Từ chuyện của Hồng Đăng: Lộ kẽ hở trong hoạt động quản lý môi giới chứng khoán

06-07-2022 14:36|Trần Trung

Qua vấn đề của cổ phiếu Việt Phát (VPG) cũng như "chứng khoán Ngô Nam", có thể thấy khoảng hở trong việc xây dựng quy chế quản lý môi giới tự do tại các công ty chứng khoán vẫn còn nhiều bất cập.

VPG và tác động từ "chứng khoán Ngô Nam"

Cách đây không lâu, CTCP Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát (HOSE: VPG) đã công bố kết quả kinh doanh ước tính quý II/2022 với doanh thu đạt 1.700 tỷ đồng - tăng 54%; lợi nhuận sau thuế 120 tỷ đồng - đi ngang so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, VPG ước đạt doanh thu gần 2.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 172 tỷ đồng - tương ứng hoàn thành được 31% kế hoạch doanh thu và 61% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.

Năm 2022, VPG đặt mục tiêu đem về 8.621 tỷ đồng doanh thu, tăng 123% so với thực hiện năm trước. Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ mảng than nhiệt với việc trúng gói thầu dự án cung cấp than nhiệt cho Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1.

Dù ghi nhận kết quả kinh doanh tương đối khả quan song trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VPG biến động rất tiêu cực trong 2 tháng trở lại đây.

Ghi nhận sau phiên đáp sàn ngày 5/7, mã tiếp tục giảm hết biên độ ngay mở cửa phiên 6/7 và rơi về mức 24.550 đồng - mức giá của thời điểm cách đó 1 năm.

Đáng nói, theo phản ánh của rất nhiều nhà đầu tư chứng khoán trong các nhóm thuộc “chứng khoán Ngô Nam”: Trong một thời gian dài, các tài khoản như Nam Otc, Ngô Nam, Ngô Nam Ck… đã liên tục “đọc lệnh”, kêu gọi người tham gia nhóm mua các mã cổ phiếu VC2, BNA, PAS, ADS và cả VPG.

Sau khi một số báo chí đăng đàn phản ánh về vấn đề này, 2 công ty sở hữu các mã chứng khoán PAS và BNA đã phản hồi về toà soạn cho biết, "không liên quan gì tới vụ việc các nhóm chứng khoán mang tên Ngô Nam".

Về phía ông Ngô Nam, cá nhân này cũng khẳng định việc lựa chọn và khuyến nghị các nhà đầu tư tham gia mua 5 mã chứng khoán nêu trên dựa trên phân tích, tìm hiểu cá nhân, không có động cơ hay mối liên hệ nào liên quan tới các công ty sở hữu các mã chứng khoán.

Qua tìm hiểu, các mã cổ phiếu nêu trên đều có nhiều biến động tăng mạnh, thậm chí có thời điểm tăng liên tục từ vùng giá khá rẻ ban đầu (từ từ 7.000 - 12.000 đồng thị giá). Sau một thời gian ngắn, các mã cổ phiếu này tăng giá lên gấp nhiều lần trước khi cùng nhau đổ đèo.

Với riêng cổ phiếu VPG, thời điểm tháng 11/2020, VPG chỉ giao dịch vùng giá 7.000 - 8.000 đồng trước khi bất ngờ tăng mạnh đến hết năm 2021 rồi kéo sang năm 2022.

Mã thậm chí có thời điểm gần chạm mốc 80.000 đồng trước khi doanh nghiệp tiền hành phát hành cổ phiếu tăng vốn. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 5/2022, giá cổ phiếu này bắt đầu rớt mạnh về mức giá hiện tại.

vpg2.png

Trong một diễn biến khác, Chủ tịch Việt Phát Nguyễn Văn Bình đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu từ ngày 24/6 - 23/7/2022.

Hiện ông Bình đang sở hữu gần 19,7 triệu cổ phiếu, tương đương 24,54% vốn điều lệ của công ty. Nếu giao dịch thành công, tỷ lệ sở hữu của ông tại công ty sẽ tăng lên 25,79% - tương ứng gần 20,7 triệu cổ phiếu. 

Vợ ông là bà Lê Thị Thanh Lệ hiện cũng đang nắm hơn 3,6 triệu cổ phiếu VPG - tương đương tỷ lệ sở hữu 4,43%. Bà Lệ cũng đang giữ chức Phó Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT của công ty.

Bất cập trong hoạt động môi giới

Qua vấn đề của cổ phiếu Việt Phát (VPG) cũng như "chứng khoán Ngô Nam", có thể thấy khoảng hở trong việc xây dựng quy chế quản lý môi giới tự do tại các công ty chứng khoán vẫn còn nhiều bất cập.

Đối với nhóm nhà đầu tư tham gia vào group nào đó, yêu cầu đầu tiên thường sẽ phải mở tài khoản tại một công ty chứng khoán do trưởng nhóm chỉ định và dĩ nhiên sẽ có một đầu mối đứng ra sắp xếp mở tài khoản cho các khách hàng.

