Vĩ mô

Tuyến 500kV mạch 3 kéo điện ra Bắc: Đánh đu giữa giời, ăn trên đỉnh cột giữa hè đổ lửa

Lê Dương - Quốc Huy - Thiện Lương 08/07/2024 - 07:46

Dự án đường dây 500kV mạch 3 đang được gấp rút thi công, băng qua núi, qua rừng. Để dựng trụ cột cao sừng sững giữa địa hình hiểm trở, công nhân phải đu mình giữa không trung lắp đặt cấu kiện, ăn trưa trên đỉnh cột.

Lời toà soạn:
Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối đang tiến gần đến ngày về đích với tiến độ thần tốc. Những lo lắng, do dự ban đầu đã được đẩy lùi, thay vào đó chỉ còn tinh thần "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "3 ca, 4 kíp", "chỉ bàn làm, không bàn lùi" theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, dự án đã thành hình, chờ ngày đóng điện toàn tuyến, ghi dấu một mốc son mới của ngành điện, và mang đậm dấu ấn chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tuyến bài "Thần tốc dự án đường dây 500kV mạch 3" của VietNamNet ghi nhận không khí khẩn trương, "vượt nắng, thắng mưa" trên công trường dự án đặc biệt này.

Vượt nghìn cây số tăng cường cho Thanh Hóa

Dự án đường dây 500kV mạch 3 kéo dài nối từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) là dự án trọng điểm, cấp bách, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với an ninh năng lượng quốc gia. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt đến các cấp, bộ, ngành, chính quyền địa phương, yêu cầu cùng chung tay vào cuộc.

Tại Thanh Hóa, đường dây 500kV mạch 3 đi qua 12 huyện, thị xã, với 142 điểm giao chéo 110/trung/hạ áp; trong đó có 29 điểm giao chéo 110kV, 113 điểm trung, hạ áp.

Dự án thực hiện kéo dây 500kV mạch 3 Quỳnh Lưu - Thanh Hóa, Nam Định - Thanh Hóa đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Thanh Hoá đang trong giai đoạn gấp rút và đảm bảo hoàn thành từng hạng mục thi công theo kế hoạch đề ra.

W-a4.jpghhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh.jpg
Thanh Hóa là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng dự án. Ảnh: Lê Dương

Ông Hoàng Hải, Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Hóa, cho biết, để hỗ trợ thi công dự án, công ty cử 22 cán bộ công nhân viên tham gia lực lượng xung kích.

Điện lực Thanh Hóa đã phối hợp, hỗ trợ liên hệ, sắp xếp nơi tập kết ăn nghỉ cũng như các vị trí thi công, phương tiện đi lại cho gần 300 cán bộ, công nhân viên là lực lượng xung kích đến từ 13 công ty trực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Nam và Tổng công ty Điện lực miền Trung, được tăng cường cho dự án này trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Anh Nguyễn Văn Bình (công nhân đội truyền tải điện Kon Tum, thuộc Công ty Truyền tải điện 2) cho biết, tổ thi công vị trí cột số 136 (ở xã Trung Thành, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) có 27 người. Tất cả đều là cán bộ, kỹ sư, công nhân ngành điện ở Kon Tum và Đà Nẵng ra tăng cường.

“Tổ tăng cường của chúng tôi ra Thanh Hóa đã được 2 tháng. Thời tiết ở đây khắc nghiệt, nắng nóng gay gắt, nhưng anh em luôn trong tâm thế sẵn sàng làm việc. Để đảm bảo tiến độ, chúng tôi phải làm việc liên tục 3 ca, 4 kíp.

Cứ sáng sớm tinh mơ anh em có mặt ở công trường, làm đến giữa trưa tranh thủ ăn cơm tại đó rồi làm việc đến tối anh em mới về nơi nghỉ trọ”, anh Bình chia sẻ.

W-a6.jpghhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh.jpg
Anh Nguyễn Văn Bình vượt cả nghìn cây số ra Thanh Hóa thi công cột điện 500kV mạch 3. Ảnh: Lê Dương

Tổ trưởng tổ xung kích Lê Nhựt Trường đến từ Công ty Điện lực Hậu Giang đang cùng nhà thầu thi công tại vị trí cột 141 xã Trung Thành, huyện Nông Cống. Anh chia sẻ: “Phía Điện lực Thanh Hóa đã hỗ trợ chúng tôi nơi ở ổn định, có thăm hỏi, gửi quà, động viên tinh thần anh em hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đây cũng là cơ hội để anh em có điều kiện làm việc thực tế, được học tập, nâng cao trình độ, tay nghề”.

