Từ nay, thành phố gần 1.000 năm tuổi của Việt Nam chính thức ngừng hoạt động
Từ ngày 1/7/2025, TP. Thanh Hóa – trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế lớn nhất tỉnh Thanh Hóa – sẽ chính thức chấm dứt hoạt động với tư cách là đơn vị hành chính cấp huyện theo mô hình cũ
Từ ngày 1/7/2025, Việt Nam sẽ chính thức áp dụng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, theo Đề án sắp xếp và tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 759/QĐ-TTg. Một trong những thay đổi lớn nhất là việc xóa bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện), chỉ còn cấp tỉnh và cấp xã (gồm xã, phường, đặc khu). Cùng với đó, toàn bộ 696 đơn vị hành chính cấp huyện trên cả nước sẽ chấm dứt hoạt động, trong đó có 85 thành phố trực thuộc tỉnh và 2 thành phố thuộc TP trực thuộc Trung ương.

TP. Thanh Hóa – tỉnh lỵ của tỉnh Thanh Hóa – là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đợt cải cách hành chính lịch sử này. Kể từ ngày 1/7/2025, thành phố sẽ chính thức khép lại hành trình hoạt động với tư cách là đơn vị hành chính cấp huyện, chấm dứt vai trò trung tâm hành chính – chính trị của tỉnh theo mô hình cũ.
Đây là dấu mốc lịch sử đối với vùng đất văn hiến mang tên Thanh Hóa – một địa danh đã được nhắc đến từ hơn 1.000 năm trước. Suốt chặng đường phát triển, TP. Thanh Hóa không ngừng bứt phá, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, văn hóa và xã hội của toàn tỉnh. Đặc biệt, sau khi sáp nhập với huyện Đông Sơn từ ngày 1/1/2025, quy mô thành phố đã mở rộng lên hơn 228km2, dân số đạt gần 594.000 người với 48 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 37 phường và 11 xã.
Về kinh tế, TP. Thanh Hóa liên tục đạt những con số ấn tượng. Năm 2024, tổng giá trị sản xuất toàn địa bàn đạt hơn 81.000 tỷ đồng, tăng 10,25% so với cùng kỳ, đứng thứ hai toàn tỉnh sau thị xã Nghi Sơn. Thu ngân sách Nhà nước vượt 41% dự toán với hơn 4.158 tỷ đồng, tiếp tục là điểm sáng trong cơ cấu tài chính địa phương.
Các lĩnh vực công nghiệp – xây dựng tiếp tục đóng vai trò trụ cột, với giá trị sản xuất đạt trên 53.000 tỷ đồng. Nhiều dự án hạ tầng động lực được triển khai như cụm công nghiệp phía Đông Bắc, cầu vượt đường sắt Bắc – Nam, mở rộng Đại lộ Lê Lợi và nâng cấp công viên Hội An… tạo nền tảng vững chắc cho tiến trình đô thị hóa và phát triển kinh tế dài hạn.
Không chỉ mạnh về công nghiệp, TP. Thanh Hóa còn đang nổi lên như một điểm đến đầu tư hấp dẫn trên bản đồ bất động sản miền Bắc. Nhiều tập đoàn lớn đã hiện diện với các dự án khu đô thị mới, tổ hợp thương mại – dịch vụ, chung cư cao tầng và bất động sản du lịch. Các khu vực như Đại lộ Nam Sông Mã, đường Quảng Xương, Đông Hương, Đông Sơn đang trở thành điểm nóng đầu tư, với giá đất tăng ổn định và tỷ lệ hấp thụ tốt.

Về du lịch, TP. Thanh Hóa sở hữu nhiều lợi thế nhờ vị trí chiến lược nằm trên trục giao thương Bắc – Nam, dễ dàng kết nối với các điểm du lịch nổi tiếng như Sầm Sơn, Pù Luông, Suối Cá Thần Cẩm Lương, hay Thành Nhà Hồ. Thành phố còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử như Thành cổ, Đền thờ Lê Lợi, và hệ thống lễ hội truyền thống đặc sắc. Nhờ hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện với hệ thống quốc lộ, đường sắt, cảng biển gần kề và sân bay Thọ Xuân chỉ cách chưa đầy 40km, TP. Thanh Hóa có nhiều tiềm năng trở thành trung tâm logistics, du lịch và thương mại dịch vụ trong tương lai.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Thanh Hóa thu hút gần 100 dự án FDI và DDI, trong đó TP. Thanh Hóa chiếm tỷ trọng lớn nhờ lợi thế hạ tầng, quỹ đất và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất, logistics, bán lẻ, bất động sản… đã chọn nơi đây làm điểm dừng chân cho chiến lược mở rộng.
Dẫu mô hình quản lý hành chính sẽ thay đổi từ 1/7 tới, nhưng vai trò, vị thế và động lực phát triển của TP. Thanh Hóa vẫn tiếp tục được duy trì và phát huy trong diện mạo hành chính mới. Thành phố sôi động, hội nhập này đang bước vào giai đoạn phát triển mới với tầm nhìn hiện đại, hạ tầng quy hoạch đồng bộ và khát vọng trở thành đô thị trung tâm vùng Bắc Trung Bộ trong những năm tới.
> > Từ hôm nay, thành phố cổ thứ 2 Việt Nam chính thức ngừng hoạt động