Hạ tầng - Chính sách

Vi phạm trật tự xây dựng: cần chế tài mạnh, xử lý nghiêm

Mai Vân 11/10/2024 - 08:22

UBND TP Hà Nội đang đề xuất đưa vào dự thảo Nghị quyết của UBND TP Hà Nội về việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại những công trình vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) đô thị.

Nhiều ý kiến cho rằng, đây là biện pháp cần thiết để ngăn chặn tình trạng vi phạm TTXD trên địa bàn TP.

Nhiều vi phạm phức tạp

Thời gian gần đây, công tác quản lý TTXD đô thị trên địa bàn Thủ đô có nhiều chuyển biến tích cực. Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo TP cùng sự vào cuộc của các cấp chính quyền, lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý, số lượng các vụ vi phạm TTXD giảm dần đều theo từng năm, đồng thời những vụ vi phạm nổi cộm gây bức xúc dư luận cũng được hạn chế.

Để ngăn chặn tình trạng vi phạm trật tự xây dựng cần loại bỏ được tham ô, tham nhũng trong quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng. Ảnh: Doãn Thành
Để ngăn chặn tình trạng vi phạm trật tự xây dựng cần loại bỏ được tham ô, tham nhũng trong quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng. Ảnh: Doãn Thành

Theo số liệu báo cáo từ Sở Xây dựng Hà Nội, hàng năm trên địa bàn TP có từ 17.000 - 20.000 công trình xây dựng các loại được cấp phép. Vào năm 2016 tỷ lệ công trình vi phạm trên địa bàn TP chiếm 13,9% (2.469/19.138 công trình), năm 2017 giảm còn 10,99% (1.916/17.422 công trình), năm 2018 còn 5,28% (891/16.885 công trình), năm 2019 còn 3,07% (605/19.697 công trình), năm 2020 giảm còn 2,13% (402/18.878 công trình), đến thời điểm cuối năm 2023 đã giảm xuống còn khoảng 1,67%.

“Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của TP, các cấp, ngành và địa phương đã vào cuộc mạnh mẽ trong công tác quản lý Nhà nước về hoạt động xây dựng. Theo đó, nhiều vụ việc vi phạm TTXD đã được kịp thời phát hiện qua công tác thanh - kiểm tra, sau đó đã được thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính và bắt buộc khôi phục lại hiện trang ban đầu. Qua đó, số lượng các vụ vi phạm đã giảm dần đều theo từng năm, ý thức chấp hành pháp luật về xây dựng của người dân, DN được nâng lên, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước và kỷ cương pháp luật” - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh cho hay.

Công tác quản lý TTXD đô thị đã từng bước đi vào nền nếp, đặc biệt, từ khi TP Hà Nội được Chính phủ cho phép thực hiện Đề án thí điểm hoạt động của các Đội quản lý TTXD đô thị, giúp TP xây dựng được lực lượng quản lý chuyên môn chuyên biệt và hạn chế được tình trạng vi phạm TTXD.

Tuy nhiên trên thực tế, “vấn nạn” vi phạm TTXD đô thị vẫn diễn ra với nhiều chiêu trò tinh vi của các đối tượng; đồng thời một bộ phận cán bộ quản lý Nhà nước có biểu hiện buông lỏng, tiếp tay, cố tình kéo dài thời gian xử lý để hợp thức hóa vi phạm... nên tình trạng vi phạm TTXD trên địa bàn Thủ đô vẫn tiếp diễn một cách phức tạp. Một số địa bàn có tỷ lệ vi phạm TTXD ở mức cao như Cầu Giấy 14,58%, Chương Mỹ 9,09%, Đan Phượng 6,9%, Gia Lâm 5,6%, Hoàn Kiếm 7,4%, Mê Linh 42,5%, Sóc Sơn 10,7%, Thạch Thất 9,8%.

“Hiện nay, một số trường hợp vi phạm TTXD trên địa bàn sau khi xác lập hồ sơ xử lý hành chính, các đối tượng vẫn tìm cách triển khai chui để qua mắt lực lượng chức năng. Một số chế tài trước đây cho phép triển khai như cắt điện, nước tại công trình vi phạm đã bị hủy bỏ trong các văn bản luật; trong khi lực lượng thanh tra tại địa bàn căn cứ theo chỉ tiêu của luật rất mỏng, nên không kiểm soát hết được tình trạng vi phạm có chiều hướng phức tạp” - Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.

