Chốt tuần trước, giá dầu Brent giảm 2,4%, giá dầu WTI của Mỹ giảm 1,9%.
Dầu giảm khoảng 2% đánh dấu tuần giảm thứ hai, do lo ngại về nhu cầu suy yếu ở Trung Quốc và lãi suất của Hoa Kỳ tiếp tục tăng. Kết tuần, dầu thô Brent giảm 2,4%, trong khi đó dầu thô WTI của Mỹ giảm 1,9%.
Đồng đô la Mỹ mạnh hơn khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với những khách hàng không phải ở Mỹ và đã đẩy giá dầu thô xuống. Cấu trúc thị trường của cả hai điểm chuẩn giá dầu đều thay đổi theo cách phản ánh mối lo ngại về nguồn cung đang suy giảm.
Dầu thô đã tiến gần đến mức cao kỷ lục vào tháng 2 năm nay. Đến nay, những lo ngại về nguồn cung đang giảm dần. Dữ liệu của Refinitiv Eikon cho thấy, hợp đồng WTI hiện tại đang được giao dịch ở mức chiết khấu cho tháng thứ hai, một cấu trúc được gọi là bù hoãn mua, lần đầu tiên kể từ năm 2021.
Liên minh châu Âu hy vọng sẽ hoàn thành các quy định của mình kịp thời để đưa ra kế hoạch G7 nhằm hạn chế giá dầu thô của Nga vào ngày 5/12, người đứng đầu chính sách năng lượng của EU nói với Reuters.
EU sẽ cấm nhập khẩu dầu thô của Nga kể từ ngày đó và các sản phẩm dầu mỏ của Nga từ ngày 5/2, tước đi nguồn thu từ dầu mỏ của Nga và buộc một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới phải tìm kiếm thị trường thay thế.
Ngoài ra, một kế hoạch của G7, nhằm mục đích bổ sung cho lệnh cấm vận của EU, sẽ cho phép các nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển giúp xuất khẩu dầu của Nga, nhưng chỉ với mức giá thấp bắt buộc, dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 5/12.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết sản lượng dầu của Nga sẽ giảm 1,4 triệu thùng mỗi ngày (bpd) vào năm tới sau khi lệnh cấm xuất khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển của Liên minh Châu Âu có hiệu lực.
Các nhà máy lọc dầu châu Âu đã nhận thấy bị dư cung dầu thô do sự thiếu hụt dự kiến, hệ quả từ lệnh cấm của EU đối với dầu của Nga vẫn chưa thành hiện thực.
Chênh lệch giá dầu thô Brent kỳ hạn tháng trước đã thu hẹp mạnh trong tuần này, phản ánh nguồn cung tốt hơn trên thị trường dầu vật chất do lo ngại về lệnh cấm vận của EU đối với dầu thô của Nga bắt đầu giảm bớt.
Các thương nhân cho rằng châu Âu có khả năng thay thế dầu của Nga bằng các loại từ Trung Đông, Mỹ và Mỹ Latinh trong khi châu Á đang yêu cầu ít dầu thô hơn do suy thoái kinh tế và nhu cầu sử dụng dầu của Nga tăng lên.
Theo nhà phân tích Barbara Lambrecht tại ngân hàng Commerzbank (Đức), thị trường đang hướng sự chú ý đến nguồn cung từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh trong vài tuần tới để đánh giá liệu sản lượng của nhóm này thực tế sẽ giảm bao nhiêu sau thông báo chính thức về việc giảm 2 triệu thùng.
Các nhà phân tích cho rằng vẫn chưa rõ về tác động từ lệnh cấm EU và trần giá đến nguồn cung dầu từ Nga. Nga vẫn đang tìm kiếm khách hàng và thậm chí tăng sản lượng.