Việt Nam có khu rừng được tạo thành bởi hệ thống núi cao 2.500m, sở hữu hơn 4.000 cây di sản, tuổi đời lên đến 800 năm
Tại đây, có hơn 1.000 cây thiết sam với đường kính thân từ 2,5m đến 5,8m, thậm chí có những cây lớn hơn.
Khu bảo tồn loài sinh cảnh Chế Tạo - Mù Cang Chải nằm trên địa bàn các xã Chế Tạo, Nậm Khắt, Púng Luông, Lao Chải và Dế Xu Phình, cách thị trấn Mù Cang Chải, Yên Bái khoảng 10km về phía Nam. Khu bảo tồn này được bao bọc bởi hệ thống núi cao từ 1.700m đến 2.500m, tạo thành một vòng cung tự nhiên quanh xã Chế Tạo và vùng đầu nguồn sông Nậm Chải. Đây cũng là khu vực rừng phòng hộ quan trọng trong lưu vực hệ thống sông Đà.
Hệ thống khe suối dày đặc của Mù Cang Chải không chỉ góp phần điều hòa dòng chảy mà còn mang lại khí hậu mát mẻ, trong lành cho khu bảo tồn. Dù nằm trong vành đai nhiệt đới gió mùa, địa hình đặc biệt của khu vực đã tạo ra kiểu khí hậu á nhiệt đới rõ rệt, ảnh hưởng lớn đến khí quyển nơi đây.
Theo Báo Yên Bái, tháng 8/2024, Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải đã tổ chức gắn biển công nhận Cây di sản Việt Nam cho hơn 4.000 cây thiết sam Đông Bắc và cây pơ mu nằm trong diện tích Khu bảo tồn loài sinh cảnh Mù Cang Chải, rộng hơn 20.000ha. Đây là sự kiện quan trọng nhằm tôn vinh và bảo vệ các giá trị tự nhiên quý giá của khu vực này.
Tại đây, có hơn 1.000 cây thiết sam với độ tuổi từ 400 đến 800 năm, đường kính thân từ 2,5m đến 5,8m, thậm chí có những cây lớn hơn. Ngoài ra, khu vực này còn có hơn 3.000 cây pơ mu mọc tự nhiên, chủ yếu tập trung ở xã Chế Tạo. Phần lớn các cây pơ mu đều trên 100 năm tuổi, trong đó nhiều cây có đường kính vượt 2m. Đặc biệt, hơn 1.000 cây pơ mu có đường kính từ 1-1,8m, với chiều cao từ 15-20m.
Không chỉ là nơi bảo tồn các loài thực vật quý hiếm, Khu bảo tồn loài sinh cảnh Mù Cang Chải còn là môi trường sống của hệ động vật đa dạng với 221 loài thuộc 162 giống và 61 họ động vật có xương sống trên cạn. Trong đó, có 53 loài thú, 130 loài chim, 26 loài bò sát và 12 loài lưỡng cư. Đặc biệt, nơi đây là ngôi nhà của một số đàn vượn đen tuyền - loài động vật quý hiếm - cùng nhiều loài thực vật và động vật đặc biệt khác.
Hiện nay, các cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương đang nỗ lực bảo vệ nghiêm ngặt khu vực này nhằm duy trì và phát huy giá trị sinh thái độc đáo, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam.
>> Khu rừng nguyên sinh ven biển duy nhất còn lại tương đối nguyên vẹn của Việt Nam