Bộ trưởng Y tế phản hồi bất cập người mắc bệnh hiểm nghèo phải điều trị ngoài giờ
Cử tri Hà Nội phản ánh hiện các bệnh viện tuyến đầu đều quá tải, có tình trạng bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo phải điều trị ngoài giờ hành chính.
Trong kiến nghị gửi đến ngành y tế trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV, cử tri Hà Nội đề nghị quan tâm công tác quy hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đối với ngành y tế, nhằm khắc phục bất cập trên.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho hay để từng bước giảm quá tải bệnh viện, đặc biệt ở hai khu vực khám bệnh và điều trị nội trú, phấn đấu không để người bệnh phải nằm ghép, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản và thực hiện một số đề án.
"Cơ bản khắc phục được tình trạng quá tải bệnh viện tuyến Trung ương"
Bộ trưởng Lan khẳng định ngành y tế đã xây dựng, cải tạo và mở rộng được nhiều khoa, phòng, bệnh viện, từng bước giảm quá tải tại các chuyên khoa trọng điểm và các chuyên khoa khác nói chung.
Theo đó, số bệnh viện trên toàn quốc đã tăng hơn 16%. Cụ thể, nếu năm 2014 có 1.415 bệnh viện thì năm 2023 cả nước có 1.643 bệnh viện. Tổng số giường bệnh thực kê năm 2022 là 409.244, tăng hơn 41% so với năm 2014.
Công suất sử dụng giường bệnh thực kê toàn quốc năm 2022 là 95,5%; trong đó công suất sử dụng của các bệnh viện tuyến Trung ương đã giảm từ 100% vào năm 2014 xuống còn 80% vào năm 2022; bệnh viện tuyến tỉnh tăng công suất từ 92% (năm 2014) lên 129% (năm 2022).
Bộ trưởng Y tế khẳng định hiện "cơ bản khắc phục được tình trạng quá tải bệnh viện tuyến Trung ương, tuy nhiên còn tình trạng quá tải ở tuyến tỉnh".
Theo Báo cáo tổng kết thực hiện Luật Bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2023 do Bộ Y tế gửi Chính phủ vào cuối tháng 4, tình trạng quá tải khu vực nội trú ở bệnh viện tuyến trung ương và tuyến cuối của TP Hà Nội, TPHCM có xu hướng giảm rõ rệt.
Nhấn mạnh "phần lớn các bệnh viện không còn tình trạng người bệnh phải nằm ghép", điển hình như Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; Bệnh viện Chợ Rẫy,... luôn đảm bảo mỗi người bệnh được nằm điều trị trên 1 giường bệnh hoặc nằm cáng, tuy nhiên Bộ Y tế cũng nhận định "khoảng cách giữa các giường bệnh còn hẹp".
"Có 95% số bệnh viện tuyến Trung ương đã đảm bảo cam kết không để người bệnh nằm ghép trong thời gian 24 giờ hoặc 48 giờ kể từ khi nhập viện", Bộ Y tế cho biết.
Dù vậy, ngày 24/8, trong Chỉ thị 06 của Bộ Y tế do Thứ trưởng Trần Văn Thuấn ký ban hành, lãnh đạo này thừa nhận sự gia tăng số người đến khám, chữa bệnh sau đại dịch tập trung ở các bệnh viện trung ương, tuyến cuối, dẫn đến tình trạng quá tải, ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ và "dễ nảy sinh tiêu cực".
Ông Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, nơi vừa bị tố bệnh nhân ung thư phải 'lót tay' nhân viên y tế, cho biết 3 cơ sở điều trị của bệnh viện này đều trong tình trạng quá tải. Trong đó, khối xạ trị làm việc liên tục 23/24 giờ nên có nguy cơ nảy sinh tiêu cực. Do số lượng bệnh nhân đông, điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế nên các bác sĩ đã phải chia ca/kíp.
Khắc phục triệt để quá tải bệnh viện tại tuyến Trung ương
Liên quan đến tỷ lệ hài lòng của người bệnh với dịch vụ y tế, trong hội nghị tổng kết công tác năm 2023 (diễn ra tháng 1/2024), Bộ Y tế cho biết năm qua tỷ lệ này đạt trên 90%.
Trong khi đó, báo cáo tổng kết thực hiện Luật BHYT lại cho kết quả "cao chót vót" như biểu đồ sau đây.
Nguồn: Báo cáo tổng kết thực hiện Luật Bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2023, Bộ Y tế.
Trong văn bản trả lời kiến nghị cử tri Hà Nội, Bộ trưởng Y tế cho biết tới đây tiếp tục các giải pháp đồng bộ, tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, đầu tư cơ sở vật chất, thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn đến năm 2030 với mục tiêu khắc phục triệt để quá tải bệnh viện tại tuyến Trung ương, đặc biệt với các chuyên khoa còn quá tải trong năm và các thời điểm.
Cùng đó, Bộ Y tế sẽ nâng cao năng lực chuyên môn y tế xã, phường, thực hiện các giải pháp và hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật; phối hợp với UBND các tỉnh, thành giảm quá tải tại các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố.