Xã hội

Vị Giáo sư bán nhà lấy 1.000 lượng vàng để làm việc nghĩa: Người thầy của những tên tuổi lớn, từng lần được gặp mặt, ăn cơm cùng Bác Hồ

Thái Hà 29/04/2025 00:02

Không chỉ là nhà cách mạng, nhà giáo lỗi lạc, ông còn nổi tiếng bởi nhân cách cao đẹp, tận hiến cho đời.

Mới đây, TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ tôn vinh 60 cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố giai đoạn 1975 - 2025. Trong số đó có Giáo sư Trần Văn Giàu - một trong hai cá nhân thuộc lĩnh vực giáo dục được vinh danh.

Giáo sư, Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Trần Văn Giàu là nhà hoạt động cách mạng lão thành, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ. Ông đồng thời là Giáo sư, nhà khoa học, nhà nghiên cứu Lịch sử, Triết học và Nhà giáo Nhân dân Việt Nam.

Nhà cách mạng lỗi lạc

Vị Giáo sư bán nhà lấy 1.000 lượng vàng để làm việc nghĩa: Người thầy của những tên tuổi lớn, từng lần được gặp mặt, ăn cơm cùng Bác Hồ - ảnh 1
Giáo sư, Anh hùng Lao động, Nhà giáo nhân dân Trần Văn Giàu (1911 - 2010). Ảnh: Gia đình cung cấp

Giáo sư Trần Văn Giàu sinh ngày 6/9/1911 tại tỉnh Long An (tỉnh Tân An cũ). Thuở nhỏ, ông lên Sài Gòn học tại Trường Trung học Chasseloup Laubat rồi tiếp tục du học tại Pháp.

Tại Pháp, ông tích cực tham gia phong trào chống thực dân nhằm bảo vệ các chiến sĩ cách mạng Việt Nam và bị bắt giam. Giữa năm 1930, ông bị trục xuất về nước và gia nhập ngay vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Năm 1931, ông Giàu bày tỏ nguyện vọng với Xứ ủy Nam Kỳ để được sang Nga du học. Sau khi được tổ chức chấp thuận, ông bí mật xuất dương, theo học tại Đại học Phương Đông và tốt nghiệp xuất sắc với luận án về "Vấn đề ruộng đất ở Đông Dương".

Đầu năm 1933, ông bí mật trở về Sài Gòn trên tàu Félix Roussel. Dù có thể chọn một cuộc sống yên ổn bên gia đình, nhưng ông Giàu đã quyết định tiếp tục dấn thân, liên lạc với Xứ ủy Nam Kỳ.

Cuối năm đó, ông bị bắt tại Bà Hom (Bình Trị Đông) và bị đày ra Côn Đảo. Đến tháng 5/1940, mãn hạn tù, ông trở về đất liền. Dự định về Long An thăm vợ chưa trọn, chỉ sau 9 ngày, ông lại bị bắt lần nữa.

Lần này, ông bị giam tại Tà Lài. Tuy nhiên, song sắt nhà tù không thể giam cầm khí phách của một người cộng sản kiên trung. Cùng với các đồng chí Tô Ký, Dương Quang Đông… ông Giàu tổ chức vượt ngục thành công.

Trở lại Sài Gòn đúng thời điểm chính trị biến động mạnh, tháng 10/1943, ông được cử làm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ. Khi Nhật đảo chính Pháp, chúng lập ra các tổ chức thân Nhật nhằm lôi kéo các lực lượng chính trị.

Vị Giáo sư bán nhà lấy 1.000 lượng vàng để làm việc nghĩa: Người thầy của những tên tuổi lớn, từng lần được gặp mặt, ăn cơm cùng Bác Hồ - ảnh 2
Giáo sư Trần Văn Giàu và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu

Đứng trước tình hình đó, ông Giàu cùng Xứ ủy chủ trương “tương kế tựu kế”: giao cho Phạm Ngọc Thạch cùng trí thức, sinh viên yêu nước tổ chức thanh niên theo hình thức công khai nhằm tập hợp lực lượng quần chúng về phía cách mạng.

Ngày 2/9/1945, nhân dân cả nước lắng nghe Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Hà Nội. Tuy nhiên, ở Sài Gòn, tín hiệu phát sóng bị gián đoạn (về sau mới biết là đài Hà Nội bị phá, không phát sóng được). Trong tình thế đó, ông Giàu - với cương vị Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ - đã bước lên lễ đài, tuyên bố độc lập.

Bản “tuyên ngôn” ứng khẩu của ông đã được các nhà báo tốc ký lại và đăng trên báo chí Sài Gòn ngày hôm sau. Sự kiện này được nhà báo kỳ cựu Trần Tấn Quốc ghi lại trong tập sách Saigon septembre 45 và được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam sau này xác nhận.

Tận hiến cho đời

Song song với sự nghiệp cách mạng, Giáo sư Trần Văn Giàu còn ghi dấu ấn sâu đậm trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu, đặc biệt là Sử học và Triết học.

