Vị Hoàng giáp nào nổi tiếng trong lịch sử khoa bảng Việt là học trò của Vũ Tông Phan, làm quan trải qua 7 đời vua Nguyễn?

05-04-2024 00:33|Quỳnh Châu

Ông là một danh sĩ và là vị quan từng trải qua những chức vụ trọng yếu suốt gần 40 năm, phục vụ 7 đời vua triều Nguyễn.

Nguyễn Tư Giản (1823-1890) vốn tên là Văn Phú, tự Tuân Thúc, bút hiệu Thạch Nông, Vân Lộc là người làng Du Nội (xưa thuộc phủ Từ Sơn, nay thuộc xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội).

Ông một danh sĩ và là vị quan từng trải qua những chức vụ trọng yếu suốt gần 40 năm, phục vụ 7 đời vua triều Nguyễn, gồm Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh. Ông được coi là vị Hoàng giáp nổi tiếng nhất trong lịch sử khoa bảng, khi để lại dấu ấn trên nhiều lĩnh vực.

Chân dung Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản. Ảnh tư liệu gia đình

Chân dung Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản. Ảnh tư liệu gia đình

Từ nhỏ, Nguyễn Tư Giản nổi tiếng thông minh hay chữ. Lên 5 tuổi thì mẹ mất, lên 11 tuổi thì cha mất nên ông phải đến ở nhà ông bà ngoại bên ngoài Cửa Bắc thành Hà Nội, gần hồ Trúc Bạch.

Ban đầu, ông học với anh cả là Nguyễn Đức Hiến đỗ Giải nguyên, làm Đốc học, sau theo học ông nghè Vũ Tông Phan ở thôn Tự Tháp, nằm ở phía Tây Hồ Gươm thuộc phường Báo Thiên, huyện Thọ Xương (nay là quận Hoàn Kiếm).

Năm 19 tuổi, ông đi thi nhưng bị hỏng, 3 năm sau mới đỗ Cử nhân ở trường Hà Nội, năm sau thì đỗ Tiến sĩ đệ nhị giáp (tức Hoàng giáp) khoa Giáp Thìn (1844) dưới triều vua Thiệu Trị.

Văn bia tiến sĩ Hoàng giáp Nguyễn Văn Phú (tức Nguyễn Tư Giản) tại Huế. Ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại

Văn bia tiến sĩ Hoàng giáp Nguyễn Văn Phú (tức Nguyễn Tư Giản) tại Huế. Ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại

Sau khi vinh quy bái tổ ở quê nhà, ông vào Huế để nhận chức Tu soạn Hàn lâm viện, được cử biên tập bộ “Thiệu Trị văn quy” và được vua cho đổi tên Văn Phú thành Định Giản. Ở đây ông gặp gỡ nhiều nhân sĩ có tư tưởng tiến bộ như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Đức Hậu, Bùi Viện.

Năm 1846, ông làm Tri phủ Ninh Thuận (nay thuộc tỉnh Ninh Thuận), nhưng chưa được 1 năm, vào mùa thu năm 1847, Tự Đức lên ngôi vua và triệu ông về kinh. Tại đây trong tròn 10 năm (1847-1857), ông trở thành một quan chức tham mưu về văn hoá, rồi về hành chính quốc gia. Ban đầu ông giữ chức Khởi cư chú ở lầu Kinh Diên, rồi Thị giảng học sĩ ở Hàn lâm viện.

Cũng trong thời gian ở kinh, Định Giản lại một lần nữa đổi tên. Vua Tự Đức đã lệnh cho ông đổi chữ đệm thành Tư Giản. Năm Tự Đức thứ mười (1857), sau hơn 10 năm xa quê, ông xin vua cho về Bắc thăm nhà. Tự Đức chuẩn y nhưng giao cho ông nhiệm vụ nghiên cứu tình hình sông ngòi, đê điều ở ngoài Bắc.

Nguyên là vào thời gian này, ở Bắc Kỳ hệ thống đê sông Hồng thường bị vỡ, gây tai họa lớn đối với nhân dân. Để khắc phục thiên tai này, trong nội các có hai chủ trương trái ngược nhau: Phái phá bỏ đê và phái tiếp tục đắp đê thêm. Bàn luận đã nhiều nhưng chưa ngã ngũ cho nên Tự Đức muốn Tư Giản điều tra nghiên cứu tình hình tại chỗ.

