Vì sao tiền gửi dân cư tăng trưởng chậm?

10-03-2022 11:47|Hoàng Yến

Theo các chuyên gia, việc tiền gửi dân cư giảm cũng không hoàn toàn tiêu cực bởi khi nền kinh tế bước vào trạng thái bình thường mới, người dân có xu hướng rút tiết kiệm để đầu tư kinh doanh.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2021, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đã đạt hơn 5,6 triệu tỷ đồng, tăng tới 15,73% so với cuối năm 2020. Theo đó, đây là năm đầu tiên ghi nhận tiền gửi của các doanh nghiệp vượt qua tiền gửi của dân cư. Trong năm qua, tiền gửi của người dân chỉ tăng 3,08% lên 5,3 triệu tỷ đồng. 

Trước đó, cuối năm 2020, tiền gửi của người dân đạt 5,1 tỷ đồng, cao hơn so với doanh nghiệp (chỉ đạt hơn 4,87 tỷ đồng). 

Đại dịch COVID-19 đã khiến cho tiền gửi dân cư tăng thấp kỷ lục, trong khi đó các doanh nghiệp lại ưa chuộng gửi tiền vào ngân hàng. 

Theo SSI Research, điều này phản ánh thực tế môi trường lãi suất thấp được duy trì trong 2 năm qua đã khiến cho nhu cầu gửi tiền tiết kiệm từ khu vực dân cư giảm mạnh.

Trái lại, doanh nghiệp lại ngày càng gửi nhiều tiền vào ngân hàng do dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến họ ngại ngần trong việc mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc gửi lượng lớn tiền mặt vào ngân hàng cũng giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, đồng thời chờ khi nền kinh tế phục hồi để tận dụng cơ hội bứt phá.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, dòng tiền cũng đang được đổ vào các kênh đầu tư khác như chứng khoán hay bất động sản, kéo dòng tiền gửi ngân hàng ít đi.

Năm 2021, có tới hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán được nhà đầu tư trong nước mở mới, bằng 4 năm trước cộng lại và vẫn đang tăng với tốc độ vũ bão. Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2021, số tài khoản mở mới đã đạt hơn 405 nghìn tài khoản, lớn hơn cả năm 2020 (hơn 393 nghìn tài khoản). Tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước hiện đạt hơn 4,7 triệu, tương đương với khoảng 4,8% dân số.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Thống đốc NHNN chi nhánh TP. HCM, trong cơ cấu tiền gửi của các ngân hàng hiện nay gồm: tiền gửi của tổ chức kinh tế, tiền gửi của dân cư và phát hành giấy tờ có giá. Trong đó, tiền gửi thanh toán cá nhân có xu hướng gia tăng nhanh do người dân thanh toán nhiều qua ngân hàng để phòng tránh dịch bệnh COVID-19.

Số liệu thống kê của NHNN Việt Nam cho thấy, tính đến quý III/2021 tổng số dư tiền gửi thanh toán của cá nhân tại các tổ chức tín dụng vào khoảng 794.241 tỷ đồng với 110.920 tài khoản.

Tiền gửi nằm trong tài khoản thanh toán của cá nhân là các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn, được các cá nhân mở tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng, như dịch vụ thẻ, dịch vụ thanh toán bằng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ngoài thẻ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tiền gửi dân cư giảm cũng không hoàn toàn tiêu cực bởi khi nền kinh tế bước vào trạng thái bình thường mới, hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi, người dân sẽ có xu hướng rút tiết kiệm để đầu tư kinh doanh.

Từ 20/11, ngân hàng cấm khuyến mại dưới mọi hình thức cho người gửi tiền

Người dân gửi ngân hàng gần 7 triệu tỷ đồng

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vi-sao-tien-gui-dan-cu-tang-truong-cham-132340.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Vì sao tiền gửi dân cư tăng trưởng chậm?
    POWERED BY ONECMS & INTECH