Người giàu chơi golf vì đam mê hay để thể hiện đẳng cấp?
Theo khảo sát trong năm 2021 của Viện nghiên cứu Wealth-X, golf là môn thể thao được giới nhà giàu ưa chuộng nhất. Dữ liệu cho thấy 18,6% những người có tài sản từ 5 triệu đến 30 triệu USD thích chơi và xem đánh golf. Tại sao người giàu đam mê golf tới vậy? Đây chính là lời giải thích cho câu hỏi này.
Sẵn sàng chi hàng trăm triệu đến vài tỷ để chơi golf
Để chơi golf một cách cơ bản nhất, người chơi phải sắm sửa rất nhiều thứ. Con số chi trả có thể từ vài chục, vài trăm triệu đồng cho đến vài tỷ đồng.
Thường một bộ gậy golf ở mức trung bình sẽ có giá dao động quanh mức 1.500 - 2.000 USD. Gậy xịn hơn có thể lên tới hàng chục nghìn USD. Nhiều golfer chọn cách không mua gậy mới mà thuê gậy chơi golf.
Golfer bắt buộc phải đầu tư trang phục khi tham gia chơi trên sân. Tùy vào túi tiền, họ có thể mua trang phục cao cấp với giá vài triệu đồng. Ngoài quần áo, họ cần sắm túi đựng đồ, giày, dây lưng, mũ, bóng golf, ô, áo mưa cho túi gậy, máy bắn khoảng cách,... tổng chi phí có thể hàng chục triệu đồng.
Tại Việt Nam, lệ phí sân golf thường được chia làm 3 loại: Đối với hội viên mức phí dao động khoảng 15 - 30 USD cho mỗi lần chơi. Khách mời của hội viên phải trả giá cao hơn, khoảng 60 - 80 USD. Phí cho khách vãng lai là cao nhất, lên tới 100 USD. Chi phí này có thể thay đổi tùy vào khung giờ khách đặt, cũng như sẽ cao hơn nếu chơi vào thời điểm cuối tuần.
Đó là riêng khoản phí chơi golf, chưa kể đến tiền trà nước, tiền "bo" cho Caddie cũng trung bình khoảng 300.000 đồng, phí thuê xe điện riêng từ 500.000 - 800.000 đồng. Cuối cùng sẽ là chi phí ăn uống sau mỗi lần tập tại các nhà hàng 5 sao trên sân golf. Golfer sẽ chi trả khoảng 500.000 đồng trở lên tùy theo món ăn lựa chọn.
Củng cố và nâng cao địa vị xã hội
Do chi phí nhập môn cao so với các môn thể thao khác, golf đã gắn liền với tiền bạc và địa vị xã hội.
Thực tế, ngay cả những người không nhất thiết phải chơi golf vẫn đăng ký làm thành viên các câu lạc bộ để được nhìn nhận là tầng lớp khá giả về kinh tế.
Không chỉ vậy, trở thành thành viên của một câu lạc bộ golf độc quyền hoặc đắt tiền đi kèm với một địa vị xã hội cao hơn. Một số nơi thậm chí chỉ dành cho những người được mời, có mối quan hệ thân thiết với giới thượng lưu.
Thành viên của các câu lạc bộ chơi thường là doanh nhân, những người làm việc trong lĩnh vực tài chính, nhà đầu tư, CEO, chính trị gia, người nổi tiếng.
Nhiều cá nhân giàu có chơi golf không phải vì yêu thích môn thể thao này mà chỉ muốn kết nối, giao lưu, mở ra cơ hội hợp tác làm ăn với những người giàu có khác.
Golf cần kỹ năng nhiều hơn là thể lực
Golf là bài kiểm tra về cảm giác và kỹ năng nhiều hơn là thể lực, vì vậy người chơi vẫn có thể đạt được phong độ tốt nhất ở độ tuổi 50-60.
Độ tuổi trung bình của một golfer ở Mỹ là 54. Một số người chơi PGA Tour đã tiếp tục thi đấu cho đến cuối tuổi 40 và thậm chí là đầu tuổi 50. Tay golf chuyên nghiệp Fred Couples tiếp tục thể hiện tốt khi bước sang tuổi 50. Darren Clarke đã giành chức vô địch giải mở rộng năm 2011 ở tuổi 43.
Nhìn chung, rất ít người giàu đang ở thời kỳ sung mãn nhất về mặt thể chất. Độ tuổi trung bình của các triệu phú Mỹ là 62 và thế giới là 57.
Chính vì vậy, xét trên độ tuổi, golf đem lại nhiều lợi thế cho người giàu hơn các môn đòi hỏi sức mạnh như bóng đá, bóng chày, bóng bầu dục, tenis, trượt tuyết... "Tinh thần chính là thứ làm hỏng nhiều cú đánh hơn thể lực", Tommy Bolt từng đúc kết kinh nghiệm sau nhiều năm chơi golf chuyên nghiệp.
Golf tạo cho người chơi sự cạnh tranh và thách thức
Trong golf, lợi thế cạnh tranh thường là kỹ thuật và kinh nghiệm thay vì sức mạnh thể chất. Đồng thời, môn thể thao này còn thách thức cả về mặt chiến lược lẫn cảm xúc. Những điều này khiến người giàu cảm thấy mình có lợi thế hơn trong cuộc chơi.
Vẻ đẹp của golf nằm ở chỗ mọi người thi đấu với chính mình. Nó hoàn toàn phản ánh cách người giàu suy nghĩ và tiếp cận trong kinh doanh như tay golf chuyên nghiệp Percey Boomer từng nói: "Nếu muốn che giấu tính cách của mình thì đừng bao giờ chơi golf".
Ngoài ra, người giàu có xu hướng siêu cạnh tranh và họ ghét thua cuộc. Golf còn là một môn mang tính cá nhân nhiều hơn. Người giàu thường có lịch trình bận rộn, nhưng với golf, họ không cần phối hợp với bạn bè và có thể chủ động về thời gian luyện tập.
Những dự án, hợp đồng, thỏa thuận được ký kết… tại sân Golf
Tuy nhiên, nhiều cá nhân chơi golf không chỉ vì đam mê thể thao mà để có cơ hội kết nối và giao lưu với những người giàu có khác. Càng tham gia vào nhiều mạng lưới quan hệ thì họ càng có nhiều cơ hội hợp tác, tiến tới những giao dịch kinh doanh.
Khi mọi người dành thời gian chơi golf cùng nhau, cùng bàn bạc về các chiến thuật, chúc mừng những cú swing đẹp mắt, họ trở nên thân thiện với nhau hơn. Điều này giúp cả hai bên cùng tìm ra một thỏa thuận, giải quyết những khác biệt về quan điểm và phát triển một kế hoạch thành công.
Có khoảng thời gian thư giãn và an toàn
Sân golf còn là nơi để thư giãn. Đó là những khu đất rộng, trải dài như một ốc đảo xanh, không khí trong lành, tránh xa sự hối hả và nhộn nhịp của thành phố.
Không giống như đi xe đạp và trượt tuyết (các môn thể thao được người giàu yêu thích sau golf), xác suất bị thương khi chơi golf là cực kỳ thấp.
Tạo các giải đấu từ thiện giúp đỡ cộng đồng
Ngoài mục đích thể thao, kết nối giao lưu, kinh doanh phát triển kinh tế giữa các doanh nhân, doanh nghiệp,... hàng loạt các giải đấu thường niên được các câu lạc bộ golf tổ chức nhằm giải còn hướng đến mục đích thiện nguyện, chăm lo và chia sẻ với cộng đồng.