Chỉ cần vài đoạn chữ viết tay gốc, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể học được kiểu chữ viết của đối tượng là con người.
Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Trí tuệ nhân tạo Mohamed Bin Zayed (MBZUAI) ở Abu Dhabi (UAE) đã phát triển hệ thống AI có khả năng bắt chước kiểu chữ viết tay con người và tạo ra văn bản giống với chữ viết tay của họ.
Hệ thống, có tên HWT, được phát triển dựa trên mạng lưới biến đổi thần kinh máy tính (Vision Transformer), với khả năng hiểu ngữ cảnh và ý nghĩa dữ liệu trong hệ thống gồm hình ảnh về chữ viết và từ ngữ.
"Để bắt chước phong cách viết tay của ai đó, AI phải xem xét toàn bộ văn bản và chỉ khi đó, nó mới bắt đầu hiểu cách người viết nối các ký tự, các chữ, khoảng cách giữa các từ", Fahad Khan, thành viên nhóm nghiên cứu cho hay.
Nghiên cứu này đã được Văn phòng Nhãn hiệu và Bằng sáng chế Mỹ cấp bằng sáng chế cho công cụ có thể giúp những người bị chấn thương viết mà không cần dùng bút.
Một trong những nhà phát minh, Rao Muhammad Anwer, trợ lý giáo sư về thị giác máy tính, nói với Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn rằng, hệ thống cũng có thể được sử dụng để đọc chữ viết tay nổi tiếng khó đọc của các bác sĩ và thậm chí tạo ra quảng cáo được cá nhân hóa.
Công cụ này chưa được cung cấp rộng rãi và hiện có thể tạo văn bản bằng tiếng Anh và một số tiếng Pháp, nhưng việc tạo văn bản viết tay bằng tiếng Ả Rập đang chứng tỏ là một nhiệm vụ khó khăn hơn.
Các nhà phát minh lưu ý rằng công cụ này có thể bị "sử dụng sai mục đích" để giả mạo chữ viết tay của mọi người nên họ rất "thận trọng".
"Chữ viết tay đại diện cho danh tính của một người, vì vậy chúng tôi đang suy nghĩ cẩn thận về điều này trước khi triển khai nó”, Anwer cho biết trong thông cáo báo chí.
Hisham Cholakkal, trợ lý giáo sư về thị giác máy tính tại MBZUAI, nói với Bloomberg: “Chúng tôi sẽ phải nâng cao nhận thức cộng đồng và phát triển các công cụ để chống giả mạo. Nó giống như việc phát triển một chương trình chống virus cho virus vậy.”
AI đang bị lạm dụng trong nhiều trường hợp khác nhau, chẳng hạn như công cụ tạo hình ảnh AI Midjourney và Stable Diffusion đã được sử dụng để sản xuất những hình ảnh deepfake của những người nổi tiếng.
Trong khi đó, AI giả giọng nói con người cũng là vấn đề quan ngại. Tháng 9 năm ngoái, nam diễn viên Stephen Fry cho biết, một hệ thống AI đã sao chép giọng nói của ông trong series bảy tập truyện Harry Potter, để lồng tiếng trái phép một bộ phim tài liệu.
(Theo BI)