UOB: Đồng VND sẽ mạnh dần so với USD
Tập đoàn UOB cho rằng khả năng USD sẽ giảm giá trong nửa cuối năm.
Ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu - Tập đoàn UOB nhận định: “Chúng tôi kỳ vọng VND sẽ mạnh dần so với USD lên 25.200 trong quý III/2024, 25.000 trong quý IV, 24.800 trong quý I/2025 và 24.600 trong quý II/2025”.
Đây là thông tin từ buổi lễ công bố Nghiên cứu Triển vọng doanh nghiệp năm 2024 của UOB vào ngày 16/7.
Dự báo về xu hướng của tỷ giá VND so với USD trong thời gian tới, ông Suan Teck Kin cho biết với dự đoán về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9 và tháng 12 năm 2024, UOB thấy khả năng USD sẽ giảm giá trong nửa cuối năm.
Đây là kịch bản đã dự báo kể từ cuối năm 2023. VND có thể phục hồi trong nửa cuối năm 2024 cùng với sự phục hồi của CNY và sự suy yếu của USD trên diện rộng khi việc cắt giảm lãi suất của Fed được chú trọng.
Trước những biến động tỷ giá trên, ông Suan Teck Kin cho rằng doanh nghiệp nên có kế hoạch về quản trị rủi ro để bảo vệ vị thế tài chính. Ngoài ra, cần duy trì sự cân bằng, lập kế hoạch hợp lý về dòng tiền và mức độ nắm giữ cả ngoại hối và nội tệ.
“Việc nắm giữ quá nhiều ngoại tệ có thể khiến doanh nghiệp thua lỗ nhưng ngược lại cũng có thể thu được lợi nhuận. Đồng thời, cần có nội tệ để trả cho các nhà cung cấp địa phương, tiền lương, tiền thuê nhà, thuế, …”, ông nhấn mạnh.
Ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu - Tập đoàn UOB, nguồn: TTXVN |
Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết, mức biến động khoảng 5% trong 6 tháng đầu năm của VND so với USD hoàn toàn nằm trong xu thế chung của hầu như toàn bộ các đồng tiền châu Á và các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển vốn liên kết chặt chẽ với sức khỏe đồng USD là đồng tiền quan trọng nhất trong các hoạt động thương mại, đầu tư và là đồng tiền dự trữ toàn cầu mang tính thanh khoản cao nhất.
Cụ thể, trong 6 tháng qua, đồng yên Nhật mất giá 14%, đồng won Hàn Quốc giảm 7%, đồng tiền của Thái Lan, Indonesia, Đài Loan (Trung Quốc), Philippines cũng mất giá khoảng 6% so với USD.
Ngân hàng trung ương các nước trên đều dùng các biện pháp can thiệp thị trường khác nhau trong nỗ lực ổn định vĩ mô, hạn chế dòng vốn ngoại ra đi và sự mất giá đồng nội tệ. Việt Nam đã gia nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế và cơ quan quản lý cũng phải hành động tương tự.
“Áp lực từ lãi suất USD tiếp tục được duy trì ở mức rất cao trong nhiều năm trở lại đây, cùng với sức hấp dẫn từ các tài sản đầu tư gắn với USD sẽ tiếp tục là bài toán khó cho tất cả các Cơ quan quản lý các nước, cho đến khi có một dấu hiệu rõ ràng là nền kinh tế Mỹ cần thiết phải có các đợt cắt giảm lãi suất liên tục”, ông Quang nhận định.
>>Tỷ giá USD hôm nay 17/7: thị trường tự do tiếp tục lao dốc không phanh