Ít ai biết rằng người đứng sau công trình vĩ đại Tử Cấm Thành là vị kiến trúc sư đại tài người Việt.
Nhân vật được nhắc đến ở đây là Nguyễn An (1381– 1456), quê Hà Đông, một thái giám triều Minh. Ông vốn được biết đến là thần đồng từ nhỏ cũng như là một thiên tài về kiến trúc. Khi chỉ mới 16 tuổi, Nguyễn An đã tham gia xây dựng nhiều cung điện nguy nga ở kinh thành Thăng Long dưới thời vua Trần Thuận Tông.
Vào năm 1407, khi nhà Minh mang quân sang nước ta với danh nghĩa “phù Trần diệt Hồ”, họ đã bắt rất nhiều thanh niên ưu tú, xuất chúng của nước ta về Trung Hoa để thiến rồi đào tạo thành thái giám phục vụ trong cung, trong đó có Nguyễn An.
Trổ tài nơi đất khách quê người, được các vua Minh trọng dụng
Thời điểm ông bị bắt sang Trung Quốc, nhà Minh đang chuẩn bị xây dựng kinh thành Bắc Kinh. Biết được tài năng của Nguyễn An, vua Minh Thành Tổ (trị vì 1402-1424) đã để cho vị thái giám này đảm nhận các công việc liên quan đến kiến trúc, xây dựng Tử Cấm Thành. Cụ thể, theo nhiều tài liệu, Hoàng đế tin tưởng giao cho Nguyễn An làm Tổng công trình sư, chịu trách nhiệm thiết kế, đôn đốc xây dựng cung đình. Ông cũng là người chịu trách nhiệm quyết định tối cao cho công trình, chỉ sau vua Minh Thành Tổ.
Quá trình bắt đầu từ khi quyết định, chuẩn bị cho đến xây dựng hoàn thiện Tử Cấm Thành kéo dài từ năm 1406 đến năm 1424.Trong đó, khoảng thời gian 13 năm đầu được dành cho việc thiết kế công trình, chuẩn bị tập kết nguyên vật liệu từ khắp nơi trên đất nước Trung Hoa về địa điểm xây dựng. 3 năm từ 1417 đến 1420 là giai đoạn xây dựng cũng như lắp ráp hoàn thành công trình.
Một số tài liệu khác cũng ghi chép lại rằng, vào năm 1421, tức là một năm sau khi công trình hoàn thành, ba điện lớn, bao gồm điện Thái Hòa, Trung Hòa và Bảo Hòa cùng hai cung khác là Càn Thanh và Khôn Ninh bị cháy. Do vậy, Nguyễn An được giao cho trọng trách xây dựng lại. Bằng tài năng của mình, chỉ sau một năm, ông đã hoàn thành.
Ngoài ra, dưới thời vua Minh Anh Tông (trị vì 1435-1449 và 1457-1464), vị thái giám người Hà Đông còn được giao nhiệm vụ mở mang và trùng tu thành Bắc Kinh.
Không phụ sự ủy thác của nhà vua, ông đã hoàn thành quần thể cung điện với hai cung, ba điện, nha môn của 5 phủ 6 bộ, 9 cửa đã được tu bổ và tạo dựng. Nội thành xây dựng hai cung (Càn Thanh, Khôn Ninh), ba điện (Phụng Thiên, Hoa Cái và Cẩn Thân), năm phủ, sáu bộ và các công thự các ty.
Ba điện là tiền thân của các điện Thái Hoà, Bảo Hoà và Trung Hoà ngày nay tại Cố cung Bắc Kinh (tức Tử Cấm Thành). Ngoại thành có cửa Chính Dương, cửa Sùng Văn, cửa Tuyên Vũ, cửa Triệu Dương, cửa Phụ Thành, cửa Đồng Trực, Tây Trực và cửa Đức Thắng. Cửa Chính Dương có một toà chính lâu và hai tòa tả, hữu lâu. Các cửa khác đều có một chính lâu và một nguyệt thành lâu (lầu thành phụ).
Một chi tiết khác để cho thấy tài năng hơn người của Nguyễn An, đó là vị kiến trúc sư tài ba này đã sáng tạo ra cách vận chuyển những khối đá nặng từ hàng chục lên đến hàng trăm tấn để xây dựng Tử Cấm Thành.
Theo đó, khi nhận thấy khu vực khai thác đá ở nơi lạnh lẽo tới - 20 độ C, ông đã cho đào một rãnh nước có chiều ngang bằng tảng đá kéo dài đến nơi xây dựng, sau đó dẫn nước sông vào. Nước nhanh chóng bị đông cứng tạo thành một đường băng trơn trượt từ mỏ đá đến kinh thành, khiến việc vận chuyển những tảng đá khổng lồ hàng trăm tấn trở nên dễ dàng. Ý tưởng của Nguyễn An khiến hậu thế cho đến nay vẫn phải khâm phục.
Góp công lớn giúp dân trị thủy
Nguyễn An không chỉ là nhà kiến trúc đại tài, có công thiết kế, chỉ huy xây dựng cổ thành Bắc Kinh mà còn là chuyên gia trị thủy đại tài, có rất nhiều đóng góp trong các công trình trị thủy sông Hoàng Hà. Được biết, vào năm 1444, khi mưa lớn kéo dài khiến đê sông Bồ Cầu bị hư hại nặng nề, thái giám quê Hà Đông được cử đi chỉ huy việc hàn khẩu. Vài năm sau, ông lại được giao đi xây dựng công trình trị thuỷ trên sông Tái Dương.
Năm 1456, sông Hoàng Hà xảy ra lũ lụt lớn khiến đê bị vỡ. Nguyễn An tiếp tục được phái đi chỉ đạo việc tu sửa. Tuy nhiên, chưa kịp đến nơi thì ông đã không may mất trên đường đi.
Nhìn lại hành trình nơi đất khách quê người, Nguyễn An xứng danh là một vị kiến trúc sư tài ba. Dù trải qua gian khổ khi phải xa quê hương đến nơi xứ lạ nhưng nhờ tài năng thiên phú và tính cách tận tụy với những nhiệm vụ được giao, ông đã khiến trí tuệ của người Việt được rạng danh xứ người.