Xã hội

'Nóng' sáp nhập các bộ; có nơi thưởng Tết gây choáng

Duy Phạm 15/12/2024 - 07:37

Bổ sung dự toán chi cải cách tiền lương cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; chi tiết phương án sắp xếp bộ máy Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và đầu tư; thông tin mới về phương án sắp xếp ở Bộ Công Thương; doanh nghiệp FDI ‘xù’ tiền tỷ nợ thuế rồi bỏ về nước; doanh nghiệp ở Bình Dương thưởng Tết cao nhất gần 400 triệu đồng/người; doanh nghiệp ở Đắk Lắk thưởng Tết thấp nhất 200.000 đồng... là những thông tin đáng chú ý trong tuần qua.

Bổ sung dự toán chi cải cách tiền lương cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết của Quốc hội về Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Cụ thể, Quốc hội đồng ý bổ sung 55.000 tỷ đồng (nguồn tích lũy cải cách tiền lương) vào dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó Quốc hội cho phép bổ sung dự toán chi cải cách tiền lương cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an như tờ trình của Chính phủ.

Số còn lại trong phạm vi nguồn 55.000 tỷ đồng (sau khi đã bổ sung cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) và 2.980 tỷ đồng trong cân đối ngân sách nhà nước đã được thông qua trước đó, được bổ sung dự toán chi cải cách tiền lương cho các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương.

'Nóng' sáp nhập các bộ; có nơi thưởng Tết gây choáng ảnh 1
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua dự án luật, nghị quyết tại kỳ họp thứ 8.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ khẩn trương thực hiện phân bổ nhiệm vụ chi này cho các bộ, ngành, địa phương, bảo đảm tính kịp thời.

Nghị quyết cũng nêu rõ, Chính phủ chịu trách nhiệm về nội dung đề xuất bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật, tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo; đồng thời khẩn trương tổ chức thực hiện, bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả ngân sách nhà nước.

Chi tiết phương án sắp xếp bộ máy Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và đầu tư

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, tổng số đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) và Bộ Tài chính trước khi sắp xếp là 56 đầu mối (mỗi bộ 28 đầu mối), gồm 47 đầu mối hành chính (6 tổng cục, 14 cục, 27 vụ, văn phòng, thanh tra), 9 đơn vị sự nghiệp công lập.

Sau khi sắp xếp lại hai bộ thành bộ mới sẽ có 35 đầu mối, trong đó có 34 đầu mối được sắp xếp từ hợp nhất 2 bộ (17 cục, 13 vụ, văn phòng, thanh tra, 4 đơn vị sự nghiệp công lập) và thêm 1 đầu mối là đơn vị sự nghiệp công lập do sáp nhập Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

'Nóng' sáp nhập các bộ; có nơi thưởng Tết gây choáng ảnh 2
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: VGP.

Đối với 9 đơn vị sự nghiệp công lập ngoài cơ cấu tổ chức của các bộ, trước mắt giữ nguyên như hiện nay, sau đó sẽ sắp xếp theo chỉ tiêu chung, chỉ giữ lại các đơn vị thuộc bộ, ngành phục vụ nhiệm vụ chính trị ở các đơn vị đầu ngành gắn với chức năng, nhiệm vụ của bộ, đáp ứng đầy đủ tiêu chí điều kiện thành lập theo quy định, phù hợp với quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực, chuyển đổi thành công ty cổ phần khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Bộ mới cũng sẽ rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong của các đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo tiêu chí thành lập tổ chức theo quy định của Chính phủ và yêu cầu tinh gọn bộ máy.

Đối với các cơ sở giáo dục đại học, sắp xếp theo quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục, đào tạo, gắn với nâng cao mức độ tự chủ tài chính phù hợp với lộ trình tính đủ giá dịch vụ công theo ngành, lĩnh vực.

Thông tin mới về phương án sắp xếp ở Bộ Công Thương

Ngày 12/12, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết Nghị quyết 18 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Thực hiện Nghị quyết 18, Bộ Công Thương đã họp hai lần thảo luận và thống nhất dự thảo tổng kết Nghị Quyết 18 và phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của bộ.

Về phương án dự kiến sắp xếp tổ chức bộ máy, Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian tới sẽ kết thúc hoạt động của các Ban Cán sự đảng, lập Đảng bộ Bộ Công Thương trực thuộc Đảng bộ Chính phủ theo yêu cầu và kế hoạch của Bộ Chính trị.

Kết thúc hoạt động của Văn phòng Ban Cán sự Đảng, chuyển nhiệm vụ về Đảng bộ Bộ Công Thương; sắp xếp, kiện toàn cơ cấu, tổ chức các bộ phận thuộc Đảng bộ Bộ Công Thương theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.

'Nóng' sáp nhập các bộ; có nơi thưởng Tết gây choáng ảnh 3
Bộ Công Thương họp tổng kết Nghị quyết 18 vào ngày 12/12. Ảnh: Cấn Dũng.

