Baemin rút khỏi Việt Nam, ai sẽ có lợi thế tranh giành thị phần?
Baemin nắm giữ 12% thị phần giao đồ ăn nhanh vào năm 2022.
Thông tin mới đây, Baemin Việt Nam, liên doanh giữa Delivery Hero và Woowa Brothers, đã bắt đầu thu hẹp quy mô hoạt động và cắt giảm nhân viên.
Cùng với đó câu nói ẩn ý của bà Cao Thị Ngọc Loan, Giám đốc điều hành tạm thời của Baemin "Quyết định rút lui khỏi hoạt động của chúng tôi tại Việt Nam không phải là một quyết định được xem nhẹ” đã làm dậy sóng lên tin đồn Baemin sẽ rút lui hoàn toàn khỏi thị trường Việt Nam.
Baemin chính thức ‘chào sân’ thị trường Việt Nam từ tháng 5/2019, sau khi thâu tóm nền tảng giao dịch đồ ăn trực tuyến Vietnammm.com.
Hãng giao đồ ăn đến từ Hàn Quốc ban đầu hoạt động tại thị trường Tp. HCM, sau đó mở rộng ra các đô thị lớn khác tại Việt Nam. Đây là thời điểm thị trường giao đồ ăn gần như chỉ còn là 'cuộc chơi' của Grab và Now (Shopee Food hiện nay).
Niklas Östberg, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Delivery Hero, nói với Reuters vào tháng 8 rằng triển vọng của công ty ông đối với châu Á là tích cực, ngoại trừ ở Việt Nam, nơi họ cho rằng hoạt động kinh doanh này “không bao giờ có lãi”.
Song, thực tế Baemin Việt Nam đã tạo được dấu ấn khác biệt so với các công ty giao đồ ăn khác khi vận hành nhà bếp riêng và có cách marketing rất thú vị. Họ thậm chí còn xây dựng một Baemin Studio và một thương hiệu mỹ phẩm khá được đón nhận.
Theo một báo cáo gần đây từ nhà xây dựng liên doanh Momentum Works, Baemin đã gia tăng thị phần nhanh chóng tại Việt Nam từ 3% trong năm 2021 lên 12% trong năm 2022, Grab chiếm ngôi vương thị trường Việt Nam với 45% và 41% của ShopeeFood, còn lại 2% là của Gojek.
Theo báo cáo do Eden Global Capital công bố vào quý 2/2023, khối lượng giao đồ ăn ở Thái Lan vượt Việt Nam xấp xỉ 3 lần, với giá trị thị trường 3,6 tỷ USD so với 1,1 tỷ USD của Việt Nam, trong khi dân số Thái Lan ít hơn 30 triệu. Những dữ liệu này cho thấy tiềm năng phát triển trong lĩnh vực giao đồ ăn của Việt Nam.
Vậy, nếu thực sự Baemin rút lui khỏi thị trường Việt Nam, miếng bánh béo bở này sẽ được các ông “cũ” trong ngành chia nhau hay sẽ được các ông “mới” thâu tóm?
"Nhờ niêm yết thông qua công ty SPAC, Grab đã nhận được một khoản tiền mặt lớn. Vì vậy, so với những đối thủ khác, họ có lượng tiền mặt khả dụng nhiều nhất", Nikkei trích lời của Jianggan Li - Giám đốc điều hành của Momentum Works – từ một cuộc họp báo trực tuyến.
Sau năm 2021 đầu tư bùng nổ vào mảng Food, Shopee đã thu hẹp quy mô để tập trung mang lại lợi nhuận cho mảng kinh doanh cốt lõi là thương mại điện tử, nhường một phần sân chơi Food Delivery cho Grab.
Trong khi đó, Gojek hiện nay vẫn đang ưu tiên cho thị trường Indonesia.
Mới đây, dịch vụ giao đồ ăn Foodpanda của Singapore cho biết họ đang tiến hành đợt sa thải mới nhất, đây là đợt sa thải thứ ba của Foodpanda. Trước đó, hồi tháng 2 và tháng 9 năm ngoái. Động thái cắt giảm nhân sự của Foodpanda diễn ra trong bối cảnh công ty mẹ Delivery Hero đang thảo luận sơ bộ với những bên mua tiềm năng về việc bán một phần hoạt động kinh doanh giao đồ ăn ở Đông Nam Á.
“Delivery Hero xác nhận có các cuộc đàm phán với một số bên liên quan đến việc bán Foodpanda tại một số thị trường Đông Nam Á. Các cuộc thảo luận đều đang ở giai đoạn sơ bộ”, công ty cho biết. Delivery Hero vẫn chưa có lãi kể từ khi thành lập vào năm 2011. Trong nửa đầu năm 2023, Delivery Hero lỗ ròng 832,3 triệu euro (886,9 triệu USD). Năm ngoái, công ty lỗ tới 1,495 tỷ euro.
Rút lui khỏi thị trường Việt Nam, Gojek và Baemin để lại nhiều bài học cho các hãng giao đồ ăn
Baemin rút khỏi thị trường, doanh nghiệp Việt tăng tốc chiếm thị phần