Năm 1949, ông ra Chiến khu Việt Bắc giữ chức Tổng Giám đốc Nha Thông tin. Hai năm sau, ông vào vùng tự do Thanh Hóa xây dựng Trường Dự bị Đại học. Cùng với những trí thức lớn như Nguyễn Thúc Hào, Nguyễn Đức Chính, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Cao Xuân Huy… ông đào tạo ra thế hệ học sinh dự bị đại học mà sau này hầu hết đều trở thành lãnh đạo, nhà khoa học đầu ngành của đất nước.

Năm 1954, ông giữ chức Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Sư phạm, đồng thời giảng dạy các môn Khoa học chính trị, Triết học, Lịch sử cận hiện đại thế giới và Việt Nam. Năm 1956, khi Đại học Tổng hợp Hà Nội thành lập, ông là Bí thư Đảng ủy đầu tiên, đồng thời sáng lập và chủ nhiệm khoa Lịch sử.

Vị Giáo sư bán nhà lấy 1.000 lượng vàng để làm việc nghĩa: Người thầy của những tên tuổi lớn, từng lần được gặp mặt, ăn cơm cùng Bác Hồ - ảnh 3
Giáo sư có nhiều đóng góp lớn trong lĩnh vực giáo dục. Ảnh tư liệu

Giáo sư Trần Văn Giàu cũng là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu lớn về Lịch sử và Triết học Việt Nam. Ông đào tạo nhiều nhà nghiên cứu, nhà sử học nổi tiếng như các Giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng... Nhà sử học Dương Trung Quốc từng nhận xét rằng Giáo sư Trần Văn Giàu là “ông thầy của các thầy tôi”.

Ông có nhiều công trình được trao giải thưởng cấp Nhà nước như Vũ trụ quan, Duy vật lịch sử, Biện chứng pháp, Chống xâm lăng, Lịch sử giai cấp công nhân Việt Nam, Miền Nam giữ vững thành đồng, Địa chỉ văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh...

Không chỉ là nhà giáo, ông còn nổi tiếng bởi nhân cách cao đẹp. Ông đã bán căn nhà của mình trên đường Phạm Ngọc Thạch, TP. Hồ Chí Minh để lấy 1.000 cây vàng (theo thời giá năm 2001) nhằm xây trường học tặng quê hương của vợ và lập giải thưởng khoa học mang tên mình - Giải thưởng Sử học Trần Văn Giàu - dành cho các công trình nghiên cứu xuất sắc về khoa học xã hội, đặc biệt là lịch sử Nam Bộ. Đây cũng là giải thưởng đầu tiên ở Việt Nam mang tên một người khi người đó còn sống.

Vị Giáo sư bán nhà lấy 1.000 lượng vàng để làm việc nghĩa: Người thầy của những tên tuổi lớn, từng lần được gặp mặt, ăn cơm cùng Bác Hồ - ảnh 4
Vợ chồng Giáo sư Trần Văn Giàu cùng các Giáo sư Trần Quốc Vượng, Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn, Phan Huy Lê (từ trái sang phải). Ảnh tư liệu

Trong suốt cuộc đời, Giáo sư Trần Văn Giàu đã được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý như Huân chương Hồ Chí Minh, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Nhà giáo Nhân dân, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng...

Sinh thời, ông có nhiều lần được tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong một bài đăng trên Báo SGGP năm 2007, ông kể lại rằng, giữa tháng 9/1945, Bác Hồ chỉ thị ông và bác sĩ Phạm Ngọc Thạch ra Bắc báo cáo tình hình khởi nghĩa tại miền Nam. Đây là lần đầu tiên ông được gặp Bác Hồ. Trong gần một tháng ở miền Bắc, ông ăn cơm cùng Bác mỗi ngày tại Phủ Chủ tịch.

Tại đây, ông được Bác chỉ bảo, dạy dỗ tận tình - những bài học đã theo ông suốt cuộc đời cách mạng và sự nghiệp giáo dục.

Phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nữ Giáo sư, Tiến sĩ đầu tiên của Đại học Bách khoa Hà Nội qua đời

Nữ sinh Việt 18 tuổi có bố là Phó Giáo sư, mẹ Tiến sĩ, vượt hơn 11.000 ứng viên trúng tuyển 8 đại học hàng đầu thế giới

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/vi-giao-su-ban-nha-lay-1000-luong-vang-de-lam-viec-nghia-nguoi-thay-cua-nhung-ten-tuoi-lon-tung-lan-duoc-gap-mat-an-com-cung-bac-ho-141352.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Vị Giáo sư bán nhà lấy 1.000 lượng vàng để làm việc nghĩa: Người thầy của những tên tuổi lớn, từng lần được gặp mặt, ăn cơm cùng Bác Hồ
    POWERED BY ONECMS & INTECH