Bộ Công Thương kết thúc mô hình tổ chức Tổng cục Quản lý thị trường; thành lập Cục Quản lý giám sát thị trường nội địa trên cơ sở chức năng nhiệm vụ và tổ chức bộ máy cơ quan Tổng cục Quản lý thị trường và Vụ Thị trường trong nước; chuyển 63 Cục Quản lý thị trường ở địa phương về UBND các tỉnh, thành phố và kiến nghị mô hình Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương.

Hợp nhất Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo và Cục Điều tiết điện lực, tên đơn vị mới sau sắp xếp dự kiến là Cục Điện lực.

Hợp nhất Cục Công Thương địa phương, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Vụ Khoa học và Công nghệ. Tên cục mới sau sắp xếp dự kiến là Cục Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.

Đổi tên Vụ Kế hoạch - Tài chính thành Vụ Kế hoạch, Tài chính và Quản lý doanh nghiệp. Chuyển chức năng tổng hợp tình hình phát triển công nghiệp và thương mại địa phương của Cục Công Thương địa phương về Vụ Kế hoạch, Tài chính và Quản lý doanh nghiệp.

Chuyển chức năng quản lý nhà nước đối với lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, cụm công nghiệp của Cục Công Thương địa phương về Cục Công nghiệp.

Đối với các đơn vị khác thuộc bộ sẽ được tiếp tục nghiên cứu, sắp xếp, đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, giảm các tổ chức bên trong.

Doanh nghiệp FDI ‘xù’ tiền tỷ nợ thuế rồi bỏ về nước

Thông tin từ Cục Hải quan Đồng Nai cho biết, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn đang bỏ trốn, để lại những khoản nợ thuế khá lớn. Điển hình, Công ty TNHH Shin Kwang Việt Nam do ông Park Jongmin làm đại diện theo pháp luật, hoạt động hơn 20 năm tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, gia công phủ màng PU da giày.

Tuy nhiên, mới đây doanh nghiệp này đã ngừng hoạt động; chủ doanh nghiệp người Hàn Quốc đã khăn gói về nước để lại khoản nợ thuế khoảng 12 tỷ đồng, thuộc diện khó thu hồi. Được biết, công ty này còn nợ lương của 50 công nhân với tổng số tiền hơn 300 triệu đồng và nợ bảo hiểm xã hội khoảng 2,8 tỷ đồng khiến người lao động rơi vào cảnh chật vật trong dịp cuối năm.

Nhiều doanh nghiệp FDI khác trên địa bàn Đồng Nai như: Công ty TNHH King May Craft Việt Nam (do ông Hung Wen Chuan làm đại diện pháp luật) nợ thuế 5,3 tỷ đồng; Công ty TNHH Rio Vina (nợ thuế 3,4 tỷ đồng); Công ty TNHH Nhựa Rich Way nợ 1,8 tỷ đồng; Công ty TNHH Kova Viana nợ 1,2 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Wagon Việt Nam nợ 1,3 tỷ đồng; Công ty TNHH Boseung Vina nợ 4,7 tỷ đồng…

'Nóng' sáp nhập các bộ; có nơi thưởng Tết gây choáng ảnh 4
Công ty TNHH Shin Kwang Viet Nam nợ thuế gần 12 tỷ đồng nhưng hiện không còn hoạt động.

Các doanh nghiệp này hầu hết không kinh doanh tại địa chỉ đăng ký, và thế chấp tài sản tại ngân hàng. Do đó, khi doanh nghiệp khó khăn trong hoạt động, phía ngân hàng lập tức thu hồi tài sản.

Để thu hồi nợ thuế, Cục Hải quan Đồng Nai cho biết, các Chi cục Hải quan trên địa bàn đang theo dõi trả lời của cơ quan công an và văn phòng đăng ký đất đai để thực hiện 2 bước cưỡng chế còn lại là kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên để trích thu hồi thuế.

Tính đến tháng 11, số nợ thuế quá hạn và quá hạn cưỡng chế của các doanh nghiệp do Cục Hải quan Đồng Nai quản lý lên tới khoảng 100 tỷ đồng.

Tại Bình Dương, hiện có nhiều doanh nghiệp FDI nợ thuế như Công ty TNHH B&M Vina nợ gần 3 tỷ đồng, Công ty TNHH Beautec Vina nợ 5,6 tỷ đồng, Công ty TNHH Yong Cheon Việt Nam nợ thuế 4,3 tỷ đồng; Công ty TNHH Ever Huge nợ thuế gần 7 tỷ đồng…Thống kê của Cục Hải quan Bình Dương, tính đến đầu tháng 12, số nợ thuế của các doanh nghiệp trên địa bàn khoảng 244 tỷ đồng.

