Tỷ giá tăng, khối ngoại bán ròng, VN-Index khó hồi phục
Khác với giai đoạn tạo đáy hồi quý 4 năm ngoái, các ETF hiện không còn hút tiền mạnh, thậm chí một số bị bán ròng. Trong khi đó, các quỹ cá mập đã hết dư địa giải ngân do đều trong trạng thái "full" cổ phiếu.
Sau giai đoạn tăng mua hàng chục nghìn tỷ cuối 2022 và quý 1/2023, khối ngoại đã liên tục bán ròng cổ phiếu Việt trong gần 7 tháng trở lại đây. Nếu ngoại trừ 2 phiên mua ròng thỏa thuận với giá gần 2.000 tỷ đồng tại cổ phiếu VHM (Vinhomes) các ngày 20 và 23/10, khối ngoại bán ròng hơn 15.000 tỷ đồng.
Thống kê cho thấy, thị trường Việt Nam bị rút ròng mạnh hơn Indonesia và Thái Lan trong tháng 8 và 9 dù cả 3 thị trường đều rơi vào tình trạng kém hấp dẫn tiền ngoại kể từ đầu năm.
Đáng nói, nhà đầu tư nước ngoài thậm chí không mấy hứng thú đối với các hoạt động gom hàng trong nhịp điều chỉnh mạnh 150 điểm gần 2 tháng qua của thị trường chứng khoán.
Khác với giai đoạn tạo đáy hồi giữa quý 4 năm ngoái, các ETF hiện không còn hút tiền mạnh, thậm chí một số còn bị rút ròng. Trong khi đó, các quỹ chủ động có vẻ đã hết dư địa giải ngân khi Pyn Elite Fund, VEIL,... đều trong trạng thái "full" cổ phiếu.
Định giá chưa thực sự hấp dẫn là một trong những nguyên nhân khiến khối ngoại chưa "mặn mà" gom hàng. Sau nhịp điều chỉnh vừa qua, định giá thị trường đã “mềm” hơn đôi chút, P/E của VN-Index còn 12,x lần - thấp hơn so với mức trung bình 5 năm song vẫn cao hơn nhiều so với thời điểm xuống đáy hồi cuối năm ngoái (P/E khoảng 9,x lần).
Dù nhiều cổ phiếu đã ghi nhận mức chiết khấu 10 - 30% song các con số này vẫn chưa đủ hấp dẫn đối với khối ngoại.
Bên cạnh yếu tố định giá, tỷ giá cũng là một trong những nguyên nhân khiến khối ngoại "dè dặt" thời gian qua. Tỷ giá tăng nhanh khiến các khoản đầu tư bằng VND khi quy đổi thành USD "vô tình" bị lỗ và điều này có thể ảnh hưởng đến dòng tiền ngoại đổ vào chứng khoán Việt Nam qua các quỹ đầu tư.
Theo một số chuyên gia, tỷ giá có thể tiếp tục gây áp lực trong những tháng cuối năm khi nhiều dự báo cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa ngừng tăng lãi suất và xu hướng thắt chặt vẫn sẽ tiếp diễn.
Trong bối cảnh USD liên tục tăng giá, dòng vốn ngoại trên toàn cầu có xu hướng chảy về thị trường Mỹ là điều khó tránh khỏi. Áp lực rút vốn được dự báo sẽ mạnh hơn trên các thị trường cận biên (frontier) như chứng khoán Việt Nam.
Phiên 22/11: Công ty BĐS trong Top 9 vay nợ nhiều nhất được khối ngoại rót ròng 242 tỷ đồng
Mốc 1.230 điểm cản bước VN-Index, khối ngoại mua ròng trở lại