Từng đánh bật Vedan và Ajinomoto, Vị Hương Tố - Vua bột ngọt đầu tiên của Việt Nam - giờ ra sao?
Bột ngọt Vị Hương Tố được sản xuất bởi Công ty Thiên Hương năm 1960, từng một thời đánh bật 2 ông lớn Ajinomoto và Vedan.
Bột ngọt nổi tiếng từ ông chủ vô danh
Vào những năm của thập niên 1950, hai nhãn hiệu Ajinomoto và Vedan đã chiếm lĩnh toàn bộ thị trường Việt Nam. Thời điểm ấy, dù là nhà tài phiệt hay người có đầu óc kinh doanh táo bạo vẫn không dám có ý định cạnh tranh với 2 nhãn hiệu này, nhất là với Ajinomoto.
Vậy mà, năm 1960 tại Sài Gòn xuất hiện một loại bột ngọt mới, bột ngọt Vị Hương Tố. Sản phẩm này được sản xuất bởi công ty Thiên Hương (Thiên Hương Công ty S.A.R.L), đặt trụ sở chính tại số 118 đường Hải Thượng Lãn Ông ở khu Chợ Lớn, thành phố Hồ Chí Minh. Đây là nhà máy sản xuất bột ngọt đầu tiên ở miền Nam và trang bị hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á lúc bấy giờ.
Chỉ sau một thời gian ngắn, Vị Hương Tố lan rộng ra cả thành phố, đi về tận vùng nông thôn. Rồi cứ thế, Vị Hương Tố lớn dần, lấn át, đẩy hai đàn anh vào vị trí góc khuất của các cửa hàng.
Nắm bắt lấy thời cơ, sau 8 năm hình thành và hoạt động, Thiên Hương công ty S.A.R.L đã trở thành một trong những công ty Thực phẩm lớn nhất tại Việt Nam, và là công ty đầu tiên chính thức sản xuất mì ăn liền với nhãn hiệu mì Vị Hương.
Bột ngọt Vị Hương Tố và mì ăn liền Vị Hương độc chiếm thị phần từ Quảng Trị đến Cà Mau. Sự lớn mạnh ngoài sức tưởng tượng đã khiến nhiều người thắc mắc không biết ông chủ là người thế nào mà giỏi giang đến thế?
Chủ của Vị Hương Tố là một người bình thường không có gì nổi trội, ông là Trần Thành, người Hoa. Trước thế chiến thứ 2, vùng Đông Nam Á và Trung Hoa rơi vào cảnh loạn lạc, trên đất Trung Hoa, chiến tranh và nạn đói hoành hành. Người Hoa không thể tìm được cuộc sống tốt ngay trên quê hương mình đã rứt áo ra đi tràn xuống phương Nam để tìm đời sống mới. Gia đình của Trần Thành có mặt tại Sài Gòn trong cuộc di dân này.
Cú ngã ngựa định mệnh
Bao nhiêu năm chí thú làm ăn, gầy dựng sự nghiệp, đến khi có được khối tài sản “kếch xù”, ông chủ Trần Thành lại gục ngã trước nhan sắc người đẹp, sự nghiệp bỗng chốc trượt dốc, buông xuôi…
Sau năm 1975, Trần Thành đi định cư nước ngoài. Nhà máy Thiên Hương trở thành nhà máy quốc doanh. Ngoài bột ngọt, nhà máy còn làm thêm sản phẩm bột canh nhưng dần dần chỉ còn tập trung vào mì ăn liền. Việc thiếu đầu tư công nghệ mới đã khiến sản phẩm bột ngọt - vốn từng rất thành công trở nên ì ạch, mất dần thị phần vào tay bột ngọt ngoại nhập và cuối cùng không còn sản xuất nữa.
Trong khi đó, Ajinomoto và Vedan đã quay trở lại thị trường, lấy lại những gì đã mất. Ngôi nhà ở số 118-120 đường Hải Thượng Lãn Ông (nay thuộc Q.5, TP.HCM) là nơi tỉ phú Trần Thành khởi nghiệp, sau năm 1975 là trụ sở của nhà máy bột ngọt Thiên Hương (sau này có thời gian đổi tên là Nhà máy thực phẩm Thiên Hương).
Năm 2000, công ty thực phẩm Thiên Hương chính thức được cổ phần hóa, trở thành CTCP Thực phẩm Thiên Hương ngày nay.
Sau nhiều lần tăng vốn, vốn điều lệ hiện tại của công ty theo đăng ký là 64,18 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật là Chủ tịch HĐQT ông Nguyễn Văn Hà (SN 1958).
Theo giới thiệu, Thiên Hương có 2 công ty thành viên đặt trụ sở tại thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên và tại khu phố 2, phường Tân Thới Hiệp, quận 12, TP Hồ Chí Minh.
Thập niên 70 - 80, Vị Hương và Colusa – Miliket là 2 thương hiệu phổ biến trên thị trường, được khách hàng tin dùng. Thậm chí, từ hình ảnh con tôm trên bao bì sản phẩm, mì gói ăn liền đã được gọi là "mì tôm". Tuy nhiên, sau này với sự gia nhập của các doanh nghiệp nước ngoài, miếng bánh thị phần ngành mì ăn liền đã được chia lại.
Tình hình kinh doanh của Thiên Hương theo đó cũng đã có sự sụt giảm qua từng năm. Năm 2021, doanh thu thuần của Thiên Hương ghi nhận hơn 818 tỷ đồng, sụt giảm 24% so với cùng kỳ năm trước; LNST theo đó cũng giảm sâu xuống mức 8,8 tỷ đồng – chỉ bằng 1/3 kết quả đạt được cùng kỳ năm trước.
Sang năm 2022, kết quả kinh doanh đã có sự hồi phục tốt hơn khi doanh thu tăng trưởng mạnh 43% so với năm trước đó, LNST theo đó cũng tăng gấp đôi lên mức 18,4 tỷ đồng.
Đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt, mặc dù không chiếm thị phần lớn nhưng các sản phẩm mì Vị Hương vẫn có một chỗ đứng tại các kênh siêu thị, cửa hàng và các trang thương mại điện tử như shopee, lazada, tiki, ... với chất lượng, hương vị ổn định và giá cả phù hợp, đồng thời doanh nghiệp vẫn có lãi ổn định qua các năm.
Ngoài mì tôm, Thiên Hương cũng phát triển đa dạng các dòng sản phẩm như cháo ăn liền, gia vị như bột canh, tương ớt, ... Các sản phẩm của Thiên Hương đã được xuất khẩu qua 10 quốc gia trên thế giới.