Các kim loại quý đang "chìm sâu" dưới sức mạnh của đồng USD và lợi tức kho bạc tăng trước quyết định lãi suất quan trọng của Cục Dự trữ Liên bang.
Giới đầu tư toàn cầu nghiêng ngả trong sự đổ vỡ niềm tin. Hầm trú ẩn an toàn nay đã không còn an toàn nữa, nó sập, vùi lấp những traders, quỹ đầu tư, thậm chí-nền kinh tế-trong đống đổ nát.
Giá vàng đang nghiến sâu vào nỗi đau cho giới đầu tư. Nhiều nền kinh tế loay hoay, quay cuồng xử lý hệ quả. Việt Nam cũng không ngoại lệ...
Nguyên nhân dẫn đến nỗi đau mang tên Vàng hiện tại, có thể nói, là do trong quá khứ, Vàng từng đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, trong đời sống xã hội của nhiều quốc gia. Vàng là một trong những kim loại quý không chỉ được người dân, các tổ chức tài chính, ngân hàng Trung ương... quan tâm nhiều nhất mà với nhà đầu tư toàn cầu thì vàng cũng là sản phẩm đầu tư nổi trội.
Vào ngày 24/2/2022, Nga tiến hành một chiến dịch tấn công quân sự quy mô lớn (hay theo Nga gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt") nhằm vào Ukraina.
Giới đầu tư toàn cầu mỗi lần nhìn giá vàng tăng cao quá, “đi” lệnh short đều bị đà tăng phi mã của giá vàng xô ngã. Lúc này, nhiều nhận định cho rằng vàng sẽ giữ mức giá cao rất lâu, cao mãi và là hầm trú ẩn lạm phát, là “chỗ chứa” tài sản khi mọi thứ khác trở nên mong manh.
Trong lịch sử hàng trăm năm, cầu vàng thường tăng cao trong suốt thời kỳ lạm phát hay bất ổn chính trị. Lịch sử như thế nên biến động giá vàng trong từng chu kỳ như một kiến thức phổ thông, khiến ai cũng tin.
Lịch sử thế giới cận đại cũng đã từng chứng kiến Vàng đóng vai trò "hầm trú ẩn an toàn" như thế nào khi quay lại thời điểm năm 2011, Mỹ - nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới, lần đầu tiên bị hãng thẩm định tài chính quốc tế S&P hạ cấp tín nhiệm tín dụng từ mức AAA xuống mức AA+; châu Âu với truyền thống thịnh vượng đang lao đao trong cơn bão nợ công.
Thời điểm đó, Trung Quốc-đất nước viết nên sự thần kỳ về kinh tế-đối mặt với nguy cơ mất dần động lực tăng trưởng kinh tế…Chỉ ngần đó thứ cũng đủ phác họa một năm đầy biến động và bất ổn của kinh tế thế giới. Và năm 2011, thế giới chứng kiến sự phi mã của giá vàng lên đỉnh của mọi thời đại đạt được vào ngày 23/8/2011 là 1.918 USD/ounce!
Mới tháng 3 năm nay, giữa bất ổn kinh tế, chính trị do cả Covid-19 và cuộc chiến Nga-Ukcraina cùng nhiều yếu tố "xô đẩy", giá vàng lại phá đỉnh cao mọi thời đại lên gần chạm mốc 2.100USD/Oz. 99,99% quốc gia, quỹ đầu tư, nhà đầu tư tin rằng, giá vàng đã có điểm neo mới và từ đây, giá thậm chí còn cao hơn nữa hoặc ít nhất, vùng giá 2.000USD/oz là nền giá mới. Nhiều người tin rằng vàng sẽ khó lòng giảm cho đến khi các yếu tố gây bất ổn toàn cầu dịu xuống.
Nhưng, giá vàng dường như đã đi xa ngoài tầm dự đoán của tất cả mọi người. Kết thúc phiên giao dịch tuần cuối tháng 9/2022, vàng chính thức thủng đáy nỗi đau. Từ vùng 2.100USD/Oz hồi tháng 3, vàng chỉ còn 1.645USD/Oz tương đương mức giảm 22% chỉ trong vài tháng!
