Từ ngày 11/10, giá bán lẻ điện bình quân tăng 4,8%
Theo đó giá bán lẻ điện bình quân là 2.103,1159 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 11/10/2024. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Chiều 11/10, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức họp báo việc điều chỉnh giá bán lẻ điện từ 11/10.
Theo đó, giá điện được điều chỉnh tăng lên 2.103,1159 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT). Với việc điều chỉnh tăng giá như trên, giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm hơn 96,32 đồng/kWh, mức tăng này tương đương khoảng 4,8%, nằm trong mức được phép điều chỉnh của EVN.
Từ ngày 11/10, giá bán lẻ điện bình quân tăng 4,8% |
Ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết: Cơ sở tăng giá điện cho đợt tăng giá này dựa theo Quyết định 05 của thủ tướng Chính phủ và Thông tư 09 của Thủ tướng hướng dẫn thực hiện Quyết định 05.
Trước đó, Bộ Công Thương đã công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Theo đó, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 là 528.604,24 tỷ đồng bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành, tăng 35.338,94 tỷ đồng (tương ứng tăng 7,16%) so với năm 2022.
Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 là 2.088,90 đ/kWh, tăng 2,79% so với năm 2022 (trong đó các khoản thu của EVN và các đơn vị thành viên từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được giảm trừ vào chi phí sản xuất kinh doanh của EVN và các đơn vị thành viên).
Tổng chi phí khâu phát điện là 441.356,37 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.744,12 đ/kWh; so với năm 2022, chi phí năm 2023 tăng 29.112,84 tỷ đồng.
Tổng chi phí khâu truyền tải điện là 18.879,15 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 74,61 đ/kWh.
Tổng chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện là 66.773,11 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phân phối - bán lẻ điện theo điện thương phẩm là 263,87 đ/kWh.
Tổng chi phí khâu phụ trợ - quản lý ngành là 1.595,60 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phụ trợ - quản lý ngành theo điện thương phẩm là 6,31 đ/kWh.
Tổng khoản bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các xã, huyện đảo chưa nối lưới điện quốc gia là 428, 54 tỷ đồng.
Trong khi đó, sản lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2023 là 253,05 tỷ kWh, tăng 4,26% so với năm 2022. Doanh thu bán điện thương phẩm năm 2023 là 494.359,28 tỷ đồng, tăng 8,18% so với năm 2022. Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.953,57 đ/kWh, tăng 3,76% so với năm 2022.
Từ các con số trên khiến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN lỗ 34.244,96 tỷ đồng. Tuy nhiên, thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2023 là 12.423,40 tỷ đồng. Nhờ đó, số lỗ giảm xuống lỗ 21.821,56 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).
Theo kết quả kiểm tra, các khoản chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 khoảng 18.032,07 tỷ đồng, bao gồm phần còn lại khoản chênh lệch tỷ giá (CLTG) thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện phần còn lại năm 2019 và khoản CLTG theo hợp đồng mua bán điện các năm từ 2020-2023.
Trước đó, thực trạng lỗ của EVN này cũng được các chuyên gia mổ xẻ kỹ càng.
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và Tăng trưởng xanh nhận xét, cơ cấu giá thành điện cho thấy rõ hơn một nửa nguồn cung ứng là nhiệt điện than và khí, 1/3 là thủy điện và còn lại từ điện gió, mặt trời và các nguồn năng lượng khác.
Trong khi đó, nguồn than trong nước hạn chế, nguồn than chất lượng cao chủ yếu là nhập khẩu có giá cao. Nguồn điện khí cũng không còn các mỏ khí giá rẻ và phải nhập khẩu với giá cao hơn. Đây là những yếu tố khách quan khiến giá thành điện tăng cao.
“Khi giá thành sản xuất tăng cao trong khi giá bán ra không tương ứng nếu vẫn tiếp tục duy trì cơ chế giá bán điện hiện nay, trợ giá và bù lỗ thì EVN không đủ nguồn lực cho đầu tư, trong khi chỉ đạo của Thủ tướng là không để thiếu điện”, ông Sơn nói và nhấn mạnh, nếu không tiếp tục cải cách giá bán điện thì uy tín tài chính của EVN sẽ bị đánh giá thấp và không thể vay vốn.
Cạnh đó, mức giá điện này không thể thu hút được các nhà đầu tư tư nhân. Nếu duy trì giá điện hiện nay sẽ là cực kỳ nguy hiểm trong trung hạn, dài hạn và đảm bảo phát triển kinh tế.