Từng ngậm đắng nuốt cay khi mang chuông đi đánh xứ người, Viettel bất ngờ gặt hái thành quả lớn khi lãi đậm ở "trời tây"
Viettel đã phủ sóng tại 10 nước trên thế giới (nếu tính cả Việt Nam là 11 nước) 3 châu lục gồm Châu Á, Châu Mỹ và Châu Phi.
Xuất ngoại từ 17 năm trước khi mới là “tân binh” trên thị trường viễn thông Việt Nam với 2 triệu thuê bao và hoàn toàn “vô danh” với thế giới, Viettel đã ghi nhận những thành tích đáng tự hào.
Sau nhiều năm đầu tư ra nước ngoài, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã thu hồi được 950,43 triệu USD. Trong đó, lợi nhuận chuyển về nước là 654,38 triệu USD. Đứng thứ 2 sau Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Viettel đã đầu tư hơn 1.471 triệu USD, chiếm 22,22% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước.
Năm 2022, số tiền thu hồi từ các dự án đầu tư ra nước ngoài là Viettel là 97,06 triệu USD, trong đó lợi nhuận chuyển về nước là 53,18 triệu USD, thu hồi gốc và lãi cho vay từ cho vay cổ đông là 43,88 triệu USD.
Trong hơn 17 năm Viettel đầu tư ở nước ngoài, mỗi một thị trường, một giai đoạn, lại gặp những khó khăn khác nhau về chính sách, thể chế, thị trường, nhưng người Viettel đều cố gắng tìm được những hướng đi đúng, cách làm hiệu quả để đạt được những thành tựu mới.
Mỗi quốc gia là một cái tên mới, đưa yếu tố bản địa làm thương hiệu
Tính đến thời điểm hiện tại Viettel đã phủ sóng tại 10 nước trên thế giới (nếu tính cả Việt Nam là 11 nước) 3 châu lục gồm Châu Á, Châu Mỹ và Châu Phi. . Đây là một con số rất đáng tự hào vì không phải bất kỳ nhà mạng nào cũng có thể làm được điều này. Các nước đã được phủ sóng bởi mạng Viettel gồm Lào, Campuchia,Haiti, Mozambique, Đông Timor, Cameroon, Peru, Burundi, Tanzania, Myanmar.
Viettel không giữ nguyên thương hiệu khi ra nước ngoài mà tại mỗi nước sẽ thiết lập tên 1 nhà mạng mới trong tên gọi sẽ có yếu tố riêng của quốc gia đó. Ví dụ: Thương hiệu Movitel thì tiền tố Mo chính là cách nhắc lại tên gọi của đất nước Mozambique. Hay Telemor thì hậu tố Mor khơi gợi niềm tự hào của người dân Timor, là Telecommunication Timor, là mạng viễn thông của Timor. Dưới đây sẽ là chi tiết tên gọi của Viettel tại mỗi quốc gia:
Vượt gian nan đặt những viên gạch đầu tiên trên xứ người
Năm 2007, khi bắt đầu đầu tư sang Campuchia, Viettel chỉ có 9 người Việt Nam làm việc. Những cán bộ kỹ thuật của Viettel "ngày vất vả kéo cáp, tối về chỉ có trứng tráng ăn với cơm" rồi vật lộn học hành, tìm hiểu, làm tất cả mọi việc để xử lý các thủ tục giấy tờ, xin giấy phép, triển khai dự án… Kể từ những ngày đầu đó cho đến nay, năm 2022, doanh thu Metfone đã đạt 53 triệu USD, giữ vững vị trí hàng đầu về di động tại Campuchia.
