Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Foodpanda đã âm thầm chiếm lĩnh thị trường giao đồ ăn như thế nào?

23-05-2023 09:38|Thủy Tiên

Sau đại dịch, nhu cầu giao đồ ăn đã giảm nhưng Foodpanda vẫn đang khẳng định vị thế là một trong những “siêu ứng dụng” trong ngành.

Ngay từ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến vốn đang dần trở nên phổ biến tại thị trường Đông Nam Á. Trước tác động của dịch bệnh và lệnh giãn cách, phong tỏa, những ứng dụng này gần như chiếm lĩnh thị trường ăn uống, chứng kiến sự ra đời của nhiều hãng giao đồ ăn trực tuyến hơn trong khu vực.

Theo Tech Wire Asia, ngoài việc mang lại lợi nhuận cho nhà hàng, hoạt động kinh doanh này còn tạo cơ hội cho những người bị mất việc do đại dịch Covid-19 kiếm được việc làm mới trong lĩnh vực giao hàng hay kinh doanh thực phẩm.

Tuy nhiên, sau đại dịch, ngành giao đồ ăn trực tuyến cũng đã phát triển chậm lại khi nhiều người quyết định ra khỏi nhà để tới các quán ăn, nhà hàng, … thay vì đặt đồ ăn.

Điều này khiến nhiều doanh nghiệp giao đồ ăn trực tuyến gặp khó, tuy nhiên, một ứng dụng ở Đông Nam Á có tên Foodpanda vẫn đang cố gắng phát triển bất chấp những khó khăn ngày càng tăng, khẳng định vị thế là một trong những “siêu ứng dụng” trong ngành.

Foodpanda là một công ty con của nhà cung cấp dịch vụ giao hàng trực tuyến Delivery Hero được niêm yết tại Frankfurt (Đức), và bắt đầu hoạt động kinh doanh tại Singapore vào năm 2012, trước cả Grab và các đối thủ khác.

Foodpanda tập trung vào mảng kinh doanh giao đồ ăn nhanh, mang đến các đơn đặt hàng từ bữa ăn nhỏ trong nhà hàng đến các món đồ trong cửa hàng tạp hóa cho khách hàng một cách nhanh chóng và tiện lợi.

Theo báo cáo “Nền tảng giao đồ ăn ở Đông Nam Á” của Momentum Work, năm 2022, Grab chiếm 54% GMV (tổng giá trị giao dịch) thị trường giao đồ ăn toàn khu vực. Trong khi Foodpanda xếp ở vị trí thứ 2 khi chiếm 19% hay 3,1 tỷ USD GMV.

“Foodpanda hiện đang hoạt động ở 11 thị trường khác nhau. Tuy khách hàng tại mỗi nơi lại có nhu cầu khác nhau, nhưng công ty vẫn luôn cố gắng biến quá trình đặt món trên ứng dụng trở nên dễ dàng và thú vị nhất có thể đối với người mua”, theo Davide Vitiello, Giám đốc Sản phẩm của Foodpanda. Chính sự chú ý đến các chi tiết dù là nhỏ nhất đấy cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn đối với toàn bộ trải nghiệm của khách hàng, ông Vitiello cho biết thêm.

Thị trường ba phía: khách hàng, người bán và người giao hàng

Foodpanda có ba nhóm sản phẩm và công nghệ lớn tập trung vào ba yếu tố: khách hàng, người bán và người giao hàng. Mỗi yếu tố này đều có công nghệ và ứng dụng riêng để đảm bảo trải nghiệm liền mạch giữa các bên.

“Chúng tôi thu thập một lượng lớn dữ liệu về hành vi của người tiêu dùng, nhưng thay vì phân tích từng cá nhân, chúng tôi thường nhóm người dùng thành thành các phân khúc riêng. Sau đó phân tích xem họ có quan tâm đến nhà hàng hay không, họ có thấy mức giá phù hợp và nhạy cảm với các ưu đãi hay không. Đồng thời ghép nối những thông tin này với đánh giá của khách hàng đối với các đơn hàng mà họ đã đặt để tìm cách phục vụ người dùng tốt nhất có thể”, Giám đốc Vitiello giải thích.

Không chỉ mang lại lợi ích cho khách hàng, dữ liệu này còn sẽ giúp người bán cải thiện chất lượng sản phẩm cũng như chất lượng dịch vụ. Cụ thể, ông Vitiello cho biết, thông qua lượng dữ liệu mà công ty cung cấp, người bán sẽ có thông tin chi tiết về cách người tiêu dùng tìm thấy món ăn của nhà hàng, những ưu đãi họ có thể cung cấp, lĩnh vực có thể cải thiện cũng như cung cấp quảng cáo phù hợp cho khách hàng.

Dù sở hữu lượng dữ liệu lớn từ khách hàng, nhưng là một công ty công nghệ, Foodpanda vẫn đảm bảo tuân thủ các yêu cầu và quy định về bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư.

Ngoài ra, Foodpanda cũng tiến hành thử nghiệm trước khi áp dụng bất kỳ tính năng mới nào vào ứng dụng. Nếu không được người dùng chấp nhận rộng rãi, công ty sẽ không đưa tính năng mới vào quá trình phát triển.

