Ông là một vị tướng tài ba, tận tụy cống hiến cho công cuộc giải phóng và thống nhất nước nhà, một người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sớm giác ngộ cách mạng
Đại tướng Văn Tiến Dũng sinh ngày 2/5/1917 tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Ông có bí danh là Lê Hoài. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, tận mắt chứng kiến cuộc sống cơ cực, lầm than của đồng bào, tội ác của thực dân, đế quốc và tay sai, ông đã sớm giác ngộ, đi theo con đường của Đảng và để lại nhiều dấu ấn trên con đường hoạt động cách mạng.
Năm 1936, Đại tướng Văn Tiến Dũng tham gia phong trào đấu tranh của công nhân và tham gia tổ chức cuộc bãi công của công nhân dệt Hà Nội. Hai năm sau, ông trở thành Bí thư Chi bộ ngành thợ dệt Hà Nội.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã ba lần bị địch bắt, tra tấn, buộc tội “làm Việt Minh” và bị giam cầm ở nhà tù Hỏa Lò, nhà tù Sơn La. Tháng 7/1939, ông bị thực dân Pháp bắt giam, song vì không có chứng cứ, sau ba ngày, chúng buộc phải trả tự do.
Ra hoạt động công khai giữa lòng địch, hai tháng sau (cuối tháng 9/1939), ông bị bắt lần thứ hai và bị kết án hai năm tù. Tháng 9/1941, trên đường bị địch áp giải từ nhà tù Sơn La về Hà Nội để đưa vào trại tập trung, ông đã trốn thoát. Từ tháng 3/1943, ông bắt được liên lạc với Đảng, sau đó tham gia hoạt động và được chỉ định làm Bí thư Ban Cán sự Đảng tỉnh Hà Đông, Bí thư Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh.
Tháng 4/1944, ông được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ; tháng 8/1944 bị địch bắt lần thứ ba, tháng 12/1944 vượt ngục ra tiếp tục hoạt động. Ngày 12/1/1945, ông bị chính quyền thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt tại tòa án tỉnh Bắc Ninh.
Từ tháng 4/1945, ông là Ủy viên Ủy ban quân sự cách mạng Bắc Kỳ, được phân công phụ trách việc tổ chức và giữ chức vụ Bí thư Khu ủy Chiến khu Quang Trung (gồm các tỉnh Hoà Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá). Tháng 8/1945, ông đã tích cực chỉ đạo việc chuẩn bị và tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh này. Sau đó, ông cùng quân và dân Chiến khu 2 làm thất bại âm mưu đánh chiếm Tây Bắc của thực dân Pháp trong những ngày đầu đất nước vừa giành được độc lập.
Từ tháng 11/1945-1946, ông là Ủy viên Quân ủy Trung ương, chỉ đạo chiến đấu chống Pháp ở khu “Nam Tiến” và khu vực từ Vân Nam (Trung Quốc) đến Sầm Nưa (Lào), chỉ huy lực lượng tiến công vào Lai Châu, Sơn La. Ông là Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Cục trưởng Cục Chính trị Quân đội Quốc gia Việt Nam – Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia Việt Nam từ tháng 2/1947-10/1949.
Là người học trò trung thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thấm nhuần những lời dạy, tư tưởng quý báu của Người để vận dụng vào thực tiễn cách mạng, cùng với bản lĩnh, trí tuệ, tài thao lược của mình, ông Văn Tiến Dũng đã trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch với cách đánh sáng tạo, biết địch, biết ta, giành thắng lợi giòn giã.
Năm 1948, ông được phong quân hàm Thiếu tướng.
Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh
Năm 1953, ông được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ làm Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và là Tổng tham mưu trưởng lâu nhất trong lịch sử với 25 năm.
Ông Văn Tiến Dũng được thăng vượt cấp quân hàm Thượng tướng năm 1959 và nhận quân hàm Đại tướng năm 1974.
Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bộ Chính trị, tại Tổng hành dinh, Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đã cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo các mặt trận, đánh thắng nhiều chiến dịch lớn; bảo vệ Hà Nội, miền Bắc trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ...
Đặc biệt, trong những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc chiến, Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng thường xuyên có mặt tại chiến trường, trực tiếp chỉ huy các chiến dịch then chốt như Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào; Chiến dịch Trị - Thiên; Chiến dịch Tây Nguyên và đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh thống nhất đất nước.
Tháng 4/1975, là Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Văn Tiến Dũng đã chỉ đạo những cách đánh táo bạo, thọc sâu, kết hợp vu hồi, đột phá, tạo và nắm thời cơ, chủ động tiến công, giải phóng Sài Gòn - Gia Định, đầu não của ngụy quyền Sài Gòn, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.
Từ 1980-1986, ông là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Không chỉ là một vị tướng cầm quân xuất sắc, Đại tướng Văn Tiến Dũng còn là một nhà lý luận quân sự khoa học tài ba. Từ năm 1986, khi được Ban Chấp hành Trung ương Đảng phân công chỉ đạo công tác Tổng kết chiến tranh và biên soạn lịch sử quân sự, ông đã có nhiều đóng góp to lớn vào kho tàng lý luận và nghệ thuật quân sự Việt Nam, đặc biệt là lý luận và nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh nhân dân của Đảng…
Trích từ Báo Quân đội nhân dân, nói về Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng ca ngợi đó là “một vị tướng có tinh thần quyết thắng lớn và tài thao lược xuất chúng, một người cộng sản kiên cường, bất khuất đã cống hiến cả cuộc đời cho lý tưởng của Đảng, cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Ngày 17/3/2002, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã ra đi ở tuổi 85, để lại niềm tiếc thương sâu sắc trong lòng đồng chí, đồng đội, đồng bào và chiến sỹ cả nước. Cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông là một trong hai vị Đại tướng chiến lược của cách mạng Việt Nam được thế giới biết đến.
Theo PGS.TS Lê Văn Lợi, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã có sự nghiệp vẻ vang, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, Huân chương Quân kỳ Quyết thắng, Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng...
Hiện nay, tên ông được đặt cho một số đường phố tại Hà Nội, Đà Nẵng và Sơn La.