Vàng từng được coi là hàng rào chống lại rủi ro kinh tế, nhưng những gì chúng ta học được trong quá khứ đang "sai sai". Thậm chí, theo nhận định của CME, dường như một cuộc khủng hoảng khác đang phôi thai khi mà sự loạn giá giữa các sản phẩm tài chính đang khiến chu kỳ 100 năm có vẻ đang rất khác!
Có 5 yếu tố mà giới chuyên gia cho rằng đang làm vàng bị loạn nhịp.
Vàng là một loại hàng hoá đặc biệt. Chính vì mang tính chất của một loại hàng hoá nên vàng cũng chịu tác động của quy luật cung cầu trên thị trường. Nguồn cung của vàng chủ yếu từ những nước có trữ lượng vàng lớn, sản lượng xuất khẩu lớn có tầm ảnh hưởng đến thị trường vàng thế giới: Nam Phi, Mỹ, Nga, Canada, Úc,…
Nga đang trong vòng xoáy triền miên của chiến dịch quân sự đặc biệt. Vàng đã tăng hồi tháng 3 vượt đỉnh mọi thời đại cũng vì nguyên do này và có lẽ, bây giờ, vàng thủng đáy cũng vì thể!
Vì là một loại hàng hoá nên giá vàng cũng bị ảnh hưởng, tác động bởi các đồng tiền nội tệ và ngoại tệ mua nó mà ở đây chủ yếu là đồng USD. Chính vì thế, việc biến động đồng USD cũng ảnh hưởng không nhỏ tới giá vàng.
Chỉ số Dollar index (DXY) - so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt - tăng vọt lên đỉnh cao chưa từng có trong vòng 2 thập kỷ qua, đạt mức 109,48 trong phiên gần cuối tháng 8/2022, trước khi hạ nhẹ những ngày gần đây.
Tuy vàng được coi là sự đặt cược an toàn trong thời kỳ kinh tế bất ổn và có dấu hiệu suy thoái, nhưng lãi suất USD cao hơn sẽ là lựa chọn của traders trong việc nắm giữ tài sản đang tăng phi mã hay tài sản là hầm trú.
Dầu và vàng tưởng như 2 mặt hàng không liên quan gì nhau nhưng lại biến động tương tác rất chặt chẽ. Các loại hàng hóa cùng được định giá bằng một loại tiền tệ, trong đó vàng và dầu là 2 loại hàng hóa có mối quan hệ chặt chẽ về giá.
Khu vực khai thác và xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới được biết đến là vùng Trung Đông và các nước khu vực này thường dự trữ tài sản dưới dạng vàng, do đó chính nguồn cung dầu mỏ và nguồn cầu về vàng của khu vực Trung Đông quá lớn, ảnh hưởng đến giá cả 2 loại hàng hóa này nên nhiều nhà đầu tư thường nhìn vào diễn biến giá dầu trong hiện tại và diễn biến được dự đoán trong tương lai của dầu để từ đó dự đoán cho xu hướng dao động của vàng.
Tuy nhiên, cần có sự phân biệt rằng, vàng và dầu là 2 loại hàng hóa khác nhau, dĩ nhiên sẽ chịu những tác động khác nhau khi biến động giá cả. Nếu sự biến động của dầu được đánh giá là đến từ tác động của đồng USD thì dao động giá dầu phần lớn sẽ diễn biến tương quan với biến động của vàng.
Nhưng nếu yếu tố tác động khiến cho dầu dao động không đến từ đồng USD, mà vì lý do khác thì khó có thể nói rằng, diễn biến của vàng rồi cũng diễn ra theo chiều hướng như vậy.
Như chúng tôi đã phân tích, vàng từ hàng trăm năm nay được người dân toàn cầu dùng như hầm trú ẩn lạm phát.
