Đối với cá nhân, vay tiền có 3 mục đích chính: 1) Vay để đầu tư, kinh doanh, 2) Vay để tiêu dùng, 3) Vay để trang trải nhu cầu khẩn cấp, quan trọng.
VAY ĐỂ ĐẦU TƯ/ KINH DOANH
Trong đầu tư, kinh doanh, vay còn được gọi là đòn bẩy tài chính, một công cụ rất hiệu quả được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư sử dụng.
Ví dụ: A có vốn là 100 đồng, đầu tư đạt tỷ suất lợi nhuận 15%/năm, sẽ thu được lợi nhuận là 15 đồng. Giả sử A vay thêm 120 đồng, lãi suất 10%/năm, tiền lãi A phải trả sẽ là 12 đồng.
Khi đó, tổng vốn của A sẽ là 220 đồng.
Với tỷ suất lợi nhuận 15%, thì A sẽ thu được lợi nhuận từ 220 đồng này là = 220*15% = 33 đồng.
Sau khi trả 12 đồng tiền lãi vay, A vẫn còn = 33 – 12 = 21 đồng lợi nhuận.
Như vậy, tỷ suất lợi nhuận của A đã tăng lên = 21/100 = 21%, vượt 40% so với mức 15% nếu như không vay.
Vay, vì thế, được xem là đòn bẩy tài chính mà các nhà đầu tư chuyên nghiệp, các doanh nghiệp thường hay sử dụng. Có câu nói "Chưa biết vay là chưa biết kinh doanh/đầu tư".
Tuy vậy, có những doanh nghiệp, cá nhân lạm dụng, vay quá mức so với vốn. Trong ví dụ trên, thay vì chỉ vay 80 đồng, họ vay nhiều tiền hơn, ví dụ như 300 đồng.
Giả sử A đạt tỷ suất lợi nhuận 15%, thì với tổng số vốn = 300+100 = 400 đồng, số lãi A sẽ nhận được khi trả lãi vay là = 400*15% = 60 đồng. LA phải trả lãi vay = 300*10% = 30 đồng, còn lại 30 đồng lãi sau vay. Nghĩa là A đạt được tỷ suất sinh lợi sau vay là = 30/100 = 30%, gấp đôi tỷ suất sinh lợi nếu không vay.
Đòn bẩy càng lớn thì tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng càng cao.
Nhưng nếu tình hình kinh doanh, đầu tư không thuận lợi, thay vì đạt được tỷ suất lợi nhuận 15%, A chỉ đạt được 5%.
Số lãi A sẽ nhận được khi trả lãi vay là = 400*5% = 20 đồng.
A phải trả lãi vay = 300*10% = 30 đồng, tức là A bị âm 10 đồng. Nghĩa là A đạt được tỷ suất sinh lợi sau vay là = -10/100 = -10%. Khi đó A phải dùng vốn của mình để trả lãi vay. Vốn sẽ bị thâm hụt. Trường hợp xấu, có thể dẫn đến vỡ nợ.
Về mặt nguyên tắc, thì cá nhân nên vay để đầu tư vào những "tích sản" được kỳ vọng sẽ đem lại lợi nhuận cao hơn lãi vay. Ví dụ như vay để đầu tư vào cổ phần doanh nghiệp, đầu tư chứng khoán giá trị dài hạn, mua ô tô cho vay, mua căn nhà đầu tiên, hoặc mua căn nhà thứ hai cho thuê rồi bán lại.
Thông thường thì chúng ta sẽ vay dài hạn, và trả góp lãi và một phần vốn hàng tháng. Chúng ta cần chú ý những điều sau:
1) Chọn ngân hàng có lãi suất cạnh tranh. Về mặt nguyên tắc, ngân hàng duyệt hồ sô cho vay khó sẽ có lãi suất cho vay thấp hơn ngân hàng duyệt hồ sơ dễ dàng.
2) Chúng ta phải xem xét lãi suất cho vay trong cả thời gian. Có một số ngân hàng, để thu hút khách vay, đã ưu đãi lãi vay trong 1,2 năm đầu, nhưng sau đó lại tính lãi suất vay cao hơn ngân hàng khác trong những năm sau. Vì thế chúng ta phải xem xét, so sánh lãi suất vay trong cả thời gian trả nợ.
3) Không vay quá lớn so với khả năng trả nợ của mình. Tùy theo tình hình tài chính của mỗi người, số tiền để trả lãi vay hàng tháng không nên lớn hơn X% của thu nhập hàng tháng. X có thể là 20%, 30% hay 40%, tùy tình hình từng cá nhân gia đình.
4) Không bao giờ tính quá sát số lãi phải trả. Ví dụ như một gia đình thu nhập 60 triệu, chi phí các thứ 35 triệu, để dành quỹ dự phòng 5 triệu, còn lại 20 triệu. Gia đình đó không nên dùng hết số tiền 20 triệu này để trả góp hàng tháng. Dùng khoản 12-15 triệu/tháng là vừa đẹp. Số tiền còn lại gia đình đó nên đầu tư vào tài sản có tính thanh khoản. Việc này nhằm đề phòng rủi ro lãi suất cho vay bị tăng cao theo lãi suất cơ bản của hệ thống ngân hàng, trong trường hợp xảy ra lạm phát. Năm 2008, lãi suất cho vay có của ngân hàng tăng hơn đến mức hơn 20% /năm. Nếu tính mọi thứ sát quá thì người vay sẽ rất khó khăn trong việc trả lãi vay trong những thời gian đó.
