Vì sao sức mua 1 đô la Mỹ ở Việt Nam lớn gấp 3 lần tại Mỹ?
Nền kinh tế Việt Nam với GDP Sức mua lớn gấp 3 lần GDP Danh nghĩa có thể là căn cứ tổng quát giải thích, vì sao Việt Nam chưa thoát ra được bẫy thu nhập trung bình.
Trong các văn kiện chính thức của Việt Nam lâu nay chỉ thấy công bố về chỉ số GDP Danh nghĩa (Nominal Gross Domestic Product), tuyệt nhiên không thấy có công bố về chỉ số GDP Sức mua tương đương (Purchasing Power Parity, viết tắt là PPP).
Trong khi đó, trong bảng xếp hạng GDP toàn cầu hàng năm của Quỹ tiền tệ thế giới và Ngân hàng thế giới đều công bố đồng thời cả GDP Danh nghĩa và GDP Sức mua tương đương. Trong đó, chỉ số GDP Danh nghĩa thường tương đồng với công bố của Việt Nam, còn GDP Sức mua tương đương có thể do các tổ chức trên tự tính ra.
Tính toán của họ về chỉ số này là duy nhất, không có lựa chọn nào khác dù không rõ độ chính xác như thế nào.
GDP Danh nghĩa là chỉ tiêu pháp lệnh và là chỉ số không thể thiếu vắng trong các văn kiện chính thống của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Nền kinh tế Việt Nam hiện nằm ở top nào trong xếp hạng toàn cầu? Theo GDP Danh nghĩa, năm 2023 Việt Nam đứng thứ 34 trong bảng xếp hạng; Theo GDP Sức mua tương đương từ năm 2022, vị trí của Việt Nam đã là 24, trên cả Hà Lan, Argentina...
Như vậy, Việt Nam đã lọt top 20 nền kinh tế thế giới theo sức mua tương đương. Đây rõ ràng là một tin vui đối với nền kinh tế chuyển đổi của Việt Nam bởi không có nhiều quốc gia như Việt Nam khi hệ số giữa GDP Sức mua/GDP Danh nghĩa lại lên tới con số 3. Hay nói cách khác, sức mua của 1 đô la Mỹ ở Việt Nam lớn gấp 3 lần tại Mỹ.
Nằm giữa GDP Danh nghĩa tính bằng Việt Nam đồng (VND) với GDP Danh nghĩa tính bằng USD là tỷ giá giữa VND và USD. Trên thực tiễn, tỷ giá đó trong năm 2023 là trên dưới 24.000 đồng/USD. Từ tương quan này tính ra được GDP Việt Nam năm 2023 là từ trên 10.221 nghìn tỷ VND thành 430 tỷ USD.
Một câu hỏi đặt ra, vì sao không giảm tỷ giá hiện nay xuống 20 nghìn VND/USD hoặc thấp hơn nữa để Việt Nam có GDP tính bằng USD không phải là 430 tỷ USD mà cao hơn, ví dụ 500-600 tỷ USD.
Tuy nhiên, việc giảm tỷ giá theo ý chí chủ quan như vậy không có tác dụng. Một vài quốc gia đã phát hành đồng đô la của mình với tỷ giá ngang với đồng USD (1 đổi 1). Nhưng rồi sự ngang giá này đã không thể đứng vững do sức mua của GDP được quyết định bởi những yếu tố tổng thể của nền kinh tế chứ không phải chỉ của riêng tiền tệ, khiến quan hệ 1 đổi 1 đã chuyển thành 1 đổi 2, 1 đổi 3... đến 1 đổi 7 và rồi mất giá hơn nữa.
Nền kinh tế Việt nam với GDP Sức mua lớn gấp 3 lần GDP Danh nghĩa có thể là căn cứ tổng quát nhất giải thích rằng, vì sao Việt Nam chưa thoát ra được bẫy “thu nhập trung bình” nhưng trên đời thực lại vượt lên, đứng thứ 24 trong bảng xếp hạng toàn cầu về qui mô nền kinh tế tính theo sức mua.
Trước thực trạng này, quan điểm phê phán thì cho rằng Việt Nam giả nghèo; quan điểm thiện chí thì thấy Việt Nam quá khiêm tốn; quan điểm thiên lệch cho rằng Việt Nam chưa có nền kinh tế thị trường đúng nghĩa.
Nhưng thực ra, đây rõ ràng là một đặc sắc của Việt Nam, khiến không cần phải quảng cáo, tô vẽ mà cả thế giới đều lần lượt nhận ra để rồi kết bạn, nâng tầm tin cậy, kết tầm quan hệ ở mức “cao”, “toàn diện”, “chiến lược”.
Quỹ tiền tệ thế giới đã kiên trì hạch toán, công bố trên bảng xếp hạng toàn cầu về chỉ số GDP Sức mua tương đương của Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua. Nên chăng, Việt Nam tự hạch toán chỉ số này của mình, thậm chí tạo căn cứ vững chắc để Quỹ tiền tệ thế giới tiếp tục công việc như đã được kiên trì thực hiện từ trước tới nay.
Việc tự hạch toán và công bố chỉ số GDP Sức mua là sự bổ sung hết sức cần thiết cho chỉ số GDP Danh nghĩa, trong đó sẽ giúp chỉ rõ những hạn chế hay nêu bật đặc sắc của nền kinh tế trong giai đoạn chuyển đổi hiện nay.
>> Giá vàng sôi sục, tỷ giá USD/VND vút cao: Triển vọng đồng VND ra sao?
Đồng USD vừa có một tuần giảm mạnh
5 bí quyết để Warren Buffett tích lũy được núi tiền mặt lớn hơn cả GDP của 10 quốc gia