Covid-19 khiến cả thế giới loay hoay từ kìm nén nền kinh tế để kiềm chế đà lây lan của dịch bệnh. Khi hàng loạt nền kinh tế không chịu nổi cú sốc bị nén nữa thì các nhà hoạch định chính sách lại phải tính kế "chi bù", tiền đổ dồn vào nền kinh tế khiến trong phút chốc tăng trưởng trở lại quá nóng. Ai cũng nhận ra, quá nóng sẽ lạm phát là điều dễ đoán. Và vì dễ đoán, người người, nhà nhà, các quốc gia, định chế tài chính đến traders toàn cầu đổ xô đi mua vàng.
Cung cầu, USD, Dầu hay lạm phát đều là những yếu tố nhà đầu tư nhìn thấy được. Và vì nhìn thấy, họ đồng loạt hành động.
Nhưng, không có gì dễ dàng cả, đầu tư càng không phải việc dễ dàng. Khi cả giới đầu tư toàn cầu tin rằng vàng sẽ tăng hoặc ít nhất neo giá ở vùng cao thì vàng lại sụt giảm vì nhiều yếu tố. Khi vàng lao dốc không phanh, đám đông hoảng loạn trong sai sót và cùng bán tháo đẩy vàng chìm sâu hơn nữa.
Đám đông đã nhận định sai diễn biến giá vàng và nhiều người quay cuồng trong thua lỗ.
Giá vàng những ngày vừa qua đã trượt dài neo gần mức thấp nhất trong 2 năm. Giới chuyên gia cho rằng đồng USD mạnh lên và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng gây áp lực lên giá vàng. Lo ngại về đợt tăng lãi suất của Fed cũng là yếu tố ảnh hưởng tới vàng. Dù được coi là công cụ truyền thống để phòng trừ rủi ro bất ổn kinh tế, nhưng những lý do trên khiến công cụ không trả lãi như vàng kém hấp dẫn.
Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, Fed quyết định nâng lãi suất 0,75% lên 3 - 3,25%. Đáng chú ý, trong biểu đồ dot-plot, Fed dự định nâng lãi suất lên 4,6% trong năm 2023 trước khi ngừng cuộc chiến chống lạm phát. Lộ trình này được cho là điều bất lợi với giá vàng từ nay đến cuối năm.
Trong khi vàng giảm, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 3,69%/năm, cao nhất kể từ tháng 4/2010. Còn lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm cũng lại đỉnh 15 năm trở lại đây, đạt 4,2%/năm. Giá vàng của thế giới từ đó gánh thêm sức ép đi xuống.
Dù vàng được xem là kênh đầu tư an toàn trong thời kỳ lạm phát và bất ổn kinh tế, song lãi suất tăng làm lu mờ sức hấp dẫn của kim loại quý này.
Nhìn về triển vọng vàng tuần này, trong 19 chuyên gia từ Phố Wall tham gia cuộc khảo sát giá vàng của Kitco News, 53% dự báo giá vàng sẽ giảm vào tuần tới, 32% kỳ vọng kim loại quý này tăng, trong khi chỉ 3 chuyên gia đưa ra đánh giá trung lập.
Về phía nhà đầu tư nhỏ lẻ, 49% dự báo vàng sẽ lên giá trong tuần này, 35% số người được hỏi dự báo vàng giảm giá, còn 16% cho rằng thị trường sẽ đi ngang.
Nhà phân tích thị trường cấp cao của Oanda, ông Edward Moya nói với Kitco News, vàng có khả năng sẽ phá vỡ mức 1.600 USD/ounce, điều đó kéo giá vàng tiếp tục xuống sâu mức 1.540 USD/ounce trong tuần này.
Giám đốc chiến lược thị trường hàng hóa toàn cầu của chứng khoán Bart Melek cũng nhận định vàng sẽ giảm xuống mức dưới 1.600 USD/ounce.
Marc Chandler, Giám đốc điều hành tại Bannockburn Global Forex, cũng đánh giá vàng có thể phục hồi trong ngắn hạn. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng thị trường cần theo dõi mức hỗ trợ 1.650 USD/ounce có giữ được hay không.
Vừa qua, Quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust liên tục bán ròng vàng. Trong phiên những ngày vừa rồi, SPDR xả khoảng 1,2 tấn vàng. Trong vòng chưa đầy nửa tháng, mức bán ròng lên tới 13 tấn vàng.