Nhiều dự án 'chết yểu' trong khu kinh tế Hà Tĩnh, chủ tịch tỉnh chỉ rõ trách nhiệm

Theo thông tin ông Võ Trọng Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đưa ra tại kỳ họp 23 - HĐND tỉnh Hà Tĩnh, ngày 13/12, trong năm nay, Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư của 22 dự án với vốn 25.000 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 1.550 dự án với quy mô 530.000 tỷ đồng. Tuy vậy, việc xử lý các dự án chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, tồn đọng, vướng mắc, chưa được xử lý dứt điểm.

Qua rà soát, toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có hơn 310 dự án còn tồn đọng, vướng mắc qua nhiều thời kỳ, trong đó nhiều nhất ở các dự án tại Khu kinh tế. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phân ra 3 lĩnh vực để kiểm tra, xử lý.

“Đây là trách nhiệm trực tiếp của Khu kinh tế tỉnh khi chưa thực sự vào cuộc quyết liệt, xử lý chưa đạt yêu cầu. Thời gian tới cần tập trung đầu tư, cần kêu gọi các dự án lớn, các đơn vị, ngành liên quan phải làm rõ, nêu cao trách nhiệm trong xử lý dứt điểm, thu hồi ngay các dự án chậm tiến độ kéo dài”, ông Võ Trọng Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo.

'Nóng' sáp nhập các bộ; có nơi thưởng Tết gây choáng ảnh 5
Hà Tĩnh còn hơn 310 dự án tồn đọng, vướng mắc.

Tại kỳ họp, người đứng đầu chính quyền Hà Tĩnh cũng chỉ ra các tồn tại, vướng mắc chưa xử lý dứt điểm tại dự án Khu công nghiệp Hoành Sơn, Khu công nghiệp Phú Vinh và Mỏ sắt Thạch Khê. Ông Võ Trọng Hải cho biết Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất văn bản cần thiết nhằm tháo gỡ các vướng mắc, sớm kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các khu vực này.

Ngoài ra, việc cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân dù đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn còn chậm, nhiều tồn đọng. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu ngành liên quan tập trung giải quyết để tránh được tình trạng khiếu kiện, khiếu nại của nhân dân.

Doanh nghiệp ở Bình Dương thưởng Tết cao nhất gần 400 triệu đồng/người

Ngày 14/12, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương thông tin qua công tác rà soát tổng hợp tình hình tiền lương, tiền thưởng và quan hệ lao động từ các địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn, đến thời điểm hiện tại có 1.771 doanh nghiệp báo cáo kế hoạch thưởng Tết, trong số này có 1.676 doanh nghiệp đã có kế hoạch thưởng Tết và 95 doanh nghiệp chưa có dự kiến mức thưởng Tết.

Theo đó, dự kiến mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất là 368 triệu đồng/người thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Dự kiến mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất là 375 triệu đồng/người, cũng thuộc về doanh nghiệp FDI.

'Nóng' sáp nhập các bộ; có nơi thưởng Tết gây choáng ảnh 6
Lãnh đạo Công ty giấy Chánh Dương - Bình Dương lì xì cho người lao động dịp Tết năm 2024. Ảnh tư liệu.

Dự kiến, mức thưởng Tết Nguyên đán năm 2025 bình quân là 8,77 triệu đồng/người; thấp nhất là 4,960 triệu đồng/người (đối với người lao động làm từ đủ 12 tháng).

Bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương - cho biết, theo kế hoạch, dự kiến tổng kinh phí thực hiện chăm lo cho đoàn viên, người lao động trong dịp Tết Nguyên đán năm 2025 khoảng 272,4 tỷ đồng.

Doanh nghiệp ở Đắk Lắk thưởng Tết thấp nhất 200.000 đồng

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk đã có báo cáo kết quả khảo sát, nắm tình hình tiền lương, nợ lương năm 2024, kế hoạch thưởng theo kết quả sản xuất - kinh doanh và tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2025.

Trước đó, sở đã triển khai khảo sát 500 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Kết quả có 118 doanh nghiệp gửi báo cáo.

'Nóng' sáp nhập các bộ; có nơi thưởng Tết gây choáng ảnh 7
Nhiều doanh nghiệp dự kiến thưởng Tết cho người lao động.

Theo đó, mức tiền lương bình quân năm 2024 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk 8,95 triệu đồng/người/tháng.

Mức lương cao nhất 104,95 triệu đồng/người/tháng, thấp nhất 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Có 93/118 doanh nghiệp dự kiến thưởng Tết Nguyên đán năm 2025 cho trên 13.000 lao động.

Mức thưởng bình quân 6,13 triệu đồng/người, cao nhất 94 triệu đồng, thấp nhất 200 nghìn đồng.

Doanh nghiệp ở Bình Dương thưởng Tết cao nhất 375 triệu đồng

Shark Phú nêu quan điểm về việc nhân sự nghỉ việc ngay sau khi nhận thưởng Tết: Chỉ là ‘giọt nước tràn ly’!

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/nong-sap-nhap-cac-bo-co-noi-thuong-tet-gay-choang-post1700754.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    'Nóng' sáp nhập các bộ; có nơi thưởng Tết gây choáng
    POWERED BY ONECMS & INTECH