Chứng khoán

Vì sao hãng xe điện Trung Quốc bán chạy thứ 3 thế giới chưa dám đặt mục tiêu doanh số 1.000 chiếc tại Việt Nam?

Hải Băng 24/09/2024 - 11:53

Hãng xe điện AION xuất xưởng 480.000 chiếc trong năm 2023 và mục tiêu bán được 4,75 triệu chiếc vào năm 2030. Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, hãng đang có những bước đi thận trọng và chưa nghĩ đến mục tiêu doanh số lên đến hàng nghìn xe ở thời điểm hiện tại.

Thương hiệu xe điện AION mới đây đã thông báo chính thức ra mắt thị trường Việt Nam thông qua Nhà phân phối Harmony. Xe sẽ được nhập khẩu từ Trung Quốc và phân phối chính thức trong tháng 10/2024. Hai mẫu đầu tiên được mở bán là Y Plus và ES, còn mẫu Hyptec HT sẽ ra mắt vào cuối năm. Xe sẽ được tặng kèm 2 bộ sạc khi bán ra.

AION thành lập vào năm 2017, là hãng xe điện thuộc tập đoàn GAC - Tập đoàn Ô tô Quảng Châu (Trung Quốc). AION cũng là startup xe điện có giá trị nhất tại Trung Quốc khi thành công gọi vốn series A lên tới 2,5 tỷ USD vào năm 2022 tại thị trường này.

Harmony Việt Nam trực thuộc tập đoàn Harmony Group, được biết đến là nhà phân phối và đại lý lớn nhất của BYD trên thế giới. Tại Đông Nam Á, Harmony Group là nhà phân phối chính hãng của AION, đó cũng là lý do đơn vị này sở hữu quyền phân phối AION tại Việt Nam.

Vì sao hãng xe điện Trung Quốc bán chạy thứ 3 thế giới chưa dám đặt mục tiêu doanh số hàng nghìn chiếc tại Việt Nam?
Xe điện AION Y Plus sắp ra mắt tại Việt Nam

Năm 2023, AION xuất xưởng hơn 480.000 xe điện, chiếm 5,2% thị phần toàn cầu và nằm trong Top 3 doanh nghiệp hàng đầu (xếp sau BYD và Tesla). Tuy nhiên, thương hiệu này dự kiến sẽ đối mặt không ít khó khăn khi bước chân vào thị trường Việt Nam.

Những "bài toán khó" AION cần giải quyết

Mới đây, trong chuyến công tác tại Quảng Châu – nơi đặt nhà máy và trụ sở chính của AION, ông Lê Minh Tiến – Tổng giám đốc AION Vietnam cho biết, dù phân phối thương hiệu bán chạy thứ 3 thế giới, doanh nghiệp cần có những bước đi thận trọng và chuẩn bị một cách kỹ càng.

Vì sao hãng xe điện Trung Quốc bán chạy thứ 3 thế giới chưa dám đặt mục tiêu doanh số hàng nghìn chiếc tại Việt Nam?
Ông Lê Minh Tiến – Tổng giám đốc AION Vietnam

Đầu tiên là về mặt thương hiệu và tâm lý người tiêu dùng. So với những cái tên như BYD, MG, Chery, Wuling, Hongqi… AION dường như vẫn quá xa lạ đối với người tiêu dùng Việt. Bên cạnh đó, tâm lý chưa thực sự tin dùng xe điện Trung Quốc của khách hàng Việt Nam cũng là “rào cản” để AION chiếm thị phần hay có những tham vọng về doanh số.

Thứ hai, giá bán khó có thể rẻ vì xe được nhập khẩu từ Trung Quốc, phải chịu các khoản thuế, khó cạnh tranh với xe sản xuất, lắp ráp nội địa hay được nhập từ các quốc gia ASEAN.