Những con số, lý luận trên để nói. Vàng vẫn chưa rộng cửa tăng và cửa giảm vẫn còn! Những bên đi ngược-có lẽ-đã trễ để quay đầu.
Hiện nay, giá vàng miếng SJC vẫn không theo quy luật giá vàng quốc tế. Nguyên do xuất phát từ một số điểm bất cập trong Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng tại nước ta.
Từ khi có Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát chặt nguồn cung vàng miếng thông qua việc quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng; độc quyền nhập khẩu, xuất khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Thị trường vàng, nhờ đó, đã từng góp phần hiệu quả cho công cuộc chống vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế.
Đồng thời, việc chống vàng hóa, đô la hóa thành công cũng là cơ sở để trả lại thị trường vàng về bản chất như một loại hàng hóa thông thường, bởi vàng hiện không còn là phương tiện thanh toán, các tổ chức tín dụng cũng không được huy động, cho vay vàng từ khi có Nghị định 24.
Nhưng, Nghị định 24 cũng đã tạo ra SJC-Tạo ra sự độc quyền trong sản xuất vàng miếng thương hiệu Quốc gia. Công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn – SJC là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM, hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con như một tập đoàn kinh doanh đa ngành trong đó sản xuất, kinh doanh vàng và trang sức là ngành kinh doanh chính, bên cạnh đó là địa ốc, đầu tư tài chính và dịch vụ. SJC thành lập năm 1988. Mô hình công ty theo báo cáo tài chính năm 2021 gồm có công ty mẹ, 5 công ty con và 4 công ty liên kết, 13 doanh nghiệp có vốn đầu tư. Mạng lưới kinh doanh phân phối gồm hơn 200 cửa hàng, 43 đại lý chính thức, trên 3.000 cửa hàng liên kết bán lẻ toàn quốc. Bên cạnh đó, SJC còn có một xí nghiệp sản xuất nữ trang tập trung, xuất xưởng hơn 500.000 sản phẩm một năm.
Sự lớn mạnh của SJC những năm qua đi kèm một yếu tố khác không thể tách rời đó là: Độc quyền vàng miếng và SJC đã định hình "luật giá" ở thị trường vàng trong nước. Thông thường, "công thức" giá vàng trong nước = ( giá vàng thế giới + bảo hiểm + phí vận chuyển) x ( 1 + thuế nhập khẩu) / 0,28945 x tỷ giá USD/ VND.
Nhưng, đã không ít lần giá vàng SJC trượt xa công thức này. Giá vàng trong nước nhiều khi chênh vênh chơi vơi cao hơn giá vàng thế giới 15-20 triệu đồng/lượng!
Hệ luỵ của việc chênh giá vàng này là tạo ra vùng trũng để "nước" đổ dồn về. Theo nhiều chuyên gia từ trước đến nay vẫn lên tiếng cảnh báo thì chênh vênh giá vàng là cửa sáng cho những kẻ buôn lậu vàng hoạt động. Kẻ buôn lậu sẽ nhìn thấy chênh và nhập lậu vàng từ các nước về để bán cho những người cần vàng.
Những người cần vàng cũng rất nhiều. Không ít người trước đây vay nợ bằng vàng và việc trả nợ trở nên khó khăn khi giá vàng SJC neo cao.
Vàng thế giới phá đỉnh ngoạn mục hồi tháng 3/2022, thiết lập đỉnh giá mới 2.070USD/oz vào đầu tháng 3/2022. Và từ đó đến nay, mức giá kể trên vẫn là đỉnh. Còn bây giờ, vàng thế giới đang trên đà đào đáy.
