Từ bỏ Trung Quốc, vì sao Foxconn chuyển hướng đầu tư hàng trăm triệu USD vào Việt Nam?

16-05-2023 15:48|Quỳnh Thi

Foxconn sẽ chuyển một phần hoạt động sản xuất sang nhà máy ở Việt Nam, trong khi quá trình tái thiết chuỗi cung ứng toàn cầu đang được tiến hành.

Theo nguồn tin của Apple Insider, Foxconn đang mở rộng các nhà máy của mình bằng việc mua các khu đất tại Việt Nam. Theo đó, một đơn vị khác của Foxconn đang làm trung gian để có được quyền sử dụng đất ở Nghệ An. Khu đất có diện tích 48ha, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 100 triệu USD. Việc mở rộng diễn ra nhanh chóng của Foxconn ở Việt Nam đều theo đúng kế hoạch đề ra trước đó.

Tháng 3/2023, có thông tin cho rằng Foxconn muốn đầu tư khoảng 700 triệu USD vào một nhà máy mới để tăng sản lượng linh kiện iPhone. Tại Việt Nam vào tháng 2, họ đã ký hợp đồng thuê với Công ty Khu công nghiệp Sài Gòn-Bắc Giang, để thuê 111 mẫu Anh (gần 45ha), thời hạn đến năm 2057 với giá 62,5 triệu USD.

Trước đó, Foxconn đã đầu tư xây dựng một loạt nhà máy tại Việt Nam như Fukang Technology, Fuyu (Bắc Giang) và Competition Team Technology Vietnam (Quảng Ninh) để sản xuất thiết bị điện tử gia dụng. Bên cạnh đó, tập đoàn này còn tham gia phát triển hạ tầng khu công nghiệp với các dự án như Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang) và Khu công nghiệp Bình Xuyên 2 (Vĩnh Phúc).

Đối với các sản phẩm của Apple, bắt đầu từ năm 2020, Foxconn đã tiến hành lắp ráp Airpods, iPad tại Việt Nam. Việc chuyển dây chuyền lắp ráp sang Việt Nam là hoạt động sản xuất iPad đầu tiên của nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Do những thay đổi trong môi trường thương mại quốc tế, Foxconn và các xưởng đúc khác được khách hàng yêu cầu cung cấp chuỗi cung ứng phục vụ hai thị trường lớn là Trung Quốc và Mỹ.

Trong bối cảnh đó, lực lượng lao động giá rẻ của Việt Nam là yếu tố nổi bật để các công ty đưa ra lựa chọn. Foxconn đang tăng tốc bố trí năng lực sản xuất toàn cầu, trước đó đã đặt mục tiêu rằng, trong tương lai năng lực sản xuất ở nước ngoài sẽ chiếm 30% tổng năng lực sản xuất của công ty.

Tối ưu chi phí sản xuất và hậu cần

Dưới đây là cảnh giờ tan tầm của công nhân Foxconn ở nhà máy Việt Nam được phóng viên tờ AI Finance miêu tả lại. Những công nhân trẻ Việt Nam này trông không khác gì 757.000 công nhân của Foxconn ở Trung Quốc, nhưng nếu so sánh thu nhập, sẽ thấy rằng sự chênh lệch không hề nhỏ.

Với mức lương cơ bản khoảng 4,2 triệu đồng, cộng với thời gian làm thêm giờ vào khoảng 1,7 – 2,8 triệu đồng, thu nhập hàng tháng của họ sẽ là 6 - 7 triệu đồng. Trong khi Foxconn tuyển lao động tại Trung Quốc, lương tháng của lao động phổ thông khoảng 14 - 21 triệu đồng, vị trí càng cao sẽ lên tới 35 triệu đồng, cao hơn nhiều so với lương ở Việt Nam.

Đối với Foxconn, một công ty đa quốc gia tham gia vào cuộc cạnh tranh thị trường sử dụng nhiều lao động, chi phí lao động là một trong những yếu tố nhạy cảm nhất.

