Trí tuệ nhân tạo là 'tội đồ' khiến nhân viên nhà mạng bị sa thải hàng loạt?

28-11-2023 08:35|Du Lam

Từ năm 2015, 20 hãng viễn thông hàng đầu thế giới đã cắt giảm khoảng 384.000 vị trí việc làm. Xu hướng này dự kiến còn tiếp diễn và trí tuệ nhân tạo có thể chính là 'tội đồ'.

Ngành Viễn thông thế giới đã trải qua nhiều đợt sa thải quy mô lớn do doanh thu sụt giảm và sự xuất hiện của công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI). Tuy nhiên, không ít nhà mạng đang tìm cách đổi mới mô hình, tìm kiếm nguồn thu mới và sử dụng AI để hỗ trợ nhân viên. VietNamNet giới thiệu tuyến bài sa thải và hướng đi của ngành Viễn thông để độc giả có cái nhìn toàn diện.

Bài 1: Sa thải nhân sự trong lĩnh vực viễn thông: Những con số biết nói

Viễn thông thế giới đang gửi đến thông điệp gây bối rối cho mọi người: Một mặt, nhà mạng phàn nàn về tình trạng thiếu hụt lao động, có thể làm chậm việc triển khai băng thông rộng; một mặt lại cắt giảm nhân sự hàng loạt với lý do áp lực kinh tế. Vậy tình trạng hiện nay là gì?

Hoảng loạn trước nguy cơ suy thoái kinh tế?

Chia sẻ với trang tin Fierce Telecom, Sean McDevitt, đối tác tại công ty tư vấn viễn thông Arthur D. Little, chỉ ra khi các nhà mạng nói về tình trạng thiếu lao động, họ đề cập đến các đội ngũ thực tế cần thiết để xây dựng cơ sở hạ tầng cáp quang và cáp.

Ông lưu ý rất nhiều nhóm bận rộn suốt thời kỳ đại dịch và kể từ đó nhiều hãng đã đẩy nhanh kế hoạch xây dựng của họ. Vì vậy, với nhu cầu ngày càng tăng, lao động lành nghề đã trở nên khan hiếm và đắt đỏ hơn.

Mặt khác, McDevitt cho biết nhân sự làm việc tại văn phòng lại không thiếu. Từ lâu, các hãng viễn thông đã tìm cách tiết kiệm chi phí, lực lượng này trở thành mục tiêu chính để cắt giảm.

Nhà phân tích Roger Entner của Recon Analytics đồng tình khi nói rằng việc sa thải không tập trung vào đội ngũ triển khai mà thay vào đó là các vị trí thuộc các bộ phận như kế toán, tài chính và tiếp thị.

Như lưu ý của McDevitt, quy mô nhân sự viễn thông bị thu hẹp trong một thời gian dài trước khi Covid-19 xảy ra. Theo dữ liệu được Viện Chính sách Kinh tế Mỹ phân tích, số lượng nhân viên viễn thông tính theo tỷ lệ phần trăm của lực lượng lao động Mỹ nói chung đã giảm từ 1,4% trong giai đoạn 1983-1986 xuống còn 1% trong giai đoạn 2003-2006 và 0,6% giai đoạn 2016-2019.

Nói cách khác, số lượng nhân viên viễn thông trong nước đã giảm từ gần 1,4 triệu vào năm 1983-1986 xuống chỉ còn dưới 894.000 vào năm 2016-2019.

fw9meuzl.png
Tháng 5, nhà mạng Anh Vodafone thông báo sẽ cắt giảm 11.000 nhân sự trong ba năm. (Ảnh: Bloomberg)

Nhìn vào từng nhà mạng, báo cáo tài chính cho thấy nhân viên của AT&T đã giảm từ 281.000 tháng 1/2016 xuống còn 203.000 vào tháng 1/2022.

Trong khi đó, Comcast Cable giảm từ 88.000 nhân viên tháng 12/2015 xuống còn 79.000 sáu năm sau đó, còn của Verizon giảm từ 177.700 xuống còn 118.400 trong cùng kỳ.

Cả hai chuyên gia Entner và McDevitt đều cho biết tình hình trở nên trầm trọng hơn do sự thay đổi từ mô hình vận hành mạng dựa trên thiết bị truyền thống sang mô hình hiệu quả hơn dựa vào phần mềm, đám mây và tự động hóa.

Sự thay đổi này, tất nhiên, làm giảm nhu cầu vận hành tại chỗ. Entner nói thêm rằng nó cũng yêu cầu người lao động sở hữu bộ kỹ năng khác.

McDevitt cho biết việc thu hẹp lực lượng lao động đã giảm tốc kể từ khi lưu lượng truy cập và nhu cầu của người dùng tăng. Nhưng khi thế giới trở về trạng thái bình thường mới, nhà mạng hướng đến một tương lai đầy bất ổn kinh tế và cạnh tranh khốc liệt.

Với nhiều đối thủ giành giật thuê bao, việc duy trì thị phần sẽ ngày càng khó khăn. Những biến động kinh tế vĩ mô và chiến tranh tiềm ẩn cho nhà mạng lý do hoàn hảo để sa thải.

