Cục Phát thanh và Truyền hình quốc gia Trung Quốc (NRTA) đề xuất một loạt các biện pháp để 'tăng cường và tinh chỉnh quản lý' các phim ngắn tập chiếu trên web (web drama).
Nhà chức trách Trung Quốc tìm cách siết quản lý thị trường phim ngắn chiếu web, vài tháng sau khi gỡ bỏ 25.300 phim ngắn tập chiếu web vì nội dung bạo lực, khiêu dâm, thô tục.
NRTA cho biết họ sẽ thực hiện các biện pháp để “tăng cường và tinh chỉnh quản lý” các web drama này, theo tuyên bố qua WeChat của Hiệp hội Dịch vụ chiếu mạng thuộc NRTA.
Theo các biện pháp được đề xuất, cơ quan quản lý sẽ thiết lập hệ thống rà quét nội dung web drama và mở rộng giám sát đến các mạng lưới phân phối chương trình, trong đó có ứng dụng và nền tảng video ngắn.
NRTA cũng dự định tiến hành hành động đặc biệt trong một tháng để đánh giá nhiều lĩnh vực khác nhau của thị trường web drama như diễn viên, sản xuất, kịch bản, tiếp thị, phân phối, giá trị xã hội.
Sáng kiến mới nhất của NRTA củng cố quyền kiểm soát đối với tất cả các chương trình trực tuyến trong nước, hơn một năm sau khi áp dụng quy định cấp phép nghiêm ngặt.
Đây là một phần trong nỗ lực lớn hơn của chính phủ nhằm giám sát, đánh giá và thanh lọc nội dung. Quy định cấp phép công bố vào tháng 5/2022, đưa phân khúc phim web lên ngang hàng với ngành phim ảnh để kiểm duyệt.
Nhà chức trách tăng cường tập trung vào web drama do thị trường này ghi nhận tăng trưởng nhanh chóng trong hai năm qua.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm, khoảng 481 bộ phim như vậy đã được phát hành, theo dữ liệu của hãng tư vấn thị trường phim ảnh và truyền hình DataWin. Trong khi đó, cả năm 2022 chiếu 454 web drama.
Cai Juntao, Phó Chủ tịch công ty sản xuất nội dung Hixi Media, cho biết mỗi bộ phim được sản xuất với ngân sách hạn chế, dao động từ 200.000 đến 300.000 NDT.
Dù vậy, hoạt động tiếp thị - liên quan đến mua lưu lượng người dùng hay không gian trên các nền tảng phân phối – có thể cộng thêm hàng triệu hoặc chục triệu NDT chi phí cho mỗi phim.
Mỗi tập của web drama kéo dài từ một phút đến vài phút, tận dụng đối tượng khán giả rộng lớn trên những nền tảng như Douyin, Kuaishou và WeChat.
Liu Ke, Giám đốc Hixi Media, tin rằng xu hướng sẽ còn tiếp tục trong thời gian dài. Ông chỉ ra sự tăng trưởng của thị trường web drama song hành với sự thay đổi về số lượng người tiêu thụ nội dung giải trí qua smartphone.
Dù thừa nhận web drama có sức hút to lớn ở Trung Quốc chỉ trong thời gian ngắn, ông thừa nhận nó tồn tại những vấn đề nổi cộm như nội dung bạo lực.
Điều này có thể làm chệch hướng sự tăng trưởng trong dài hạn. Ngoài ra, nhiều chương trình dùng chung một kịch bản, khán giả cảm giác như họ đang xem một bộ phim với các diễn viên khác nhau.
Phó Chủ tịch Cai nhận xét, thành công của web drama gần như phụ thuộc vào giai đoạn tiếp thị hậu kỳ hơn là nội dung phim. Như vậy, nó biến ngành công nghiệp nội dung thành trò chơi tiếp thị hoặc mua lưu lượng.
Về phía NRTA, không chỉ gỡ bỏ hàng chục nghìn bộ phim, cơ quan này còn lập một danh sách đen trong số các nền tảng trực tuyến để chặn quảng bá những chương trình như vậy.
(Theo SCMP)