Bên cạnh đó, hãng còn có một nhóm bảo mật toàn cầu liên tục chạy thử nghiệm trên nền tảng, đồng thời cung cấp các chương trình trả thưởng cho bất kỳ ai tìm ra lỗi trên ứng dụng của họ.

Đầu tư vào mảng giao hàng

Ông lớn trong lĩnh vực giao đồ ăn coi người giao hàng là chìa khóa để hoàn thiện trải nghiệm của khách hàng cũng như giúp người bán hiểu rõ hơn về người tiêu dùng. Hoạt động tại hơn 400 thành phố ở 11 thị trường châu Á, công ty cần có khả năng đảm bảo rằng hàng nghìn shipper ở mỗi thị trường được lựa chọn phải là những người phù hợp nhất.

Quá trình này đã trở nên đơn giản hơn nhờ những tiến bộ trong dữ liệu định vị địa lý và công nghệ lập bản đồ. Tuy nhiên, Foodpanda vẫn nỗ lực cải thiện trong cách họ phân công shipper để tối ưu hóa quy trình cũng như đảm bảo hiệu quả tối đa.

“Không giống như các đối thủ khác trong lĩnh vực gọi xe, các công ty chuyên về mảng giao đồ ăn như Foodpanda có thể tự do phát triển các sản phẩm phục vụ riêng cho nhu cầu giao đồ ăn. Với những tiến bộ trong công nghệ, giờ đây chúng tôi có thể ước tính chính xác thời gian giao và thông báo cho khách hàng”, theo ông Vitiello.

Cũng theo Giám đốc Sản phẩm của Foodpanda, Vitiellom, đối với các doanh nghiệp trong ngành giao đồ ăn, luôn có những biến số có thể kiểm soát được và những biến số không thể kiểm soát được, chẳng hạn như thời tiết.

Với những biến số đó, hãng đang xây dựng thuật toán nhằm tối ưu hóa việc tìm kiếm shipper phù hợp, với mục tiêu tìm ra shipper ở đúng vị trí vào đúng thời điểm chứ không nhất thiết phải là shipper ở vị trí gần nhất. Foodpanda hiện có khoảng 500 nhân sự tập trung vào việc đảm bảo quy trình này được hoàn thiện suôn sẻ nhất có thể.

Foodpanda gần đây cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với AirAsia. Sự hợp tác này cũng sẽ cấp cho Foodpanda quyền truy cập vào các tài sản của AirAsia, bao gồm các chương trình trả thưởng, đăng ký và ví điện tử, đồng thời quảng bá dịch vụ gọi xe cho khách hàng của họ. Hai bên đều kỳ vọng cú bắt tay này sẽ là cách tốt nhất để đảm bảo cả hai đều được hưởng lợi từ thế mạnh của họ trong ngành.

Tăng cường áp dụng AI

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang là một trong những công nghệ quan trọng hàng đầu cũng như là chủ đề nóng trên toàn cầu. Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Google, Microsolf, … đã đầu tư hàng tỷ USD vào AI chứng minh tiềm năng phát triển của lĩnh vực này trong tương lai. Với “cú huých” mang tên ChatGPT, một cuộc đua nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã và đang hình thành trên phạm vi toàn cầu.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Foodpanda cũng sẽ tìm cách áp dụng công nghệ này vào hoạt động kinh doanh của mình. Theo ông Vitiello, Foodpanda đã tận dụng AI cho một số ứng dụng của mình và không loại trừ khả năng áp dụng AI tổng quát trong tương lai.

Ngoài việc đặt món ăn, AI tổng quát còn có thể giúp tạo hình ảnh cho món ăn, hầu hết là các ảnh đã được lưu trữ trong các nhà hàng. Ông Vitiello cũng nhấn mạnh rằng, đây là một xu hướng các công ty khác đang đầu tư vào.

Trước đó, Giám đốc điều hành của Foodpanda, ông Jakob Angele cũng cho biết, công ty đang xem xét sử dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo để quản lý đơn đặt hàng từ các nhà cung cấp hiệu quả hơn.

Angele nói: “Một điều mà chúng tôi đang rất quan tâm là hỗ trợ sự tương tác giữa các nhà hàng và nhà cung cấp của họ bằng công nghệ".

Khi được hỏi liệu về kế hoạch trở thành một siêu ứng dụng, ông Vitiello cho biết bản thân Foodpanda đã là một siêu ứng dụng trong lĩnh vực giao đồ ăn. Với cách thức công ty đang phục vụ khách hàng, người bán và người giao hàng trong khu vực, Foodpanda được nhận định là một trong những doanh nghiệp thành công nhất trong lĩnh vực mà họ đang hoạt động.

Doanh thu quý 1 tăng gấp đôi cùng kỳ, Grab đặt mục tiêu hòa vốn vào cuối năm nay

Không có chi nhánh nhưng vẫn hợp tác kinh doanh tại Đà Nẵng: Grab hoạt động sai quy định?

Hãng gọi xe Bolt: Chiến lược "né Uber" - đi "tiểu ngạch", trở thành đế chế tỷ đô

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/foodpanda-va-nhung-buoc-di-khon-kheo-trong-hanh-trinh-tro-thanh-sieu-ung-dung-giao-do-an-tai-dong-nam-a-184260.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Foodpanda đã âm thầm chiếm lĩnh thị trường giao đồ ăn như thế nào?
POWERED BY ONECMS & INTECH