Ông bắt đầu sự nghiệp ngoại giao của mình từ con số 0 tròn trĩnh trước khi trở thành một nhà ngoại giao nổi tiếng thế giới.
Xuất thân là một người lính
Ông Nguyễn Cơ Thạch (1921-1998) tên thật là Phạm Văn Cương. Ông sinh ra trong một gia đình lao động nghèo, có truyền thống cách mạng, tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Sinh ra trong lúc nước nhà còn chịu cảnh nô lệ dưới chế độ thực dân, phong kiến, từ khi còn nhỏ, ông đã tận mắt chứng kiến cảnh lầm than, cơ cực của người lao động, những bất công ngang trái và tủi nhục của người dân mất nước nên đã sớm giác ngộ lòng yêu nước, chí căm thù giặc và tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm, khi mới 16 tuổi.
Năm 1943, tại nhà tù Sơn La - nhà tù khét tiếng tàn ác của chủ nghĩa đế quốc và là nơi giam cầm nhiều chiến sĩ cách mạng, ông đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ông được giao nhiều trọng trách như Chánh Văn phòng Quân ủy Trung ương, Bí thư Đảng ủy các cơ quan của Bộ Quốc phòng và Tổng Tư lệnh, Phó Bí thư rồi quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến Tỉnh, Ủy viên Đảng đoàn và Ủy viên Hành chính kháng chiến Liên khu III, Bí thư Đảng ủy các cơ quan của Liên khu.
Từ năm 1954, ông được cử về công tác tại Bộ Ngoại giao, đánh dấu là một bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông. Từ đây, ông gắn bó với ngành ngoại giao, tận tâm, tận sức phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc trên mặt trận đối ngoại.
Ông Phan Doãn Nam – trợ lý của cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là người đã giúp việc cho Bộ trưởng từ khi ông còn là Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Ấn Độ, cũng là người chứng kiến hầu như trọn vẹn con đường ngoại giao của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch kể rằng: “Xuất thân là một người lính, từng là thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi chuyển sang công tác ở ngành ngoại giao, nên có thể nói ông Nguyễn Cơ Thạch đã bắt đầu sự nghiệp ngoại giao của mình từ con số 0 tròn trĩnh trước khi trở thành một nhà ngoại giao nổi tiếng thế giới với biệt danh 'ông Bộ trưởng giải vây' của ngoại giao Việt Nam”.
Vị Bộ trưởng "giải vây" của ngoại giao Việt Nam
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 100 năm sinh nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (1921-2021), Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: Trên cương vị Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn chuyên viên và Trợ lý cho cố vấn Lê Đức Thọ, với tư duy sắc sảo, nhạy bén và tài thao lược ngoại giao, ông Nguyễn Cơ Thạch đã đóng góp quan trọng vào kết thúc thắng lợi đàm phán, ký kết Hiệp định Paris 1973, tạo cơ sở cho giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong giai đoạn đất nước bị bao vây, cấm vận với vô vàn khó khăn, trên cương vị “tư lệnh” ngành ngoại giao, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch luôn trăn trở, dành tâm huyết, trí tuệ và công sức cho cuộc đấu tranh cam go về phá thế bao vây, cấm vận.
Dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, cùng với các lãnh đạo xuất sắc của Bộ Ngoại giao thời kỳ đó, ông Nguyễn Cơ Thạch đã đóng góp rất lớn vào việc giải quyết thành công vấn đề Campuchia, bình thường hóa quan hệ với các nước lớn và các quốc gia trong khu vực, từ đó kiến tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.
Trong thập niên 1970-1980, khi ngoại giao kinh tế là một vấn đề còn rất mới mẻ ở Việt Nam, sớm phát hiện xu thế quốc tế hóa kinh tế thế giới và các quốc gia, dân tộc đều tập trung nỗ lực cho phát triển kinh tế, ông Nguyễn Cơ Thạch đã khởi xướng tư duy ngoại giao cũng phải phục vụ phát triển kinh tế đất nước...
Với sự vận dụng sáng tạo lý luận, đường lối đối ngoại của Đảng, kiên định chiến lược, nhưng linh loạt trong sách lược, biến hóa trong ứng xử, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, bản lĩnh, trí tuệ và tài thao lược của nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã được đồng nghiệp qua các thời kỳ và bạn bè quốc tế cảm phục, quý mến bằng những tên gọi trìu mến như vị Bộ trưởng "phá vây", “bậc thầy nghiên cứu và tham mưu chiến lược”…
Trong cuốn sách "Chân dung năm cố Bộ trưởng Ngoại giao" do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2005, phần viết về cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cũng nhận định ông là vị Bộ trưởng "phá bao vây, cấm vận". Đây không phải là tất cả những gì Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã làm, nhưng là một sự tóm lược chính xác những đóng góp nổi bật và tiêu biểu nhất của ông trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao.
Gần 40 năm trong ngành, ông đã nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng như Tổng Lãnh sự Việt Nam đầu tiên tại Ấn Độ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, quyền Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Geneva về Lào; Trưởng đoàn chuyên viên tại Hội nghị Paris về Việt Nam; Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao… Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa IV, V, VI; Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị khóa V và Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI; Đại biểu Quốc hội khóa VII và khóa VIII.
Với những công lao và thành tích đối với cách mạng, ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và nước ngoài. Ngày 15/1/2007, ông Nguyễn Cơ Thạch được truy tặng Huân chương Sao Vàng - phần thưởng cao quý nhất của Ðảng và Nhà nước ta.
Từ tháng 8/2008, một con đường ở Hà Nội đã mang tên ông: Phố Nguyễn Cơ Thạch. Việc lấy tên ông đặt cho một con phố ở Thủ đô, như lời phát biểu của bà Phan Thị Phúc - người đồng chí, người bạn đời của ông - “là sự ghi nhận của lịch sử về những đóng góp của ông đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc”.
Tham khảo:
- Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch - Người tạo đột phá xây dựng ngành ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại - Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ.
- Nguyễn Cơ Thạch - nhà ngoại giao tài ba, khôn khéo - Tạp chí Cộng sản (10/4/2013).
- Nguyễn Cơ Thạch: Vị Bộ trưởng 'phá vây', bậc thầy tham mưu chiến lược - Báo Vietnamnet (10/12/2021).
- Chuyện ở nhà có hai bộ trưởng - Báo Vietnamnet (7/7/2014).