Nhịp sống

Tranh cãi 'siêu' dự án đổ 273.000 lít hóa chất xuống biển chống biến đổi khí hậu

Linh Chi 23/07/2024 08:57

Trong khi các nhà khoa học cố gắng bảo vệ dự án thì những người bảo vệ môi trường và ngư dân phản đối kịch liệt cuộc thử nghiệm này.

Theo Phys.org đưa tin, các nhà bảo vệ môi trường và ngư dân đang kịch liệt phản đối kế hoạch của một nhóm các nhà khoa học khi họ muốn đổ hơn 273.000 lít hóa chất natri hydroxit, thường được gọi là xút, xuống biển ở Cape Cod để tìm hiểu cách làm chậm quá trình biến đổi khí hậu.

Cụ thể, các nhà khoa học từ Viện Hải dương học Woods Hole ở Falmouth đang xin giấy phép cho dự án thử nghiệm đổ 273.000 lít hóa chất xuống biển ở khu vực cách Martha's Vineyard 10 dặm về phía Nam. Woods Hole cho biết đây là dự án có tên LOC-NESS, viết tắt của "Khóa cacbon đại dương ở thềm lục địa và sườn dốc Đông Bắc". Mục tiêu của dự án này là hiểu được những tác động đến môi trường khi sử dụng biện pháp tăng cường độ kiềm của đại dương để loại bỏ carbon dioxide khỏi khí quyển. Mục đích còn lại là xác minh và báo cáo lượng carbon dioxide mà phương pháp này có thể loại bỏ thực tế nếu triển khai trên quy mô lớn.

"Mặc dù cắt giảm khí thải là chìa khóa chủ chốt để giảm thiểu tác động của con người đến khí hậu Trái đất, nhưng trong những năm gần đây, rõ ràng việc cắt giảm khí thải cần được hỗ trợ bằng cách loại bỏ carbon dioxide trong không khí", nhóm nhà khoa học ở Woods Hole cho biết.

Ảnh: Unsplash/CC0 Public Domain

Ảnh: Unsplash/CC0 Public Domain

Dự án này không nhận được sự ủng hộ của các nhà bảo vệ môi trường và ngư dân. Hàng chục nhóm nguòi đã viết thư lên EPA phản đối dự án này. Họ nhấn mạnh rằng tăng cường độ kiềm của đại dương là quá trình bổ sung các chất kiềm kiềm vào nước biển để thay đổi độ PH và tăng cường khả năng hấp thụ carbon tự nhiên của đại dương. Tuy nhiên, điều này gây ra những rủi ro cho đa dạng sinh học và hệ sinh thái.

"Natri hydroxit là một chất cực kỳ nguy hiểm", Benjamin Day - Chiến dịch viên cấp cao của Friends of the Earth, nói với tờ Herald. "Nếu nó tiếp xúc trực tiếp với da có thể gây bỏng, điều này nguy hiểm đối với các động vật biển. Chúng tôi cho rằng đây là một ý tưởng tồi".

Ngư dân trên khắp khu vực cũng lo ngại cuộc thử nghiệm này có thể ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt thủy hải sản, kế sinh nhai của họ.

Robert Scammon - một thuyền trưởng đánh bắt ở Vịnh Maine và George's Bank trong 37 năm, cho biết khu vực thử nghiệm mục tiêu ảnh hưởng 30 đến 40% sản lượng đánh bắt của ông trong thời gian đó.

Jerry Leeman, giám đốc điều hành và người sáng lập Hiệp hội quản lý ngư dân New England, cũng bày tỏ "đây là một dự án vội vàng": "Có khả năng sẽ có những tác động lớn đến ngành đánh bắt cá và giải trí, gây ra tình trạng hỗn loạn kinh tế", ông đưa ý kiến.

Trong khi đó, các nhà khoa học của Woods Hole cho biết dự án sẽ thí nghiệm trong phạm vi PH được coi là an toàn cho sinh vật biển và được giám sát môi trường nghiêm ngặt. Các nhà khoa học sẽ liên tục theo dõi bằng các bộ dụng cụ, cảm biến và thiết bị lấy mẫu.

Kết quả sẽ cung cấp dữ liệu đo đầu tiên trong nước về độ an toàn của phương pháp, bao gồm tác động tới thành phần hóa chất trong nước, mạng lưới thức ăn ở biển và sinh vật lớn hơn.

Theo Alison Brizius - Giám đốc Cơ quan quản lý vùng ven biển Massachusetts, dự án này rất cần thiết nhằm hiểu rõ tác động của việc loại bỏ carbon dioxide bằng nước biển: "Nghiên cứu này có tiềm năng cung cấp thông tin cho các công trình trong tương lai và các ứng dụng thương mại khác".

Nguồn: Phys.org

>>Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu, nước ngọt ngày càng khan hiếm

Biến đổi khí hậu có thể khiến Việt Nam mất 14,5% GDP, 10 triệu người nghèo đói?

Thành phố nổi giữa biển với chu vi khoảng 4km, có sức chứa lên đến 40.000 người, được thiết kế để thích ứng với biến đổi khí hậu

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/tranh-cai-sieu-du-an-do-273000-lit-hoa-chat-xuong-bien-chong-bien-doi-khi-hau-d128236.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Tranh cãi 'siêu' dự án đổ 273.000 lít hóa chất xuống biển chống biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS & INTECH