Biết rằng trong cuộc vật lộn với thiên tai thì Tự Đức rất bi quan nên Nguyễn Tư Giản đã tiến hành công việc một cách thận trọng, nghiên cứu điều tra rất tỉ mỉ, cụ thể và khi hết hạn nghỉ ở Bắc, ông trở lại Huế với một bản điều trần soạn thảo công phu. Trước hết ông phân tích nhiều mặt để thấy rằng phá bỏ đê là một điều rất nguy hiểm, sau đó ông kiến nghị mười điểm:

1. Đắp đê ở bờ biển để ngăn nước mặn.

2. Nạo vét cửa biển để khỏi ứ đọng sỏi cát.

3. Xây các đập để ngừa lúc nước lên to bất thình lình.

4. Đào các sông nhánh để giữ dòng chính.

5. Khơi các dòng cũ để phân tán sức nước lũ.

6. Lấp các nguồn nước đọng để khỏi đọng bùn cát.

7. Dự trữ tiền gạo để có sẵn chi phí.

8. Trả tiền công hậu cho những người làm đê.

9. Mở rộng việc quyên tiền để giúp cho những người trị thuỷ.

10. Đặt ngạch dân định chuyên trách coi sóc đê điều, chống lụt.

Tự Đức thấy bản điều trần có nhiều ý mới, bèn giao cho các bộ hữu quan (Bộ Lại, Bộ Công, Bộ Hộ) nghiên cứu và bàn bạc trực tiếp với tác giả về kế hoạch thực hiện. Ít lâu sau đang là Thị lang (quan chức hàng thứ ba) ở Bộ Lại, Tư Giản được cử làm Hiệp lý đê chính sự vụ ở Bắc Kỳ.

Nguyễn Tư Giản đề ra 10 kế sách trị thủy sông Hồng nhưng thất bại

Nguyễn Tư Giản đề ra 10 kế sách trị thủy sông Hồng nhưng thất bại

Năm 1862, vua Tự Đức cho giải tán Nha đê chính. Cùng lúc này ở Hải Dương có nạn thổ phỉ từ Trung Quốc sang quấy nhiễu. Tư Giản được cử làm Tham biện quân vụ Hải - Yên (Hải Dương - Quảng Yên) để giúp việc tiễu phạt. Nhưng có một lần lũ giặc phá được thành huyện Cẩm Giàng và kéo tới bao vây thành tỉnh Hải Dương. Nguyễn Tư Giản bị đình thần hạch tội là bất lực và ông bị cách mọi chức tước. Ông về dạy học ở làng Đôn Thư (Thanh Oai - Hà Tây) trong khoảng một năm rồi chuyển ra Hà Nội dạy ở phố Hàng Bồ.

Hai năm sau, ông được lệnh gọi vào Huế làm Tu soạn ở Viện Hàn lâm, rồi Thị độc học sĩ ở lầu Kinh Diên. Năm Đinh Mão (1867), Nguyễn Tư Giản được thăng hàm Hồng lô tự khanh. Tháng 6 năm Mậu Thìn (1868), ông được vua chọn đi sứ sang nhà Thanh. Sứ đoàn do Lê Tuấn làm Chánh sứ, ông và Hoàng Tịnh làm Phó sứ.

Sang Trung Quốc, Nguyễn Tư Giản học hỏi được nhiều điều nên khi về nước, ông cùng với Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Đức Hậu, Bùi Viện dâng sớ lên vua Tự Đức đề nghị một chương trình canh tân tự cường, như cho mở rộng bang giao với các nước phương Tây, cử học sinh ra nước ngoài để học kỹ nghệ mới lạ... Tuy những điều ấy không được vua nghe theo, nhưng các kiến nghị canh tân ấy được người đương thời xem trọng, coi như một “tân đảng”...

Năm Mậu Dần (1878), nhân dịp lễ “Ngũ tuần đại khánh” của vua Tự Đức, ông được triệu về Huế trao chức Thị giảng học sĩ và ủy nhiệm phụ trách việc khánh tiết.