Còn SJC, hãy quay lại tháng 3/2022 và 2021-2020 để hiểu vì sao cong vênh không thể giải quyết, người dân chỉ có thể nghe giá vàng thủng đáy trên tivi, báo chí còn ra tiệm vàng mua thì giá vẫn ở trên trời. Lý do nằm ở chỗ: cách ấn định giá vàng của SJC khiến SJC bị rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Covid-19 xảy ra đem đến cảm giác muốn trữ vàng để giảm bất an cho tài sản của nhiều người. Điều này đã đẩy vàng SJC từ vùng khoảng 45-50 triệu đồng/lượng lên mức loanh quanh 60 triệu đồng/lượng. Tháng 3 năm nay, thế giới đón nhận thêm một sự kiện gây chấn động là chiến dịch quân sự của Nga nhằm vào Ukcraina. Giá vàng quốc tế leo lên các đỉnh cao mới thì SJC đưa mức giá mua vào-bán ra quanh ngưỡng 75 triệu đồng/ lượng.
Vàng đạt đỉnh giá mọi thời đại nên người dân, nhà đầu tư nắm giữ vàng trước thời điểm đó lãi to. Khi giá vàng tăng nóng hồi tháng 3 lại được hưởng sự “cài đặt” cong vênh dương lớn so với giá vàng thế giới, nhiều người dân sở hữu vàng đã mang vàng đi bán. Thời điểm đó, không khó để tìm thấy những thông tin nhan nhản trên báo chí rằng: “Giá vàng SJC liên tục lập đỉnh, người cầm vàng đổ xô đi chốt lời”, “nhiều cửa hàng vàng xếp sẵn ghế cho khách ngồi chờ…chốt lãi vàng”…
Giờ thì chắc độc giả đã hiểu, SJC đã bị mắc kẹt ở giá vàng mua cao. Sự cong vênh cung-cầu ở điểm này là mấu chốt quan trọng khiến gần nửa năm nay, vàng SJC cong vênh!
Giá vàng quốc tế đột ngột giảm sâu sau khi chạm đỉnh giá mọi thời đại. Giá vàng quốc tế không "chỉnh nhẹ-neo vùng giá cao" như lý thuyết hầm trú ẩn an toàn đã ăn sâu vào tâm trí người dân và có lẽ, của cả SJC nữa! Giá vàng quốc tế rơi đột ngột và SJC lỡ bị mua cao nên đành neo giá bán cao.
Người dân cũng không phải "gà", họ nhìn thấy sự chênh vênh vô lý giữa giá vàng trong nước, quốc tế, nhìn thấy vàng đã chênh vênh giá cao lại còn không được trả lãi suất như gửi tiết kiệm nên đương nhiên, nửa năm nay, tiệm vàng vắng bóng người mua! Nếu mua cao, họ có thể bị lỗ ngay lập tức khi mua và con đường về bờ xa vời.
SJC khó lòng sửa đổi chênh vênh còn vì một lý do khác: SJC vừa trải qua một năm không mấy thuận lợi. Báo cáo tài chính năm 2021 của SJC cho thấy, Doanh thu năm 2021 đạt 17.689 tỷ đồng, giảm gần 25% so với năm 2020 và lợi nhuận sau thuế lùi về 43 tỷ đồng, giảm sâu 22% so với cùng kỳ năm 2020.
Kết quả kinh doanh thê thảm này là đã được “cứu” một phần từ hoàn nhập 20 tỷ đồng giảm giá chứng khoán kinh doanh và tổn thất đầu tư trong khi cùng kỳ chi phí hơn 31 tỷ đồng cho mảng này.
Sự thê thảm của công ty vàng đang nắm giữ thương hiệu vàng quốc gia còn nằm ở chỗ đầu tư vào hàng loạt công ty con và mất trắng. Hàng chục tỷ cứ thế ra đi cùng sự phá sản của những cửa hàng vàng hay những khoản đầu tư rủi ro mất vốn đến 100%. Năm 2021, SJC đã phải đóng cửa nhiều cửa hàng hoạt động không hiệu quả.
Báo cáo tài chính còn cho thấy, SJC đang vướng vào sự việc một công ty chậm giao nền nhà để công ty thực hiện giao lại nền nhà cho cán bộ công nhân viên và một số cá nhân bên ngoài. Tổng số tiền công ty thu từ cán bộ công nhân viên và cá nhân khác là hơn 46 tỷ đồng. Điều đáng nói là khoản phải thu này đã quá hạn trên 3 năm.
