Trước khi quy tụ “quần hùng Lương Sơn Bạc” bao gồm những profile hàng khủng về AI, MoMo rơi vào chuỗi năm dài thua lỗ không ngừng nghỉ, với tổng thua lỗ lên đến ngàn tỷ đồng.
“Quần hùng” quy tụ tại AI Committee của MoMo
Trong những ngày đầu năm 2022, giới công nghệ xôn xao với thông tin Momo quy tụ được “quần hùng Lương Sơn Bạc” - những profile hàng khủng về AI, bao gồm cha đẻ Unikey, Tiến sỹ khoa học máy tính tại Twitter và chuyên gia AI tại Facebook.
Ông Phạm Kim Long, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển AI: Ông Long tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin tại Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1996. Ông Long là tác giả của UniKey, phần mềm gõ tiếng Việt phổ biến nhất trên máy tính và các thiết bị di động của người Việt Nam.
Bà Trần Thị Lạc Thanh, Giám đốc Khoa học Dữ liệu tốt nghiệp Tiến sỹ Khoa học máy tính từ trường UMass, Amherst, Mỹ. Sau đó bà làm việc khoa học dữ liệu ở Twitter và LinkedIn ở Silicon Valley trong nhiều năm.
Ở MoMo, bà phụ trách mảng ứng dụng AI vào sản phẩm Growth và Discovery, quảng cáo, và xây dựng các nền tảng cho ML và thí nghiệm để mở rộng sử dụng của dữ liệu lớn và AI.
Ông Đặng Hoàng Vũ, Giám đốc AI mảng Tăng trưởng Kinh doanh tốt nghiệp Tiến sĩ Đại học Cambridge và làm việc cho Hewlett Packard trước khi về nước.
Ông Vũ có kinh nghiệm làm việc trong bộ phận bảo vệ người dùng tại Facebook, sử dụng công nghệ AI chống các tin xấu về y tế trên hơn 40 thị trường toàn cầu.
Những profile hàng khủng này cùng 4 cái tên đình đám khác trong làng công nghệ quy tụ tại AI Committee của MoMo và hứa hẹn sẽ “làm nên chuyện”.
Lĩnh vực tiềm năng
MoMo là thương hiệu thuộc Công ty Cổ phần dịch vụ Di Động Trực Tuyến (viết tắt M_Service). Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực thanh toán trên di động (mobile payment). Công ty đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép cung cấp dịch vụ Ví điện tử và dịch vụ chuyển tiền, thu hộ/chi hộ…
MoMo là ứng dụng Ví điện tử trên điện thoại thông minh đã có mặt trên 2 hệ điều hành iOS và Android. Phần mềm này đã có hơn 23 triệu người dùng. Là nền tảng thanh toán di động, Ví MoMo thúc đẩy nền kinh tế không tiền mặt và cung cấp cho khách hàng trải nghiệm thanh toán một chạm (One Touch Payment) với hơn hàng trăm tiện ích dịch vụ, bao gồm Chuyển tiền, Thanh toán hóa đơn, Mua vé máy bay, Mua vé xe lửa, Vé xem phim, Thu-Chi hộ và Thương mại trên di động.
Ví MoMo hiện đã liên kết trực tiếp với hơn 25 ngân hàng. Người dùng Ví MoMo có thể thanh toán mọi tiện ích hàng ngày như Điện/Nước/Internet/Truyền hình cáp; Mua vé Máy bay/vé xe/vé tàu hỏa; Thanh toán taxi Vinasun; Mua vé xem phim tất cả rạp; Đặt dịch vụ giúp việc; Mua hoa tươi…; Đóng vay trả góp của tất cả các công ty tài chính hoặc sử dụng MoMo để thanh toán tại các điểm chấp nhận thanh toán MoMo như Gongcha, The Coffee House, Al Fresco’s, Món Huế, Hoàng Yến, Co.opMart, Circle K, Ministop,…
Chủ sở hữu MoMo thành lập năm 2007 do ông Phạm Thành Đức là người đại diện pháp luật. Cổ đông sáng lập công ty bao gồm ông Phạm Thành Đức, bà Nguyễn Thị Minh Hiền, ông Nguyễn Bá Diệp và ông Nguyễn Mạnh Tường.
Tuy nhiên, sau này, MoMo thực hiện nhiều đợt gọi vốn nên cổ đông nước ngoài chiếm tỷ lệ sở hữu cao. Đầu tháng 1 năm nay, số cổ đông nước ngoài của MoMo tăng lên tới 20, chiếm tổng 74,89% vốn. Cùng với đó vốn công ty tăng lên gần 171 tỷ đồng.
MoMo lỗ không ngừng nghỉ
Là một trong những cái tên đình đám nhất trong làng Fintech và thu về doanh số cao nhưng MoMo lại có chuỗi năm thua lỗ dài không ngừng nghỉ. Trong giai đoạn 2016-2020, Công ty thua lỗ tới cả ngàn tỷ đồng.
Cụ thể, doanh thu MoMo tăng chóng mặt. Nếu năm 2016, công ty chỉ thu được thì 889 tỷ đồng thì các năm sau đó, chỉ tiêu này vọt lên 1.431 tỷ đồng, 2.368 tỷ đồng, 4.233 tỷ đồng và 6.146 tỷ đồng.
Doanh thu cao và liên tục bứt phá nhưng MoMo lại thua lỗ triền miên. Doanh thu càng cao, thua lỗ càng nặng.
Nếu như năm 2016, công ty chỉ lỗ 147 tỷ đồng thì các khoản thua lỗ tăng tốc hơn, đạt 243 tỷ đồng (2017), 440 tỷ đồng (2018), 854 tỷ đồng (2019) và 875 tỷ đồng (2020). Tính chung, trong giai đoạn 5 năm qua, MoMo lỗ tới 2.559 tỷ đồng.
Con số lỗ 2.559 tỷ đồng quá lớn so với vốn điều lệ của công ty. Tuy nhiên, công ty không âm vốn chủ sở hữu vì liên tục gọi được vốn khủng từ nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, tới thời điểm cuối năm 2020, vốn chủ sở hữu của công ty đạt 2.431 tỷ đồng, tăng 1.972 tỷ đồng, tương đương 430% so với cuối năm 2016.
Những lần đặt cược của 'kỳ lân' MoMo
Ví điện tử MoMo công bố định vị thương hiệu mới, muốn lùi lại phía sau