Vị lãnh tụ này tự nhận mình là người rất ngưỡng mộ khả năng chiến đấu và tinh thần độc lập của nhân dân Việt Nam...
Hơn 50 năm trước, vào ngày 15/9/1973, vị lãnh tụ Cuba Fidel Castro đã đến thăm Quảng Trị trong bối cảnh Quảng Trị mới giải phóng, Hiệp định Paris vừa được ký kết, trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời đã được xây dựng và ra mắt tại tỉnh. Ông đã tới thăm Đông Hà và một số địa phương, sau đó đã tham dự cuộc mít-tinh của hàng nghìn người dân Quảng Trị.
Trong thời điểm chiến tranh vẫn diễn ra khốc liệt, chuyến thăm của vị lãnh tụ Cuba là biểu tượng cao nhất cho tình đoàn kết và sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng Tư lệnh Fidel Castro và nhân dân Cuba đối với Việt Nam; khẳng định Cuba hết sức khâm phục cuộc đấu tranh anh dũng của Việt Nam chống đế quốc xâm lược, không chỉ vì nền độc lập, thống nhất Tổ quốc mình mà còn là sự đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của các dân tộc trên thế giới vì độc lập, quyền tự quyết dân tộc và Chủ nghĩa xã hội.
Lãnh tụ Fidel Castro là người chèo lái, đưa con thuyền cách mạng Cuba vượt qua muôn vàng sóng to, gió lớn mà đế quốc Mỹ và lực lượng phản động gây ra. Bản thân ông khi ấy đã trở thành mục tiêu của nhiều âm mưu ám sát.
Bất chấp hiểm nguy rình rập, lãnh tụ Cuba vẫn quyết đến thăm Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam vào thời điểm chiến tranh còn đang tiếp diễn. Đồng thời, sự có mặt của vị lãnh tụ Cuba khi ấy không chỉ thể hiện tình cảm của ông với nhân dân Việt Nam mà còn như một lời thúc giục, tiếp sức để bộ đội ta thần tốc tiến về giải phóng Sài Gòn, thực hiện tâm nguyện của lãnh tụ Hồ Chí Minh là “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào, Bắc - Nam thống nhất”.
Đến thăm chiến trường Quảng Trị, Chủ tịch Fidel Castro đã băng qua Dốc Miếu, nơi dựng hàng rào điện tử McNamara để đến thăm Đông Hà, rồi đi ngược lên Đường 9 và đến Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở huyện Cam Lộ. Cũng tại đây, vị lãnh tụ Cuba đã phất cao lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên Cao điểm 241 hay còn gọi là căn cứ Carol, giữa nơi ngổn ngang xác xe tăng, đạn pháo, quân và dân Quảng Trị.
Chuyến thăm lịch sử của vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên và duy nhất tới chiến trường miền Nam Việt Nam còn ghi dấu với một câu nói bất hủ, thể hiện trọn vẹn nghĩa tình của ông cũng như toàn bộ đất nước Cuba dành cho Việt Nam: “Vì Việt Nam, nhân dân Cuba sẵn sàng hiến dâng cả giọt máu của mình”.
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thảo - nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam – Cuba, trên thực tế, lãnh tụ Fidel Castro đã đưa ra phát biểu này lần đầu vào năm 1966 tại cuộc mít-tinh tại Quảng trường Cách mạng thủ đô Havana (Cuba). Cuộc mít-tinh nhằm ủng hộ và thể hiện tinh đoàn kết giữa các khu vực châu Á - Phi - Mỹ Latinh.
Vị lãnh tụ Cuba nhấn mạnh cuộc kháng chiến của quân và dân Việt Nam không đơn thuần chỉ vì độc lập của đất nước Việt Nam mà còn vì độc lập và tự do cho cả thế giới, bao gồm Cuba. Ông giải thích, đế quốc Mỹ khi ấy phải đối phó với quân và dân Việt Nam ở miền Nam Việt Nam nên không có điều kiện tấn công cách mạng Cuba. Bởi vậy, người Việt Nam thực chất đang chiến đấu cho cả Cuba và nhân dân các nước Á - Phi - Mỹ Latinh.
Cũng từ đó, lãnh tụ Fidel Castro đã bắt đầu một hoạt động giáo dục chính trị cao cả, giải thích cho nhân dân trên toàn thế giới biết rằng chính Cuba mới phải mang ơn Việt Nam và rằng: “Việt Nam đánh Mỹ không chỉ vì giải phóng dân tộc mà còn vì Cuba và các nước Á - Phi - Mỹ Latinh”.
Nhận định về chuyến thăm, tác giả Sergio Alejandro Gómez qua bài viết “Fidel truyền cho chúng tôi tình yêu Việt Nam” trên báo Granma - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba đã nhấn mạnh Fidel là nhà lãnh đạo quốc tế đầu tiên vượt vĩ tuyến 17 và thăm vùng mới giải phóng.
Bài viết có đoạn: “Nhà lãnh đạo Cuba đã dành nhiều thời gian để phân tích và suy ngẫm về các xung đột quốc tế và những thách thức của nhân loại. Trong đó, Việt Nam chiếm một vị trí đặc biệt trong tư tưởng của Fidel. Nhà lãnh đạo Cuba tự nhận mình là người rất ngưỡng mộ khả năng chiến đấu và tinh thần độc lập của nhân dân Việt Nam...”
Những năm tháng sau dấu mốc lịch sử tại chiến trường Quảng Trị và tới thời điểm hiện tại, mối quan hệ Việt Nam - Cuba vẫn được duy trì vô cùng tốt đẹp, vượt qua cả những rào cản, khó khăn và thách thức về mặt địa lý cũng như thời đại.