Sau biến cố tại Kinh thành Huế xảy ra vào đêm 22 năm Ất Dậu (1885), vua Hàm Nghi cùng đoàn tùy tùng chạy ra Tân Sở (Quảng Trị). Vua Đồng Khánh lên thay, Nguyễn Tư Giản được cử giữ chức Thị lang bộ Hộ, nhưng sau đó ông giả ốm xin về nghỉ.

Năm 1886, chiều theo ý Pháp, Kinh lược sứ Nguyễn Trọng Hợp cho mời một số danh sĩ ra làm việc. Từ chối mãi không được, Nguyễn Tư Giản phải ra làm Tổng đốc Ninh - Thái (Bắc Ninh - Thái Nguyên).

Tháng 3/1887, vua Đồng Khánh trích công quỹ một ngàn đồng Đông Dương để Chính phủ Pháp mua đồng đúc tượng Toàn quyền Paul Bert. Nhân đó, các quan trong Nha Kinh lược Bắc Kỳ là Nguyễn Hữu Độ và Nguyễn Chính cũng bày ra chuyện lạc quyên ở các tỉnh để góp thêm tiền mua đồng.

Nguyễn Tư Giản khước từ quyên tiền dựng tượng Toàn quyền Paul Bert. Ảnh minh họa

Nguyễn Tư Giản khước từ quyên tiền dựng tượng Toàn quyền Paul Bert. Ảnh minh họa

Thế nhưng, các quan chức ở tỉnh Ninh - Thái không quyên góp một đồng nào. Lập tức, Nha Kinh lược tâu lên vua xin cho tra vấn và đổi chức. Thuận theo yêu cầu, vua Đồng Khánh cho Nguyễn Xuân Duẩn đến thay, đồng thời triệu Nguyễn Tư Giản về Nha Kinh lược xét hỏi.

Bị tra vấn, Nguyễn Tư Giản biện giải rằng: "Việc này, không do chỉ dụ nhà vua giao trách nhiệm cho cả ba kỳ. Chỉ riêng Nha Kinh lược Bắc Kỳ định ra, các Tổng đốc không được dự bàn thì không trách cứ được. Việc quyên góp là việc làm tự nguyện, pháp luật cũng không ràng buộc, các quan chức Ninh - Thái đang rất túng quẫn, không thể có tiền góp sang nước Pháp..."

Tham khảo:

- Nhà khoa bảng Nguyễn Tư Giản: Vị Hoàng giáp làm quan trải 7 đời vua - Báo Giáo dục và Thời đại (27/10/2022)

- Nhà khoa bảng Nguyễn Tư Giản: Giữ vững bản lĩnh, mặc lời khen chê - Báo Giáo dục và Thời đại (27/10/2022)

- Nguyễn Tư Giản – người hết lòng với công việc trị thủy - Tạp chí Người Hà Nội (13/11/2023)

- Nguyễn Tư Giản - vị quan có tư tưởng canh tân triều Nguyễn - Báo Thanh Niên (1/10/2022)

>> Vị Hoàng đế cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam và cuộc đời kỳ lạ gắn liền với con số 13

Vị Trạng nguyên kiệt xuất, giỏi Toán nhất lịch sử Việt Nam: Sứ thần phương Bắc phải ngả mũ thán phục, tên được đặt cho nhiều địa danh

Cuộc đời bí ẩn của 'công chúa tình báo' đầu tiên trong lịch sử Việt Nam

Vị tướng là Tổng tham mưu trưởng lâu nhất trong lịch sử Việt Nam, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi có 'tài thao lược xuất chúng'

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/vi-hoang-giap-nao-noi-tieng-trong-lich-su-khoa-bang-viet-la-hoc-tro-cua-vu-tong-phan-lam-quan-trai-qua-7-doi-vua-nguyen-d119599.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Vị Hoàng giáp nào nổi tiếng trong lịch sử khoa bảng Việt là học trò của Vũ Tông Phan, làm quan trải qua 7 đời vua Nguyễn?
POWERED BY ONECMS & INTECH