Văn Cao, một tiếng thơ vang vang cả lòng cả đáy
Ở địa hạt thi ca, Văn Cao viết không nhiều, nhưng là những thi phẩm vừa in dấu lịch sử chuyển động suốt một đời người, dọc theo thế kỷ, vừa nhấn thật sâu vào tư tưởng và tâm hồn để biến nó thành 'Một tiếng thơ vang vang cả lòng cả đáy'.
Lời tòa soạn: Văn Cao là nghệ sĩ đa tài, thể hiện trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật (nhạc, hoạ, thơ). Sự nghiệp của ông trải dài suốt thế kỷ XX và gắn bó chặt chẽ với lịch sử gồm nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn của đất nước. Vì vậy mà cuộc đời và sự nghiệp của Văn Cao trải qua nhiều khúc quanh, nhiều bước ngoặt, thăng trầm của lịch sử dân tộc cũng như lịch sử nghệ thuật hiện đại. Nhưng ở thời kỳ nào, nhân cách nghệ sĩ và tài năng của Văn Cao cũng được ghi nhận.
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (15/11/1923-15/11/2023), VietNamNet xin giới thiệu góc nhìn của các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận, phê bình văn hóa, văn nghệ về một thi sĩ Văn Cao.
Khát vọng hướng về phía ánh sáng của thiên lương
Khi nhắc tới Văn Cao, nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam khẳng định: Trong lịch sử của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện đại và đương đại, tính cả 20 năm văn nghệ miền Nam khi đất nước bị chia cắt, thật khó có thể tìm ra được một trường hợp tương tự Văn Cao. Bởi ở ông tất cả dường như đều là vượt ngưỡng: sự cường tráng của sức sáng tạo, sự đa dạng về tài năng thiên phú và tinh thần tiên phong khai mở những lối mòn để rộng đường cho những giấc mơ, khát vọng tự do tung cánh.
Ở địa hạt thi ca, Văn Cao viết không nhiều (gần 60 bài thơ), trong đó có vài trường ca, nhưng là những thi phẩm vừa in dấu lịch sử chuyển động suốt một đời người, dọc theo thế kỷ, vừa nhấn thật sâu vào tư tưởng và tâm hồn để biến nó thành “Một tiếng thơ vang vang cả lòng cả đáy” (Trường ca Những người trên cửa biển).
Những bài thơ đầu tiên Văn Cao viết trong khoảng thời gian từ 1939 - 1941 gồm: Li khách, Linh cầm tiến, Ai về Kinh Bắc, Đêm ngàn, Đêm mưa... theo cảm nhận của nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân “nó đẹp một nỗi buồn xa vắng”.
Với PGS.TS Cao Thị Hồng, khi đọc thơ Văn Cao ở nhiều thi phẩm như Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, Những người trên cửa biển, Khuôn mặt em, Một đêm đàn lạnh trên sông Huế, Lá, Trôi, Thời gian, Cánh cửa, Thu cô liêu, Năm buổi sáng không có trong sự thật, Ba biến khúc tuổi 65, Linh cầm tiến... bà thấy sự đa dạng cung bậc cảm xúc, có xôn xao, có sâu lắng buâng khuâng... nhưng dường như chủ đạo vẫn là những "thì thầm tự vấn, suy tư trăn trở, đau buồn và thậm chí nhiều khi hoang mang, kinh hãi, lo âu".
Bà Hồng đặt câu hỏi: Phải chăng tất cả thể nghiệm cảm xúc nội tâm ấy bắt nguồn sâu xa từ những “chấn thương” tinh thần của tác giả bởi tác động của hoàn cảnh sống? Và dưới tầng sâu lớp ngôn từ của mỗi thi phẩm ẩn giấu bao mỹ cảm mà chúng ta cần suy ngẫm “giải mã”?
Để rồi, càng đọc thơ Văn Cao, bà càng nhận ra, thơ của ông đã đi đến đích trong sự tôn vinh và kính trọng của nhân dân. Cả cuộc đời sống và viết của Văn Cao là cuộc dấn thân trải nghiệm không ngừng những cảm xúc, trăn trở về sự tồn tại của con người - đó là khát vọng hướng về phía ánh sáng của thiên lương, khát vọng đạt đến những ý niệm thuộc về chân lý vĩnh hằng. Với bản lĩnh kiên cường cùng trí tuệ mẫn tiệp và một trái tim nhân hậu yêu thương, Văn Cao đã tự mình thoát khỏi mọi giới hạn, hoàn cảnh, thời đại để khẳng định nhân vị của một nghệ sĩ lớn.