Quy trách nhiệm đúng người, đúng việc

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về TTXD, đầu tháng 7/2024, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ban hành Văn bản số 2154/UBND-ĐT yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục kiểm tra, rà soát, xử lý đối với những công trình vi phạm và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện.

Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở, ngành chuyên môn và UBND quận, huyện, thị xã trên địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm những công trình vi phạm TTXD theo thẩm quyền hoặc kịp thời kiến nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý, không để phát sinh công trình xây dựng vi phạm, đặc biệt là những công trình vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào hoạt động...

Mới đây, UBND TP lại tiếp tục đề xuất đưa vào dự thảo Nghị quyết của HĐND TP để lấy ý kiến góp ý về biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại những công trình vi phạm căn cứ theo Luật Thủ đô năm 2024. Theo đó, những công trình vi phạm gồm: xây dựng sai quy hoạch; không có hoặc sai nội dung trong giấy phép đối với trường hợp theo quy định phải có giấy phép và sai với thiết kế được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng; công trình thi công không đúng thiết kế hoặc đưa vào sử dụng mà chưa có nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy... nếu được thông qua thì những quy định này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

“Nghị định số 139/2017/NĐ-CP đã không cho phép thi hành biện pháp ngừng cung cấp điện, nước đối với công trình vi phạm. Điều này gây ra những khó khăn lớn cho cơ quan quản lý Nhà nước trong việc ngăn chặn hành vi vi phạm của các cá nhân, tổ chức, đặc biệt là ở những dự án đầu tư xây dựng quy mô lớn. Thủ đô Hà Nội là một trong những địa bàn có tốc độ xây dựng lớn nhất cả nước, vì vậy cần xây dựng cơ chế đặc thù phục vụ công tác quản lý. Tôi cho rằng đề xuất của UBND TP Hà Nội về biện pháp ngừng cung cấp điện, cấp nước đối với công trình vi phạm là hợp lý và phù hợp với tình hình thực tế của TP” - Luật sư Trịnh Hữu Đức (Hội Luật gia Việt Nam) nhìn nhận.

Ở khía cạnh khác, GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, mệnh lệnh hành chính là cần phải có, nhưng quan trọng hơn là trách nhiệm của những người thực thi công vụ. Bởi bên cạnh vấn đề ý thức chấp hành pháp luật về xây dựng của người dân, DN còn hạn chế; thì việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm và thậm chí tiếp tay cho sai phạm của một bộ phận cán bộ công chức Nhà nước... vẫn diễn ra, dẫn tới số lượng báo cáo các vụ vi phạm không đúng thực tế; nhiều công trình vi phạm TTXD không được báo cáo hoặc báo cáo không vi phạm... Điều này đang khiến việc thực thi pháp luật, xử lý sai phạm về TTXD nói riêng gặp nhiều khó khăn.

“Để công tác quản lý Nhà nước về TTXD đô thị ngày càng có hiệu quả, bảo đảm thượng tôn pháp luật, công tác kiểm tra xác định vi phạm cần được thực hiện một cách nghiêm túc, minh bạch, công khai. Từ đó có thể xác định được sai phạm đến đâu, sai phạm những gì, những ai là người có liên quan... để có thể quy trách nhiệm và xử lý đúng người, đúng việc. Chỉ có như vậy mới có thể hạn chế và tiến tới ngăn chặn tình trạng vi phạm TTXD” - GS.TSKH Đặng Hùng Võ bày tỏ quan điểm.

Để ngăn chặn và xử lý tận gốc tình trạng vi phạm TTXD, ngoài xây dựng, ban hành các chế tài hành chính đủ mạnh, phải chấm dứt tình trạng tham ô, tham nhũng trong quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng. Phải khẳng định, người dân và DN luôn sợ pháp luật, nếu không có sự “hậu thuẫn” từ phía cơ quan quản lý Nhà nước thì sẽ không thể tự ý vi phạm.

Vì vậy để thượng tôn pháp luật, cơ quan điều tra phải đưa ra xử lý tất cả những cá nhân này, kể cả nhưng người từ nhiệm kỳ trước, như vậy vừa bỏ được tư duy nhiệm kỳ, vừa sớm đưa hoạt động quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng vào quy củ.

Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng

Hà Nội: Đề xuất 6 nhóm đối tượng vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng sẽ bị cắt điện, nước

Định hình rõ không gian đô thị Hà Nội

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/vi-pham-trat-tu-xay-dung-can-che-tai-manh-xu-ly-nghiem.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Vi phạm trật tự xây dựng: cần chế tài mạnh, xử lý nghiêm
    POWERED BY ONECMS & INTECH