Tại câu chuyện đầu tư theo Ngô Nam, theo phản ánh của một số nhà đầu tư tham gia nhóm này, họ phải mở tài khoản chứng khoán tại CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV). Đây là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả nhà đầu tư thông qua môi giới chỉ định để bảo đảm bí mật các mã cổ phiếu được mua. Các khách hàng muốn tham gia đầu tư theo nhóm này được trưởng nhóm chỉ định thông qua nhân viên môi giới tên Đinh Hồng Đăng để thực hiện mở tài khoản.

Sau khi mở tài khoản, các nhà đầu tư tiếp tục phải tuân thủ yêu cầu phải đặt mua theo lệnh trưởng nhóm, tiếp theo là khoe các khoản lãi và bước cuối cùng là chụp ảnh tài khoản số dư tiền để cho tuần tiếp theo. Định kỳ vào thứ Bảy, Chủ nhật, các nhà đầu tư phải chụp số dư tiền mặt trên tài khoản KBSV để chuẩn bị cho việc mua mới tuần kế tiếp và gửi vào các nhóm đang tham gia.

Theo nhóm đầu tư Ngô Nam, có nhiều tài khoản chỉ vài ba trăm triệu, nhưng cũng có những tài khoản lên đến 5 - 7 tỷ đồng, nhóm này chủ yếu “tất tay” vào cổ phiếu BNA (doanh nghiệp bánh kẹo); cổ phiếu VPG (chuyên về quặng sắt và than cốc), ADS, VC2,… 

Việc yêu cầu mở tài khoản tại một công ty chứng khoán được chỉ định bởi nhiều lý do, như có thể quản lý được hoạt động mua bán của khách hàng trong nhóm, quản lý được dòng tiền, các mã chứng khoán và quan trọng hơn là dễ dàng tính hoa hồng phí môi giới.

Trong câu chuyện cộng tác viên môi giới của KBSV, thực tế ông Đinh Hồng Đăng chỉ là nhân viên chăm sóc khách hàng của KBSV, còn người ký hợp đồng làm cộng tác viên là bà Ngô Thị Thuý Hằng.

Với câu chuyện nhân viên tên Đinh Hồng Đăng, người được chỉ định làm “cầu nối” giới nhà đầu tư mở tài khoản tại KBSV, trong trường hợp này, nếu KBSV trực tiếp thoả thuận với khách hàng sẽ vi phạm pháp luật còn nếu cá nhân cộng tác viên thoả thuận với khách hàng với tư cách là các dân sự với nhau thì điều này lại không quy định trong pháp luật. Đây cũng là khoảng hở trong việc quản lý các cộng tác viên môi giới chứng khoán.

Giám đốc môi giới một công ty chứng khoán lớn chia sẻ, việc các hội/nhóm yêu cầu các khách hàng mở tài khoản và giao dịch tại công ty chứng khoán nơi mình cộng tác là khá phổ biến trong thời gian qua. Đặc biệt trong thời gian thị trường bùng nổ, việc người người, nhà nhà đều muốn tham gia đầu tư sinh lời nhanh là yếu tố thuận lợi để các nhóm hô hào xuất hiện. Khi thị trường diễn biến tích cực, các tài khoản sinh lời thì không ai nói gì nhưng khi thị trường đảo chiều đi xuống, nhìn thấy tài khoản bốc hơi chóng mặt, có những nhà đầu tư tham gia với nguồn vốn nhàn rỗi, nhưng cũng không ít nhà đầu tư đi vay mượn, cắm nhà cắm xe để đầu tư theo thủ lĩnh và bị thiệt hại nghiêm trọng, các nhà đầu tư lúc bấy giờ mới “tá hoả” đi kiện.

Theo chia sẻ của Tổng Giám đốc một công ty chứng khoán, để tăng thị phần, nhiều công ty chứng khoán sẵn sàng giảm phí môi giới, nhưng tăng tỷ lệ hoa hồng và các cơ chế đãi ngộ nhằm thu hút thêm các cộng tác viên. Nhiều môi giới đang làm cho công ty chứng khoán A nhưng vẫn có thể làm cộng tác viên cho công ty chứng khoán B, thậm chí doanh số bên công ty cộng tác còn cao hơn cả công ty đang làm việc… Chưa kể, số lượng môi giới có chứng chỉ hành nghề có tỷ lệ thấp nên “lách luật” bằng cách tuyển cộng tác viên.

VPG: Đối tác 'ruột' của AEON MALL trúng gói thầu hơn 800 tỷ đồng

Tổng hợp kết quả kinh doanh nổi bật: NVL, VCG, SHB, ITA, PNJ, KDC, DIG, CEO, TVC, GMD, VPG, POM, PTI, VAB

Việt Phát (VPG) lỗ quý đầu sau 6 năm, lợi nhuận 2022 giảm 85% từ đỉnh

Bài thuộc chủ đề Tài chính
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tu-chuyen-cua-hong-dang-lo-ke-ho-trong-hoat-dong-quan-ly-moi-gioi-chung-khoan-139016.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Từ chuyện của Hồng Đăng: Lộ kẽ hở trong hoạt động quản lý môi giới chứng khoán
POWERED BY ONECMS & INTECH