“Thi ca nói riêng và sự nghiệp nghệ thuật nói chung mà Văn Cao đã dâng hiến với mục tiêu cho con người và vì con người mãi mãi dâng tràn sức sống; mang lại niềm tin, khích lệ con người hướng về chân-thiện-mỹ và mãi mãi âm vang giai điệu “một trưa nắng cho bao tâm hồn” như bài ca Mùa xuân đầu tiên mà sinh thời Văn Cao từng khát vọng”, PGS.TS Cao Thị Hồng bày tỏ.
Thơ là lãnh địa thể hiện rõ nhất bản ngã Văn Cao
PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp cho rằng, tài năng Văn Cao hiện rõ trong thơ, nhạc, họa. Song thơ là lãnh địa thể hiện rõ nhất bản ngã Văn Cao. Tại đó, ông trực diện lựa chọn thái độ: Giữa sự sống và sự chết/ Tôi chọn sự sống/ Để bảo vệ sự sống/ Tôi chọn sự chết (Bài thơ Chọn, 1957); nhận thấy mặt trái của những tấm huân chương: Người ta đôi khi bị giết/ bằng những bó hoa (Những bó hoa, 1974) và cô đơn, rạn vỡ: Có lúc/ một mình một dao giữa rừng đêm không sợ hổ/ Có lúc/ ban ngày nghe lá rụng sao hoảng hốt/ Có lúc nước mắt không thể chảy ra ngoài được (Có lúc, 1963). Thơ cũng là nơi Văn Cao tự tri nhận về số phận mình trong các mối tương quan: Tôi không được làm trái đầu mùa/ Những trái cây cao giá/ Tôi/ Một trái cây muộn.
Tìm hiểu về thơ của Văn Cao, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp nhận thấy hình ảnh ánh mắt xuất hiện nhiều như một ám ảnh. Mắt là tâm hồn, là tiếng nói, là nơi phân biệt thật, giả, ngay thẳng và đớn hèn. Đặc biệt, mắt là biểu tượng lớn về một tình yêu thanh khiết, thủy chung mà Văn Cao may mắn có được. Nó trở thành báu vật đi suốt đời ông, giúp ông vượt lên mọi ngặt nghèo số phận.
Và chính Văn Cao, trong sự tự biểu hiện, vẫn biết nhận chân thế giới này bằng con mắt “lặng lẽ lấp lánh” còn lại, khi mà con mắt kia bị che phủ bởi “bóng đen” người khác (Bài thơ Nguyệt thực). Đó là bi kịch của chữ tài bị vùi dập bởi chữ tai.
Nguyễn Thụy Kha đã hiểu được Văn Cao trong thời điểm khốn khó ấy: “Lọc chắt từ đáy những tâm trạng, số phận, nỗi niềm, thơ Văn Cao đã sáng lên những kinh nghiệm qua những éo le. Tôi nghĩ, thứ kinh nghiệm lớn nhất mà Văn Cao có được chính là bản lĩnh để tồn tại, kiên định sáng tạo để vượt tình thế".
PGS.TS Phạm Xuân Thạch lại cho rằng, có lẽ chính bản thân con người Văn Cao không đưa ông trở thành một nhà thơ chính luận. Với Văn Cao, thơ chưa bao giờ có một ý nghĩa tự thân theo cách mà Trần Dần và Lê Đạt từng nghĩ về thơ để khởi sự cho những cuộc thể nghiệm của mình. Thơ với Văn Cao là một công cụ thế để ông tự ghi lại nhật ký nội tâm mình qua những năm tháng đặc biệt.
Văn Cao thuộc thế hệ những tác giả xuất hiện từ trước 1945, ở hậu kỳ của Thơ mới. Ngay từ thời ấy, cùng với tư cách người văn nghệ, Văn Cao đã dấn thân trọn vẹn trong tư cách con người hành động của cách mạng, thậm chí thực hiện những nhiệm vụ “không thơ”.
"Và hành trình sáng tác của Văn Cao cho thấy trong ông, cách mạng và cách mạng văn nghệ luôn là hai nửa không thể tách rời của một cuộc đời sáng tạo. Theo đó, chống lại mọi sự bảo thủ, với ông, cách mạng phải được chuyển hoá thành cách mạng thơ và cách mạng văn nghệ", PGS.TS Phạm Xuân Thạch khẳng định.
Bài 2: Nhạc sĩ Văn Cao, người ám ảnh hội họa