Năm 2010, trận động đất tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại, cướp đi mạng sống của hơn 300.000 người Haiti xảy ra. Thảm họa xảy ra chỉ 3 ngày trước khi Viettel sang quốc gia châu Mỹ này ký hợp đồng thành lập liên doanh về viễn thông. Khó có thể tin là Viettel sẽ quay lại và thực hiện cam kết đầu tư bởi 90% các công trình lớn của Haiti bị phá hủy hoàn toàn hoặc hư hỏng rất nặng. Bất chấp tất cả những khó khăn về khoảng cách địa lý, công nghệ, cơ sở hạ tầng và thậm chí là dịch bệnh, những người Việt Nam và Haiti tại liên doanh Natcom không hề chùn bước. Chỉ sau hơn 1 năm chính thức đầu tư, ngày 7/9/2011, Natcom đã chính thức khai trương mạng viễn thông, với cơ sở hạ tầng về mạng di động đứng số 1 Haiti. Natcom đã nhanh chóng có 250.000 thuê bao di động chỉ sau 1 tháng cung cấp thử nghiệm trước ngày khai trương (7/9/2011).
Tiếp tục dấn thân vào các quốc gia nghèo nhất, Viettel đến Mozambique. Movitel hiện là nhà mạng số 1 tại Mozambique về hạ tầng mạng lưới, thị phần cũng như dịch vụ và sự sáng tạo, góp phần thay đổi diện mạo ngành viễn thông và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia này. Không phải vô cớ mà Movitel được mệnh danh là “Điều kỳ diệu của châu Phi” và vinh dự nhận tới 6 giải thưởng quốc tế uy tín.
Kể đến thị trường nghèo nhất Đông Nam Á, Đông Timor là một thị trường rất nhỏ (dân số 1,2 triệu), địa hình có 90% là đồi núi nên việc triển khai hạ tầng mạng lưới sẽ rất tốn kém, khó thi công. Bên cạnh đó, dù dân số ít nhưng mạng di động nào cũng phải đầu tư một hệ thống tổng đài và bộ máy hoàn chỉnh nên chi phí cho mỗi thuê bao sẽ rất cao. Thế nhưng, chỉ sau 6 tháng khai trương, Telemor đã kinh doanh có lãi.
Việc Viettel tới Peru đã tạo ra dấu ấn đặc biệt khi chưa bao giờ có một công ty Việt Nam nào đầu tư mạng viễn thông ở quốc gia có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành với việc thử sức với một thị trường “không nghèo”. Khi Viettel xuất hiện, Peru đã có mật độ điện thoại di động đạt trên 100% được thống trị bởi 2 tập đoàn thuộc nửa trên của Top 10 thế giới là Movistar và Claro. Nhưng dù trình độ phát triển kinh tế cao hơn Việt Nam, mật độ điện thoại di động đã vượt ngưỡng 100%, 3G ở Peru vẫn chỉ tập trung phủ sóng ở thành phố lớn. 3G vẫn “trắng sóng” ở nông thôn và ở môt số vùng núi cao thậm chí chưa có 2G. Đó chính là cơ hội cho Viettel. Tại Peru, Bitel trở thành mạng di động đầu tiên phủ sóng 3G toàn quốc khi khai trương và là mạng di động 3G Only duy nhất của Viettel vào thời điểm đó (năm 2014).
Chia sẻ về câu chuyện đầu tư viễn thông ra nước ngoài, một lãnh đạo cấp cao của Viettel cho biết: “Trong khi nhiều người nghĩ rằng, viễn thông là xa xỉ thì Viettel lại nghĩ rằng, viễn thông là thứ hàng hóa thiết yếu, như cơm ăn, nước uống hàng ngày, do đó bằng mọi cách phải phổ cập dịch vụ, mang cơ hội kết nối đến cho bất kỳ ai.
Trong khi nhiều người nghĩ rằng công nghệ càng cao thì giá càng đắt thì Viettel lại nghĩ rằng, công nghệ càng cao thì giá càng rẻ. Nếu như Apple đưa chiếc iPhone giá hàng ngàn USD tới cho 10% người giầu nhất thì Viettel sẽ mang chiếc smartphone đến cho 90% số người còn lại… Đó cũng là một bí quyết giúp Viettel thành công ở Việt Nam cũng như khi tiến ra nước ngoài”.
Viettel hợp tác với nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới làm trạm gốc 5G
Còn 143.000 thuê bao 2G Only đang bị khóa 2 chiều vì chưa chuyển lên 4G