Vì sao Thủ tướng Đức thẳng thừng từ chối đề nghị mời Ukraine vào NATO?
Nhà lãnh đạo Đức Olaf Scholz khẳng định rằng không quốc gia nào có thể gia nhập NATO khi đang có chiến tranh.
Thủ tướng Olaf Scholz mới đây tuyên bố không thể mời Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong thời điểm hiện tại, bác bỏ yêu cầu mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra trong "Kế hoạch Chiến thắng".
Trong bài trả lời phỏng vấn Đài truyền hình ZDF của Đức hôm 24/10, Thủ tướng Scholz cho biết, điều quan trọng là phải nhận ra rằng những quốc gia đang có xung đột không thể trở thành thành viên của NATO. Ông lưu ý không có tranh cãi xung quanh vấn đề này. Tuyên bố của Thủ tướng Đức ghi nhận lần đầu tiên một lãnh đạo quốc gia thành viên NATO đã công khai lên tiếng chỉ trích Kế hoạch chiến thắng của Tổng thống Ukraine.
Thủ tướng Scholz lưu ý thêm rằng các lãnh đạo NATO từng đề cập tư cách thành viên của Ukraine trong tương lai xa tại các hội nghị thượng đỉnh năm ngoái và năm nay. Tuy nhiên, ông cho rằng hiện tại không cần đưa ra bất kỳ quyết định mới nào.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Scholz tái khẳng định lập trường rằng không thể để xung đột Nga - Ukraine leo thang thành cuộc chiến trực tiếp giữa NATO và Moscow. Nhà lãnh đạo Đức cũng nhắc lại quan điểm phản đối việc cung cấp tên lửa hành trình tầm xa Taurus cho Ukraine.
Bình luận của ông Scholz được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gần đây tăng sức ép, hối thúc đồng minh phương Tây hỗ trợ Kiev trong cuộc xung đột với Moscow.
Ông Zelensky hồi đầu tháng này đã công bố "Kế hoạch chiến thắng", với một trong 5 đề xuất chính là Ukraine phải "được mời gia nhập NATO ngay lập tức".
Trong kế hoạch này, Tổng thống Ukraine cũng kêu gọi dỡ bỏ hạn chế về vũ khí tầm xa mà phương Tây viện trợ. Trước đó, nhà lãnh đạo Ukraine đã thông báo “Kế hoạch chiến thắng” với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại cuộc gặp ở Nhà Trắng hồi tháng 9.
Trên thực tế, Ukraine chưa thể ngay lập tức trở thành thành viên của NATO nếu nhận được lời mời, song quyết định này sẽ gửi một thông điệp rõ ràng từ phương Tây trong việc hỗ trợ Ukraine đối phó Nga. Tuy nhiên, Thủ tướng Scholz nói với đài ZDF rằng ông lo ngại hậu quả từ việc chấp nhận yêu cầu của Tổng thống Ukraine.
"Cuộc chiến ở Ukraine trở thành quân bài chính trị"?
Theo thông tin từ The Telegraph, các đồng minh NATO có thể không hài lòng với những bình luận thẳng thắn của Thủ tướng Scholz khi ông bác khả năng NATO kết nạp Ukraine trong tương lai gần với lý do nước này đang có chiến tranh.
Dù Thủ tướng Scholz khẳng định rằng lập trường của ông không khác biệt so với lãnh đạo các nước thành viên NATO khác, nhưng một nguồn tin từ NATO lại cho rằng những tuyên bố của nhà lãnh đạo Đức trong cuộc phỏng vấn đài ZDF không hữu ích, và dường như cuộc chiến Ukraine đang được xem như một “quân bài chính trị” để giúp ông tái đắc cử trong cuộc bầu cử vào năm sau.
“Điều này là sai lầm… nhiều đồng minh nhận thức rõ về sự cần thiết của tư cách thành viên NATO như một biện pháp răn đe thực sự trước những hành động phiêu lưu của Nga. Hầu hết các đồng minh NATO đều nhận thức rất rõ về vấn đề này” - nguồn tin từ NATO cho biết.
Ông Scholz hiện đang phải đối mặt với áp lực mạnh mẽ ở trong nước để thuyết phục các cử tri Đức, những người ngày càng mệt mỏi với cuộc chiến ở Ukraine, trong khi đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) đang chiếm ưu thế tại khu vực Đông Đức trước đây.
Chuyên gia về quốc phòng và chính trị Đức tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, ông Rafael Loss, nói rằng ông Scholz có thể đang cố gắng tạo dựng hình ảnh của mình như một nhà lãnh đạo “thận trọng” trước cuộc bầu cử liên bang vào năm tới, khi ám chỉ từ “besonnen” (trong tiếng Đức nghĩa là sự cẩn trọng và sáng suốt).
“Đó là cách tiếp cận mà Văn phòng Thủ tướng Đức thực hiện kể từ khi xảy ra cuộc xung đột Nga-Ukraine và đảng Dân chủ xã hội (SPD) của ông Scholz theo đuổi trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6 năm nay” - ông Loss cho hay.
>> Mỹ nêu lí do từ chối thay đổi quy định viện trợ tên lửa cho Ukraine
Nga phóng gần 100 tên lửa và máy bay không người lái vào Ukraine trong nhiều giờ đồng hồ
Mỹ nêu lí do từ chối thay đổi quy định viện trợ tên lửa cho Ukraine