Theo ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, tuyến đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối gồm 4 dự án thành phần, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 2 dự án đi qua.

Đó là dự án đường dây 500kV Nhà máy nhiệt điện Nam Định 1 - Thanh Hóa, đoạn qua tỉnh Thanh Hóa dài 56,4km, gồm 133 vị trí móng cột, 55 khoảng néo, trên địa bàn 6 huyện; dự án đường dây 500kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa, đoạn qua tỉnh Thanh Hóa dài 74,6km, gồm 166 vị trí móng cột và 132 khoảng néo, trên địa bàn 5 huyện và 1 thị xã.

Ông Liêm cho biết, Thanh Hóa là tỉnh có số lượng móng, cột nhiều nhất (299 vị trí) và là một trong 2 địa phương có quy mô tuyến đường dây dài nhất trong số các tỉnh có tuyến đường dây 500kV mạch 3 đi qua.

Từ cuối tháng 5, tỉnh đã thực hiện bàn giao toàn bộ vị trí móng cột và các khoảng néo cho chủ đầu tư thi công dự án, là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng.

W-a2.jpghhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh.jpg
Công nhân phơi mình giữa nắng nóng để lắp dựng cột điện 500kV. Ảnh: Lê Dương
W-a3.jpghhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh.jpg
Tất cả đều nỗ lực thi công, theo đúng tiến độ dù thời khắc nghiệt. Ảnh: Lê Dương

“Chúng tôi xác định để giải phóng mặt bằng nhanh, quan trọng nhất là phải tái định cư cho các hộ dân. Điều thuận lợi là diện tích giải phóng mặt bằng phần lớn đi qua đất nông nghiệp, chiếm tỷ lệ lớn so với các dự án khác. Khi đã có mặt bằng sạch sẽ triển khai tốt các bước tiếp theo”, ông Liêm nói.

Sáng tạo dựng cột ở địa bàn đặc biệt khó khăn

Ghi nhận của PV VietNamNet tại dãy núi Thiên Nhẫn, huyện Nam Đàn (Nghệ An), hàng trăm người thợ đang nỗ lực thi công dựng cột điện giữa thời tiết nắng nóng, khắc nghiệt trong nhiều tuần qua.

Anh Nguyễn Đình Chinh, cán bộ kỹ thuật Công ty Hiceco - Chỉ huy công trường thi công cột điện - cho hay, gần 100 công nhân trên công trường nỗ lực “vượt nắng, thắng mưa” trong điều kiện thời tiết, địa hình đồi núi, ao hồ để đào móng, dựng cột.

“Để hoàn thành kịp tiến độ, cán bộ, công nhân thi công không biết mệt mỏi dưới thời tiết oi bức. Ngoài quần áo bảo hộ lao động, anh em phải dùng thêm áo chống nóng dài tay, nón đội có vành lớn,... để đảm bảo sức khỏe”, anh Chinh kể.

W-H1.jpgggggggggggggggggggggggggggggggggggggggggggg.jpg
Nhóm công nhân đang dựng cột điện bằng phương pháp thủ công ở địa hình máy cẩu không thể tiếp cận tại huyện Nam Đàn, Nghệ An. Ảnh: Quốc Huy
W-H2.jpggggggggggggggggggggggggggg.jpg
Đường dây điện 500kV thi công trên núi cao ở huyện Nam Đàn, Nghệ An. Ảnh: Quốc Huy

Cũng theo anh Chinh, Hiceco đảm nhiệm việc dựng 10 cột, trong đó có những cột trên núi cao, đường dốc nên gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, để dựng cột mất rất nhiều thời gian, chi phí san núi mở đường, tạo hành lang vận chuyển vật liệu, máy móc lên thi công.

