hơn hẳn lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 12 tháng trả sau (5,6-6%/năm). “Gần như toàn bộ số trái phiếu này được mua bởi các ngân hàng và công ty chứng khoán”, SSI nhận định.