Ủy ban Pháp luật đánh giá cao sự chủ động của Chính phủ trong triển khai thi hành Luật

07-03-2024 11:20|PV

Sáng 7/3, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo tham luận về công tác giám sát việc triển khai đối với luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5 thuộc lĩnh vực Ủy ban Pháp luật phụ trách.

Ủy ban Pháp luật đánh giá cao sự chủ động của Chính phủ trong triển khai thi hành Luật- Ảnh 1.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu tham luận tại Hội nghị - Ảnh: VGP

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, công tác giám sát việc triển khai đối với luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5 thuộc lĩnh vực Ủy ban Pháp luật (UBPL) phụ trách, bao gồm các nội dung: công tác triển khai Luật Nhà ở; tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và tập trung rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính theo yêu cầu tại các nghị quyết số 110/2023/QH15, số 103/2023/QH15 của Quốc hội; tình hình, tiến độ triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và các nhiệm vụ lập pháp còn lại của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

>> Việt Nam đang trở thành đối tác công nghệ hàng đầu của châu Âu

Về giám sát việc triển khai Luật Nhà ở, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025. Luật có nhiều nội dung mới, quan trọng về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực nhà ở, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, giảm chi phí tuân thủ pháp luật; bổ sung nhiều cơ chế ưu đãi cụ thể, đơn giản hóa trình tự, thủ tục đầu tư dự án phát triển nhà ở nhằm huy động nguồn lực xã hội, khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở, trọng tâm là các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người có thu nhập thấp; bổ sung, hoàn thiện nhiều quy định nhằm khắc phục các nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện về nhà ở, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, sử dụng nhà chung cư...

Thường trực UBPL đánh giá cao sự chủ động của Chính phủ trong việc triển khai thi hành Luật; đồng hành cùng quá trình này, UBPL đã xây dựng kế hoạch giám sát năm 2024, trong đó tập trung theo dõi tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Nhà ở, bao gồm: Tính kịp thời, đầy đủ của việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại khoản 2 Điều 11 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và khoản 1 Điều 40 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản trong hệ thống pháp luật và việc tuân thủ thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục ban hành văn bản; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về nhà ở.

Về việc tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 110/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã xem xét, thông qua nghị quyết ghi nhận kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong 22 lĩnh vực trọng tâm có nhiều kiến nghị của người dân, doanh nghiệp và giao Chính phủ chỉ đạo khẩn trương xem xét, xử lý kết quả rà soát, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 đối với các nội dung do Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị; có giải pháp khắc phục ngay các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập đã được chỉ ra trong các văn bản dưới luật; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của UBTVQH.

Ngay sau kỳ họp, Thường trực UBPL đã tham mưu UBTVQH có văn bản số 720/UBTVQH15-PL ngày 04/01/2024 gửi Chính phủ về việc triển khai Nghị quyết số 110/2023/QH15 về xem xét, xử lý kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Qua theo dõi, Thường trực UBPL nhận thấy, Chính phủ, các Bộ đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan của Quốc hội triển khai Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội và văn bản số 720/UBTVQH15-PL của UBTVQH.

Đến nay, nhiều nội dung vướng mắc, bất cập đã được xử lý trong Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5. Một số nội dung khác đang được các cơ quan nghiên cứu, xử lý trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật, pháp lệnh dự kiến trình Quốc hội, UBTVQH xem xét, thông qua trong thời gian tới hoặc đang được Chính phủ chỉ đạo xử lý trong các dự án luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 hoặc đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Ủy ban Pháp luật đánh giá cao sự chủ động của Chính phủ trong triển khai thi hành Luật- Ảnh 2.
Các đại biểu tham dự Hội nghị toàn quốc do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức - Ảnh: VGP/LS

Đối với việc theo dõi, đôn đốc Chính phủ thực hiện yêu cầu tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 về “tập trung rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV”, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024, đề ra 17 chỉ tiêu cụ thể về cải cách thủ tục hành chính các Bộ, ngành, địa phương cần đạt được trong năm 2024. Để bảo đảm tiến độ báo cáo Quốc hội theo yêu cầu tại Nghị quyết số 103/2023/QH15, Chính phủ đã chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, tài liệu chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Về tình hình, tiến độ triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (Chương trình) năm 2024 và các nhiệm vụ lập pháp theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, Kế hoạch số 734/KH-UBTVQH15, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, ngay sau khi Nghị quyết về Chương trình năm 2024 được Quốc hội thông qua, UBTVQH đã kịp thời ban hành Nghị quyết phân công cơ quan trình, soạn thảo, chủ trì thẩm tra, tham gia thẩm tra các dự án; dự kiến tiến độ UBTVQH xem xét các dự án; đồng thời, ban hành Nghị quyết về Chương trình công tác năm 2024 của UBTVQH làm cơ sở để các cơ quan, đại biểu Quốc hội trình dự án và các cơ quan của Quốc hội tổ chức triển khai thực hiện.

Qua theo dõi, Thường trực UBPL nhận thấy, trong số các dự án luật, nghị quyết dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến hoặc xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp tại Kỳ họp thứ 7, đến nay Chính phủ mới trình 01 dự án; hầu hết các dự án còn lại dự kiến được Chính phủ xem xét tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật cuối tháng 02/2024.

Về tình hình, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ lập pháp theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và Kế hoạch số 734/KH-UBTVQH15, Thường trực UBPL nhận thấy, thời gian qua, các cơ quan, tổ chức đã dành nhiều sự quan tâm hơn; đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện để bảo đảm chất lượng, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ lập pháp. Các luật, pháp lệnh, nghị quyết được thông qua là kết quả thực hiện các nhiệm vụ lập pháp đã bám sát định hướng sửa đổi, bổ sung theo Đề án Định hướng và bảo đảm tiến độ đề ra, được Quốc hội và nhân dân đánh giá cao.


>> Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 5-9/2/2024

Tác động của lệnh cấm TikTok đối với thị trường công nghệ Trung Quốc

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 22-26/4/2024

Trung Quốc nới lỏng chính sách vay mua ô tô, khuyến khích sinh viên sắm xe hơi

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/uy-ban-phap-luat-danh-gia-cao-su-chu-dong-cua-chinh-phu-trong-trien-khai-thi-hanh-luat-102240307111504642.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Ủy ban Pháp luật đánh giá cao sự chủ động của Chính phủ trong triển khai thi hành Luật
POWERED BY ONECMS & INTECH