Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng nhưng chất lượng chưa vàng nên khó thoát bẫy “kỹ năng thấp, việc tồi, lương bèo bọt". Chúng ta cần phải làm gì để vượt qua nghịch cảnh?
Giấc mơ "việc tốt, lương cao" trở nên xa vời với số đông người lao động, nhất là khi cả làn sóng tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và quy luật đàn sếu bay đang cùng ập đến.
Sau hơn ba thập kỷ đổi mới, Việt Nam đạt được những thành tựu đáng ngưỡng mộ, là ngôi sao đang lên được các nhà đầu tư nước ngoài đặt nhiều kỳ vọng. Mô hình phát triển theo chiều rộng với nền sản xuất gia công thâm dụng lao động giúp giải quyết bài toán việc làm cho số đông lao động phổ thông đưa Việt Nam thoát nhóm nước kém phát triển, gia nhập nhóm nước thu nhập trung bình thấp.
Tuy vậy, Việt Nam duy trì mô hình này quá lâu, chưa có sự chuẩn bị tốt về nhân lực kỹ năng và năng lực khoa học công nghệ (KH&CN) để chuyển đổi sang mô hình phát triển theo chiều sâu tiến tới trở thành nước phát triển thu nhập cao.
Giáo dục và đào tạo, KH&CN cần phải đi trước một bước để "vàng hóa" lực lượng lao động, xây dựng năng lực KH&CN. Tiếc là chúng ta đã chậm và chưa có sự chú trọng đúng mức cho KH&CN. Giáo dục và đào tạo, đặc biệt là giáo dục đại học và giáo dục nghề cũng như KH&CN được đầu tư quá ít quá dàn trải.
Đến năm 2023, tỷ lệ đầu tư cho R&D của Việt Nam mới chỉ đạt 0,4% GDP, trong khi nhìn sang Trung Quốc, tỷ lệ này của họ vào năm 2020 đạt 2,4% GDP. Tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục đại học của Việt Nam cũng rất thấp, chỉ đạt 0,18% GDP năm 2020, nhỉnh hơn số lẻ của Malaysia một chút vào năm 2015 với 1,13% GDP.
Thiếu chú trọng đến giáo dục và KH&CN, chúng ta đang lún sâu vào ‘bẫy’ gia công, lắp ráp ở đáy của chuỗi giá trị ở những ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện tử... Trong các ngành này, người Việt Nam chúng ta vẫn chủ yếu dùng cơ bắp để kiếm sống, hàm lượng chất xám, công nghệ ít.
Lẽ ra, chúng ta cần chuẩn bị tốt về nhân lực kỹ năng và năng lực KH&CN để chuyển đổi sang mô hình phát triển theo chiều sâu, tiến tới trở thành nước phát triển thu nhập cao.
Thực tế cho thấy tỷ lệ lao động qua đào tạo quá thấp, chỉ chiếm hơn 26% lực lượng lao động năm 2021; tỷ lệ lao động có trình độ từ đại học trở lên mới chỉ chiếm chưa đầy 12%. Số lao động chưa qua đào tạo quá lớn, chiếm hơn 73%, đặc biệt số lao động phi chính thức năm 2021 chiếm tới 68,5% tổng số lao động có việc làm, tương ứng với 33,6 triệu người, có tới hơn 61% lao động phi chính thức chỉ có trình độ tiểu học.
Nhìn sâu hơn, số lao động qua đào tạo cũng còn nhiều vấn đề bất cập về chất lượng, cơ cấu đào tạo cũng như đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động...
Thực tế này kéo theo một loạt hệ lụy tai hại đối với cả người lao động, doanh nghiệp và nền kinh tế. Những thứ dễ thấy nhất là số đông người lao động bị mắc kẹt ở bẫy “kỹ năng thấp, việc tồi, lương bèo bọt", nguy cơ mất việc ập đến bất cứ lúc nào, giấc mơ "việc tốt, lương cao" trở nên xa vời.
Số lao động có “việc tốt lương cao” ở nước ta hiện nay chỉ chiếm hơn 10%, trong khi con số này ở Singapore là hơn 60%.
Lương thấp khiến người lao động sống chật vật. Có tới 75% số người lao động khẳng định thu nhập không đủ mức chi tiêu tối thiểu theo kết quả khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.
Tình hình còn bi đát hơn ở nhóm lao động phi chính thức với 47% người lao động thuộc nhóm này có thu nhập thấp hơn lương tối thiểu vùng; thu nhập từ công việc chính của lao động phi chính thức trong năm 2021 là 4,4 triệu đồng, chỉ bằng hơn nửa thu nhập của lao động chính thức với 8,2 triệu đồng.
Cũng bởi thu nhập thấp nên người lao động không có điều kiện để nâng cao kỹ năng để có công việc tốt, lương cao, còn doanh nghiệp với số đông lao động thiếu kỹ năng thì không có điều kiện tạo ra việc làm tốt và do vậy khiến nền kinh tế rơi vào “bẫy kỹ năng thấp, công việc tồi, lương bèo bọt” và bẫy “thu nhập trung bình”. Tức là bẫy trong bẫy.
Thực tế này là một trong những nguyên nhân chính khiến năng suất lao động của Việt Nam rất thấp. Năm 2022, chúng ta đứng thứ 135/180 nước về năng suất lao động, chỉ bằng 11,4% của Singapore, 35,4% của Malaysia, 64,8% của Thái Lan. Năng suất lao động thấp khiến chúng ta không thể tăng nhanh lương tối thiểu vì nếu làm như vậy sẽ mất lợi thế cạnh tranh, khiến quy luật đàn sếu bay ập đến nhanh hơn.
Hơn nữa, lao động phổ thông giá rẻ sớm muộn cũng mất đi quyền năng của mình bởi lẽ, dù muốn hay không thì thế giới cứ vận hành theo quy luật của nó.
Việt Nam không nằm ngoài quy luật “đàn sếu bay” trong phát triển công nghiệp, cũng không nằm ngoài làn sóng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, lợi ích kinh tế, bàn tay vô hình của thị trường sẽ đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ mới, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo làm giảm sử dụng lao động phổ thông...
Kì tới: Cần có ‘vàng hóa’ lực lượng lao động
Phạm Mạnh Hùng
Cuối năm, nhiều ngành nghề tăng tốc tuyển dụng
Hàng chục nghìn lao động tại Đà Nẵng sắp nhận quà Tết đặc biệt