Tuyên bố bất ngờ của Trung Quốc về siêu đập thủy điện 60.000 MW lớn nhất thế giới, gấp 3 lần Tam Hiệp
Phía Trung Quốc nhấn mạnh rằng dự án sẽ hỗ trợ giảm thiểu thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu trong khu vực.
Ngày 25/12/2024, Tân Hoa xã đưa tin Chính phủ Trung Quốc đã chính thức thông qua dự án xây dựng nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới trên sông Yarlung Zangbo, đoạn chảy qua Tây Tạng. Công trình này sẽ là nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới, công suất dự kiến 60.000 MW, gấp 3 lần đập Tam Hiệp.
Dự án thủy điện khổng lồ nằm ở khu vực "Đại uốn cong" (Great Bend) thuộc huyện Medog, Tây Tạng, nơi sông Yarlung Zangbo chảy vào bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ (nơi được gọi là sông Siang), rồi đến Assam (với tên gọi Brahmaputra) trước khi đổ vào Bangladesh. Đây là khu vực có tiềm năng thủy điện lớn nhờ địa hình dốc.
Mặc dù Trung Quốc khẳng định đây là bước tiến quan trọng trong việc đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060, dự án đang làm dấy lên những lo ngại từ Ấn Độ và Bangladesh về tác động đối với dòng chảy nước và sinh kế của hàng triệu người dân.
Theo Hoàn cầu Thời báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Quách Gia Khôn, khẳng định dự án đã được đánh giá khoa học nghiêm ngặt, công trình này không gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái, điều kiện địa chất hoặc quyền sử dụng tài nguyên nước của các quốc gia hạ nguồn. Ông cũng nhấn mạnh rằng dự án sẽ hỗ trợ giảm thiểu thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu trong khu vực.
Tuy nhiên, Ấn Độ tỏ ra không đồng tình. Tờ Indian Express dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Randhir Jaiswal cho biết: "Là một quốc gia hạ nguồn với quyền sử dụng nước đã được thiết lập, chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh quan điểm và bày tỏ lo ngại với phía Trung Quốc về các dự án lớn trên các con sông trong lãnh thổ của họ".
Ông Ashok Kantha, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc, cho rằng Ấn Độ cần bày tỏ lập trường một cách mạnh mẽ hơn, bởi dự án này mang tính rủi ro khi được triển khai ở khu vực dễ xảy ra động đất và có tính đa dạng sinh học cao.
Theo các chuyên gia Ấn Độ cảnh báo, các dự án thủy điện lớn thường đi kèm với hệ lụy. Việc xây dựng các đập lớn có thể làm gián đoạn dòng chảy phù sa, ảnh hưởng đến nông nghiệp và thay đổi dòng chảy tự nhiên, gây tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học. Khu vực này cũng từng chứng kiến thảm họa như vụ sạt lở tạo hồ Parechu năm 2004, sau đó vỡ đập gây lũ lụt lớn tại Ấn Độ.
Hiện tại, Trung Quốc và Ấn Độ có một số biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác trên các con sông xuyên biên giới nhưng việc thực thi còn hạn chế. MoU về sông Sutlej đã hết hạn, trong khi MoU về sông Brahmaputra đang trong quá trình gia hạn.
Các chuyên gia quốc tế cho rằng để giảm thiểu rủi ro, Trung Quốc cần tăng cường minh bạch và hợp tác với các quốc gia hạ nguồn. Công ước Liên Hợp Quốc năm 1997 về sử dụng các nguồn nước liên quốc gia được coi là một khung pháp lý quan trọng để thúc đẩy hợp tác bền vững.
Theo tính toán, dự án thủy điện Yarlung Zangbo có chi phí dự kiến vượt qua chi phí xây dựng đập Tam Hiệp, sẽ tiêu tốn hơn 254 tỷ nhân dân tệ (hơn 34 tỷ USD). Trong khuôn khổ Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 và tầm nhìn chiến lược đến năm 2035, Trung Quốc đã xác định rõ việc thúc đẩy phát triển thủy điện tại khu vực hạ lưu sông Brahmaputra.
Chủ tịch Tập đoàn xây dựng Điện lực Trung Quốc Án Chí Dũng từng phát biểu vào năm 2020 rằng dòng chính của lưu vực này có nguồn tài nguyên thủy điện phong phú bậc nhất trên thế giới. Đặc biệt, khu vực khúc cua lớn tại hạ lưu được ông Án nhấn mạnh là "điểm tập trung nguồn năng lượng thủy điện dồi dào nhất thế giới", có thể sản xuất 300 tỷ kWh điện mỗi năm.
>> NASA cảnh báo về tác động bất ngờ của siêu đập lớn nhất hành tinh Tam Hiệp