Thứ ba, hệ thống trạm sạc vừa thiếu vừa không chủ động. AION đưa ra giải pháp tương đồng với "đồng hương" là BYD đã hiện diện tại Việt Nam, bao gồm: cung cấp sạc tại nhà; sạc tại showroom và từ các đơn vị cung cấp trạm sạc độc lập. Tuy nhiên, điều này gặp trở ngại lớn khi người dùng Việt Nam không phải ai cũng có nhà riêng hay nhà mặt đất để sạc tại nhà. Các showroom chưa phủ rộng, các bên cung cấp trạm sạc cũng đang loay hoay chưa biết cung cấp dịch vụ trạm sạc kiểu gì khi chưa có bất cứ quy định cụ thể nào trong lĩnh vực này.

“Hiện chúng tôi cũng đã liên hệ với các bên cung cấp trạm sạc độc lập tại Việt Nam. Với 10 thương hiệu trạm sạc mà trên toàn lãnh thổ Việt Nam chỉ có 150 điểm sạc, thì số lượng đó quá ít. Những thương hiệu này có muốn mở thêm trạm sạc cũng khó vì chưa có quy định chi tiết về địa điểm, diện tích, an toàn cháy nổ khi lắp trạm sạc. Bản thân họ cũng chưa biết áp giá điện của trạm sạc theo phương án nào: giá điện sản xuất, kinh doanh hay giá điện riêng cho trạm sạc” - Tổng giám đốc AION Vietnam phân tích.

Để so sánh, CTCP Phát triển Trạm sạc Toàn cầu V-GREEN do tỷ phú Phạm Nhật Vượng sáng lập đang đầu tư 10.000 tỷ đồng để thực hiện chiến lược phủ sóng 150.000 cổng sạc trên toàn quốc. Các trạm sạc này sẽ phục vụ chủ sở hữu ô tô và xe máy điện VinFast, chưa rõ sau đó có cho phép các thương hiệu khác sử dụng hay không.

>> Trạm sạc nhượng quyền sẽ giúp tỷ phú Phạm Nhật Vượng kiếm bộn tiền, giống Elon Musk đang 'ngồi không' thu 5 tỷ USD/năm?

"Chưa nghĩ đến mục tiêu doanh số đến hàng nghìn xe ở thời điểm này"

Vì sao hãng xe điện Trung Quốc bán chạy thứ 3 thế giới chưa dám đặt mục tiêu doanh số hàng nghìn chiếc tại Việt Nam?
AION vẫn đang thận trọng thăm dò thị trường Việt Nam

AION đã xây dựng showroom tại TP.HCM và trưng bày sản phẩm kể từ tháng 5, đồng thời thông báo tuyển hệ thống đại lý. Tuy nhiên, mãi đến giữa tháng 9 vừa qua, hãng mới chính thức tuyên bố ra mắt thị trường Việt Nam. Ba mẫu xe điện đầu tiên được giới thiệu gồm sedan điện AION ES, crossover điện AION Y Plus và một mẫu SUV hiệu suất cao Hyptec HT, nhưng giá bán của các mẫu xe này vẫn chưa được công bố. Hãng đang tính toán và nghe ngóng phản ứng từ thị trường.

Ông Lê Minh Tiến cho biết: “AION đặt mục tiêu xây dựng 10 đại lý trong năm 2024, 30 đại lý vào năm 2025 và nâng lên thành 50 đại lý vào năm 2026. Dù vậy, chúng tôi chưa nghĩ đến mục tiêu doanh số lên đến hàng nghìn xe ở thời điểm hiện tại”.

Trên toàn cầu, hãng đã liên tục mở rộng ra các thị trường như Thái Lan, Indonesia, Philippines và Hồng Kông trong thời gian qua, đồng thời đặt mục tiêu bán được 4,75 triệu xe vào năm 2030.

>> Nhà phân phối xe Wuling Mini EV bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đề xuất phát triển nhóm ngành, VinFast cam kết bao tiêu toàn bộ hoặc một phần linh kiện

VinFast bàn giao 13.172 xe điện, mang về doanh thu 357 triệu USD trong quý II/2024

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vi-sao-hang-xe-dien-trung-quoc-ban-chay-thu-3-the-gioi-chua-dam-dat-muc-tieu-doanh-so-1000-chiec-tai-viet-nam-250157.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Vì sao hãng xe điện Trung Quốc bán chạy thứ 3 thế giới chưa dám đặt mục tiêu doanh số 1.000 chiếc tại Việt Nam?
    POWERED BY ONECMS & INTECH