Về việc mở rộng năng lực sản xuất ở Việt Nam, Foxconn từ chối trả lời với lý do chính sách công ty và bí mật thương mại. Cách đây 3 năm, nhà máy của Foxconn tại Việt Nam đã sản xuất lô tấm nền trưng bày đầu tiên, nhà máy sẽ sản xuất 20.000 tấm/năm, hầu hết dành cho xuất khẩu.

Thực tế, vào đầu tháng 7/2020, Foxconn đã xin chính quyền địa phương chấp thuận thành lập khu công nghiệp 600ha tại Bắc Giang. Chủ tịch Foxconn Liu Yangwei cũng thông báo rằng, công ty sẽ sản xuất nhiều loại sản phẩm tại Việt Nam, bao gồm ti vi, thiết bị truyền dẫn và các sản phẩm liên quan đến máy tính.

Ngoài ra, từ quan điểm sản xuất, chi phí lao động và chi phí đất của Trung Quốc đang tăng lên, trong khi Việt Nam đang bắt kịp với giai đoạn công nghiệp hóa nhanh chóng. Chi phí lao động thấp hơn và chính quyền địa phương hỗ trợ nhiều hơn.

Ngoài ra, từ góc độ giao thông địa lý của Việt Nam, việc phát triển sản xuất có chi phí hậu cần thấp hơn. Không chỉ Foxconn, nhiều công ty Trung Quốc cũng đã chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam.

Tái cấu trúc chuỗi cung ứng

Theo báo cáo, Foxconn đã đầu tư 270 triệu USD để thành lập một công ty mới - FuKang Technology Company Limited, nhằm chuẩn bị cho việc mở rộng năng lực sản xuất tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Samsung cũng đã và đang xây dựng nhiều nhà máy tại Việt Nam, nhưng giới phân tích cho rằng, điều này có liên quan đến thị phần điện thoại di động Samsung tại Trung Quốc khá ảm đạm. Samsung đã đầu tư 13,7 tỷ USD vào Việt Nam để xây dựng 8 cơ sở sản xuất. Ngoài ra, Samsung cũng thông báo sẽ xây dựng nhà máy Samsung lớn nhất thế giới tại Việt Nam.

Giới phân tích nhận định, việc Foxconn, Samsung và các công ty khác chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam, ngoài việc xem xét yếu tố chi phí còn cân nhắc về “an ninh chuỗi cung ứng”, họ cho rằng chuỗi cung ứng tương đối phân tán sẽ an toàn hơn. Ngoài ra, Việt Nam tham gia RECP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực) là một tín hiệu rất tích cực trong việc mở cửa thương mại.

Nhà lắp ráp chủ lực cho Apple lần đầu tiên cho biết Việt Nam hiện là nơi sản xuất lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á. Quá trình tăng cường rót vốn vào Việt Nam của Foxconn đi cùng sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Nếu như năm 2016, doanh thu của Foxconn tại Việt Nam chưa đầy 39.000 tỷ đồng thì đến năm 2021, doanh thu đã tăng lên gần 128.000 tỷ đồng (tương đương hơn 5,5 tỷ USD). Đồng thời tạo việc làm cho 50.000 lao động Việt Nam, với thu nhập bình quân 10 - 12 triệu đồng/tháng.

Địa phương sắp được Foxconn đầu tư 100 triệu USD đang phát triển thế nào?

Foxconn "gom đất", lên kế hoạch xây nhà máy tại Nghệ An

Đâu là lý do khiến lợi nhuận quý 1 của Foxconn- đối tác lớn của Apple- giảm một nửa?

Nghệ An - Địa phương sắp được Foxconn đầu tư 100 triệu USD đang phát triển thế nào?

Foxconn "gom đất", lên kế hoạch xây nhà máy tại Nghệ An

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tu-bo-trung-quoc-vi-sao-foxconn-chuyen-huong-dau-tu-hang-tram-trieu-usd-vao-viet-nam-183289.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Từ bỏ Trung Quốc, vì sao Foxconn chuyển hướng đầu tư hàng trăm triệu USD vào Việt Nam?
POWERED BY ONECMS & INTECH