VAY TIỀN ĐỂ TIÊU DÙNG
Ông Robert Kiyosaki, tác giả bộ sách "cha giàu cha nghèo," chia tài sản ra làm 2 loại: Tích sản và Tiêu sản. Theo đó "Tích sản" là những tài sản giúp cá nhân tích lũy tiền" chẳng hạn như ô tô dùng để cho thuê là chính, đi lại cá nhân là phụ. "Tiêu sản" là những tài sản tốn tiền, và không giúp sinh ra tiền", chẳng hạn như ô tô dùng đi lại thì ít mà thể hiện thì nhiều. Ông Robert Kiyosaki khuyên chúng ta không mua, và tuyệt đối không nên vay mượn để mua tiêu sản. Tôi thì không cực đoan đến mức đó. Nhưng tôi cũng cho rằng cá nhân nên tránh việc vay tiền để mua "tiêu sản", trừ phi tiêu sản đó là quá cần thiết đối với cuộc sống. Vì khi vay để mua, chúng ta đã tạm ứng dòng tiền tương lai cho nhu cầu hiện tại.
Một số người, vì quá đam mê tiêu dùng, hoặc vì quá sĩ diện hảo, muốn "bằng anh bằng em", cộng thêm tâm lý trả góp hàng tháng cũng nhẹ tiền nên đã bị cuốn vào vòng xoáy vay– mua – trả nợ. Hết lần này đến lần khác.
Hầu hết những người tiêu dùng đều có tâm lý: trả góp hàng tháng nhẹ tiền. Thật ra thì lãi suất vay tiêu dùng của các tổ chức tài chính là rất cao.
Ví dụ, chương trình cho vay trả góp website Thế Giới Di Động (ngày 22/6/2021)
Điện thoại iphone 12 PRO 512 GB, giá trả góp: 36.990.000 VNĐ.
Khách hàng trả trước 50% là 18.495.000 VNĐ.
Số còn lại khách hàng vay của công ty vay tiêu dùng Home Credit, trả 1.856.000 VNĐ/tháng, trong 12 tháng.
Nếu không biết tính lãi suất thực, thì chúng ta sẽ nhẩm ra số tiền cần trả sau 12 tháng là 23,244,000 VNĐ. Như vậy thay vì phải trả 36.000.000 VNĐ, người mua trả góp cần phải trả 41,739,000 VNĐ. Tính ra thì không “nặng” lắm. Tuy vậy, đây thực sự là 1 mức lãi suất khá cao. Lãi suất thực = 54.72%/năm.
Chúng ta rất mâu thuẫn. Một đằng chúng ta nói không biết đầu tư tiền vào đâu để đạt tỷ suất sinh lời 12%-15%/năm. Một đằng chúng ta lại sẵn sàng vay trả góp tiêu dùng với mức lãi suất thật là 50%-70%/năm.
Nói một cách khác, chúng ta đang không chỉ dùng tiền của tương lai để mua nhu cầu tiêu dùng, sự sung sướng hiện tại, mà chúng ta còn mua với giá quá ĐẮT.
VAY TIỀN ĐỂ TRANG TRẢI
Mỗi chúng ta, tùy hoàn cảnh, sẽ phải vay tiền để trang trải, giải quyết những vấn đề khẩn cấp, quan trọng nào đó. Khi đó chúng ta cần phải tuân thủ những nguyên tắc sau:
1) Không vay với lãi suất quá cao. Khi chúng ta đầu tư thì tỷ suất sinh lợi cao sẽ giúp chúng ta sinh sôi nảy nở tiền theo thời gian. Nhưng khi chúng ta đi vay, thì lãi suất cao sẽ làm cho chúng ta khánh kiệt. Do đó chúng ta cần phải nói không với những lãi suất lớn hơn 30%/năm. Đó là những vòi bạch tuộc hút "máu tiền" một cách thô bạo.
2) Không vay ngắn hạn để giải quyết việc dài hạn. Vì khi đó chúng ta sẽ cuốn vào vòng vay mượn nợ nần: vay lần sau trả cho lần trước, giật gấu vá vai.
Cách thoát ra vòng xoáy nợ nần, là chúng ta đối diện với sự thật. Hãy kiểm tra lại hết tài sản và dòng tiền, và ra quyết định bán bớt tài sản để trả nợ. Chúng ta phải biết hy sinh một phần tài sản của mình, ví dụ từ nhà 8 tỷ chuyển qua nhà 3 tỷ, từ xe 1 tỷ chuyển sang xe 400 triệu hoặc xe máy. Thay đổi như thế tuy có ảnh hưởng đến sinh hoạt hiện tại, đến "vị trí" hiện tại, nhưng chúng ta thoát được tình trạng nợ nần mà nếu xảy vỡ nợ thì hậu quả còn lớn hơn nhiều.
3) Trình tự vay tiền khi chúng ta cần tiền để trang trải nợ nần:
Đầu tiên là vay từ Gia đình, người thân, rồi đến bạn bè thân, rồi mới đến vay tại ngân hàng (tín hoặc thế chấp), vay qua thẻ tín dụng (nếu có thẻ), rồi mới đến vay qua các công ty tài chính được nhà nước cấp phép hoạt động chính thức. Không bao giờ vay qua các app trên mạng. Bài sau tôi sẽ viết về lãi suất cực khủng, và chiêu trò đòi tiền, khủng bố đưa nạn nhân vào đường cùng của các app cho vay nặng lãi.
Lâm Minh Chánh
Giám đốc trường Kinh doanh BizUni
Tác giá sách “Tài chính cá nhân dành cho người Việt Nam”