“Việc dựng cột phần lớn nhờ máy móc, công nghệ hỗ trợ. Tuy nhiên, có những vị trí cột nằm ở thế bất lợi giữa ao hồ, chúng tôi phải dựng cột bằng phương pháp thủ công và có cách sáng tạo riêng", anh Chinh chia sẻ.

"Ban đầu, chúng tôi dựng lên một trụ thép giả để làm bàn đỡ kéo tời đưa thép lên lắp ghép. Khi độ cao cột điện dựng đến đâu, trụ giả được lắp ráp nâng cao đến đó. Trong số 10 cột, chúng tôi phải làm bằng phương pháp thủ công mất 4 cột”, anh Chinh kể.

Thông tin từ UBND tỉnh Nghệ An cho hay, tới ngày 26/6, công tác giải phóng mặt bằng dự án đường điện 500kV mạch 3 đi qua địa bàn tỉnh đã được bàn giao toàn bộ phần diện tích móng cột (202/202) và toàn bộ phần hành lang tuyến (203/203 khoảng cột, 88/88 khoảng néo).

Dự án có 53 hộ dân bị ảnh hưởng phải thu hồi đất, trong đó có 18 hộ đề nghị giao đất tái định cư. UBND các huyện đang hoàn tất thủ tục pháp lý để giao đất tái định cư, các hộ cam kết sẽ di dời tạm trước khi đóng điện.

W-Ảnh3.jpghhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh.jpg
Công nhân đu bám dựng lắp cấu kiện trên các trụ điện, chuẩn bị cho việc kéo đường dây siêu cao áp qua địa bàn huyện Cẩm Xuyên. Ảnh: Thiện Lương

Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 285 vị trí móng cột, các đơn vị thi công dựng được khoảng 275 cột nhờ việc hoàn tất giải phóng mặt bằng chỉ trong thời gian ngắn.

Tại vị trí cột điện số 175 qua xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, từng nhóm công nhân đang miệt mài lắp, dựng từng ống thép. Đây là 1 trong 3 trụ cột có chiều cao lớn nhất trong tổng số 285 cột trụ ngành điện đang thi công. Trụ điện này cao 145m, nặng 426 tấn, dùng công nghệ ghép nối cột ống lần đầu tiên được sử dụng trong dự án đường dây siêu cao áp tại Việt Nam.

Theo kỹ sư xây lắp ở đây, để hoàn thành những trụ cột có chiều cao như vậy, nhóm công nhân phải đu mình giữa không trung để lắp đặt cấu kiện trên các trụ, chuẩn bị cho việc kéo dây.

Ngày làm việc của họ bắt đầu từ 6h sáng, ăn trưa trên đỉnh cột và kết thúc vào khoảng 19h tối.

Ông Bùi Xuân Thái, Phó Trưởng phòng kỹ thuật - Ban quản lý Dự án các công trình điện miền Trung, thông tin, toàn tuyến đang đồng loạt dựng cột, kéo dây. Thời tiết thất thường, đường dây chủ yếu đi trên núi, băng qua rừng nên quá trình thi công gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, do tiến độ quá gấp nên nguồn cung cột thép hơi chậm, đến cuối tháng 6 mới có đủ.

“Để kịp tiến độ đề ra, chúng tôi đã huy động hơn 2.500 nhân công trên toàn tuyến, mỗi vị trí cột có khoảng 15-20 người. Những ngày nắng nóng, nhiều vị trí tại cột nhiệt độ lên tới 60 độ C, gây bỏng tay,... Nhưng với quyết tâm cao, chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành toàn tuyến trong tháng 7”, ông Thái nhấn mạnh.

>> Vượt nghìn cây số để tiếp sức cho dự án đường dây 500kV mạch 3 qua Thanh Hóa

Gần 2.100 tỷ đồng giá trị thầu tại dự án đường dây 500 kV mạch 3 về tay Tập đoàn PC1

Hoàn tất bàn giao mặt bằng cho dự án đường dây 500 kV mạch 3 trong tháng 3/2024

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/tuyen-500kv-mach-3-keo-dien-ra-bac-danh-du-giua-gioi-an-tren-dinh-cot-giua-he-do-lua-2295595.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tuyến 500kV mạch 3 kéo điện ra Bắc: Đánh đu giữa giời, ăn trên đỉnh cột giữa hè đổ lửa
    POWERED BY ONECMS & INTECH