Trong thời gian qua, nhiều hãng viễn thông và nhà cung ứng viễn thông lớn của Mỹ và thế giới như Verizon, Comcast, Ericsson, BT, Vodafone… đều thông báo đuổi việc hàng loạt nhân sự. Một số tiến hành đóng băng tuyển dụng.

Theo Entner, xét theo góc độ nào đó, sa thải là phản ứng hoảng loạn của nhà mạng trước nguy cơ kinh tế và thực chất nhà mạng đang góp phần tạo ra cuộc suy thoái mà họ lo sợ.

Chuyên gia nhận xét, viễn thông là ngành ít chịu ảnh hưởng của suy thoái, song họ đang chịu áp lực phải gia tăng lợi nhuận. Một cách để đạt được điều đó là cắt giảm chi phí nhân sự, đặc biệt khi chi phí nhân sự tăng hàng năm.

Tác động của công nghệ và trí tuệ nhân tạo

CEO nhà mạng BT Philip Jansen tuyên bố AI sẽ lấy mất công việc của 10.000 nhân sự công ty ông vào cuối thập kỷ này.

Nhiều hãng viễn thông đang thử nghiệm những tiến bộ trí tuệ nhân tạo (AI) mới nhất để giảm thao tác thủ công và thu hẹp hơn nữa lực lượng lao động.

Chatbot đã “cướp” việc của hàng nghìn nhân viên chăm sóc khách hàng. Các mạng tự động hóa cao có thể vận hành với sự can thiệp tối thiểu của con người. Các trung tâm điều hành mạng ồn ào trước đây đang trở nên yên tĩnh một cách kỳ lạ.

Giống như những người thợ dệt thủ công của thế kỷ XVIII được thay thế bằng những người vận hành máy móc của thế kỷ XIX, những công việc viễn thông này cuối cùng có thể bị thay thế bằng những vai trò mới và không lường trước được.

Nhưng tác động của công nghệ, bao gồm Internet và học máy, ngày càng trở nên thấm thía. Mua sắm trực tuyến trở thành tiêu chuẩn trong thời kỳ đại dịch và một số cửa hàng tạm thời đóng cửa đến nay vẫn chưa mở cửa trở lại.

Chatbot dần thay thế nhân viên dịch vụ trong các tương tác cơ bản với mọi người.

Ở khía cạnh công nghệ thông tin và mạng, một số nhà khai thác có thể giảm tải công việc kỹ thuật bằng cách chuyển tài nguyên vào đám mây công cộng, dựa vào AWS, Google Cloud hoặc Microsoft Azure để vận hành và duy trì khối lượng công việc.

Nhiều nơi đang đầu tư vào phần mềm có thể dự đoán và giải quyết sự cố trước khi cần đến kỹ thuật viên. Một mạng lưới tự hành có thể dễ phát triển hơn một chiếc xe tự lái.

Marc Rouanne, Giám đốc mạng của nhà mạng không dây Dish, so sánh nhóm tích hợp hệ thống 50 người của ông với một đơn vị tối thiểu 2.000 nhân sự của một hãng viễn thông truyền thống.

Nhà mạng Rakuten điều hành một mạng lưới viễn thông tại Nhật Bản với đội ngũ khoảng 200 người, theo Rabih Dabboussi, phụ trách bộ phận giải pháp đám mây viễn thông của Rakuten.

Một nhà mạng truyền thống sẽ cần tới 6.000 đến 7.000 người, ông chia sẻ để làm công việc tương tự.

BT dự đoán khoảng 55.000 việc làm sẽ biến mất vào cuối thập kỷ, khi tắt mạng, hệ thống cũ và hoàn tất việc triển khai mạng cáp quang toàn quốc, thay thế cho các đường dây đồng đã tồn tại một thế kỷ.

Nếu dự báo của ông chính xác, hàng nghìn việc làm ở các công ty viễn thông quốc gia khác nâng cấp lên cáp quang để từ bỏ nền tảng cũ cũng sẽ cùng chung số phận.

AI có thể tăng tốc độ xuất hiện của mạng không chạm, tự động hoàn toàn, phản ứng linh hoạt với các mô hình và kịch bản lưu lượng truy cập thay đổi.

Đối với khách hàng, trong tương lai, tương tác với các công ty đó sẽ giống như giao dịch với Amazon hoặc Netflix ngày nay, khi chỉ cần chạm vào màn hình hoặc nhấp chuột thay vì trao đổi trực tiếp với đại lý.

(Theo Fierce Telecom, Light Reading)

Bài 3: Tìm lối đi mới trở thành bài toán cấp bách của viễn thông toàn cầu

NVIDIA đầu tư vào Việt Nam sẽ là 'cú hích' nhảy vọt về công nghệ

Công nghệ AI tạo đột phá mới trong việc phát hiện ung thư

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/tri-tue-nhan-tao-la-toi-do-khien-nhan-vien-nha-mang-bi-sa-thai-hang-loat-2216195.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Trí tuệ nhân tạo là 'tội đồ' khiến nhân viên nhà mạng bị sa thải hàng loạt?
    POWERED BY ONECMS & INTECH