Đối với hạng mục đầu tư vào công ty con, thì 3/5 công ty con của SJC đã rơi vào trạng thái không thể thu hồi vốn đầu tư và SJC phải trích lập hoàn toàn 100% khoản lỗ đầu tư. Các công ty liên kết cũng không mấy sáng sủa khi mà SJC đã chấp nhận dự phòng toàn bộ hơn 18 tỷ đồng đầu tư vào Saigon Saindes, 4 tỷ vào SJC Đà Nẵng. Khoản đầu tư vào SJC Hà Nội cũng coi như “đi tong”.
Theo báo cáo tài chính, Saigon Saindes đang hoàn tất thủ tục giải thể hoặc phá sản, SJC Chợ Lớn cũng sẽ giải thể hoặc phá sản khi hội đủ điều kiện.
Quay trở lại với chênh vênh giá vàng, bất chấp hệ luỵ từ sự cong vênh gây ra thì SJC vẫn phải neo giá. Bởi, SJC không những đã "đu đỉnh" giá vàng hồi đầu năm nay mà còn có số dư hàng tồn cuối 2021 rất "khủng". Nếu chỉnh giá vàng để bớt cong vênh với giá vàng thế giới, việc đánh giá lại tài sản của SJC sẽ khiến công ty có thể phải trích lập khoản không hề nhỏ.
Đến cuối tháng 6/2022 tức đến ngày cuối cùng của quý II/2022, giá vàng SJC vẫn neo cao và đây là cơ sở để khiến những con số trên báo cáo tài chính của SJC hay những ngân hàng nắm giữ nhiều vàng vẫn có số đẹp. Số đẹp để báo cáo cơ quan chức năng, để khiến những nhà đầu tư khờ dại cả tin mua cổ phiếu ngân hàng. Nếu đánh giá lại, liệu, tài sản của ngân hàng-đầu tàu của nền kinh tế, của SJC có thật sự đẹp? Mùa báo cáo tài chính quý 3/2022 đang đến rất gần và giờ cũng là lúc giá vàng quốc tế thủng đáy, vàng SJC đang neo giá chênh vênh mức cao. ViệcSJC đành chọn phương án giữ giá vàng cao chơi vơi để chờ ngày giá vàng quốc tế hồi phục, lấp “gap” giữa giá vàng trong nước có lẽ đang ngày càng xa và những con số chúng ta đang thấy vẫn chênh vênh!
Thực tế, nhiều năm qua, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) đã liên tục kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần sớm có giải pháp can thiệp để kéo giá vàng trong nước về sát giá thế giới.
Đề xuất thứ nhất của VGTA với cơ quan chức năng là cần điều chỉnh chính sách để các doanh nghiệp được quyền tự đăng ký thương hiệu vàng miếng của mình và tự chịu trách nhiệm, sản xuất - kinh doanh như các loại vàng trang sức, vàng nhẫn hiện nay, thay vì chỉ có một loại vàng miếng SJC do Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất.
Nhu cầu vàng trong nước luôn tồn tại và thậm chí gia tăng, trong khi các doanh nghiệp trong nước không mua được vàng để bán ra thị trường.
Vì vậy, đề xuất thứ hai là cho phép nhập vàng nguyên liệu để cân bằng cung - cầu trong nước, rút ngắn chênh lệch giá vàng với thế giới, đồng thời hạn chế được việc nhập lậu vàng.
Đề xuất thứ ba của VGTA là cần sửa đổi Nghị định 24, vì Nghị định này đã ra đời cách đây đã 10 năm. Trong khi, Việt Nam đã ký kết với nhiều hiệp định thế giới nên cần có sửa đổi để phù hợp với việc quản lý, điều hành thị trường vàng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, thành lập sàn giao dịch vàng, bởi hiện nay các kênh đầu tư khác đã có sàn giao dịch, trong khi thị trường vàng chưa có. Nếu không có sàn giao dịch vàng (hoạt động dưới sự quản lý và điều hành của Ngân hàng Nhà nước) sẽ khó huy động được nguồn vàng trong dân.