Việt Nam đón nhà máy chế biến thịt bò mát đầu tiên, đặt tại tỉnh 'bé hạt tiêu' sát Hà Nội
Nhà máy chế biến thịt bò mát này được xây dựng theo tiêu chuẩn vệ sinh cao nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt bò chất lượng trong nước.
Tập đoàn đa ngành Sojitz của Nhật Bản vừa công bố chính thức vận hành nhà máy chế biến thịt bò mát Vinabeef, thuộc tổ hợp chăn nuôi và chế biến thịt bò Vinabeef Tam Đảo, tại huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc từ giữa tháng 12.
Đây là nhà máy chế biến thịt bò mát đầu tiên tại Việt Nam, được xây dựng theo tiêu chuẩn vệ sinh cao nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt bò chất lượng trong nước, trong bối cảnh sức mua của người dân không ngừng tăng.
Theo Sojitz, thị trường thịt tại Việt Nam hiện chủ yếu tiêu thụ thịt lợn và gà, trong khi mức tiêu thụ thịt bò chỉ đạt khoảng 500.000 tấn mỗi năm, thấp hơn một nửa so với Nhật Bản. Phần lớn thịt bò hiện nay được chế biến và bảo quản ở nhiệt độ phòng trước khi phân phối tại các chợ truyền thống. Tuy nhiên, với sự gia tăng dân số và mức thu nhập, nhu cầu tiêu thụ thịt bò chất lượng cao, được chế biến trong môi trường đảm bảo vệ sinh, được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai.
Nhà máy Vinabeef Tam Đảo dự kiến sẽ chế biến và phân phối khoảng 10.000 tấn thịt bò mỗi năm. Ngoài ra, vào tháng 3/2025, Công ty TNHH Chăn nuôi Việt Nhật (JVL) sẽ vận hành một trang trại bò gần nhà máy này, khép kín chu trình từ chăn nuôi, chế biến đến phân phối sản phẩm.
>> Tỉnh 'bé hạt tiêu' sát Hà Nội đón 140 triệu USD vốn FDI chỉ trong một ngày
Nhà máy chế biến thịt bò mát Vinabeef tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Ảnh: Sojitz |
JVL được thành lập vào ngày 27/9/2021, là liên doanh giữa Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico) - thành viên của Vinamilk, nắm giữ 51% cổ phần, và Tập đoàn Sojitz với 49% cổ phần. Trước đó, vào năm 2022, JVL đã thử nghiệm phân phối thịt bò nhập khẩu từ Nhật Bản, sau đó mở rộng bán các sản phẩm thịt bò Việt Nam chế biến tại các nhà máy đối tác thông qua hệ thống siêu thị và nhà hàng từ năm 2023.
Tháng 3/2023, Vinamilk và Sojitz chính thức khởi công tổ hợp chăn nuôi - chế biến Vinabeef Tam Đảo, đánh dấu dự án đầu tiên trong kế hoạch hợp tác nông nghiệp công nghệ cao giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản, với tổng giá trị thỏa thuận lên tới 500 triệu USD được ký kết vào cuối năm 2021. Đây là dự án nông nghiệp công nghệ cao có vốn đầu tư lớn nhất tại tỉnh Vĩnh Phúc tính đến thời điểm hiện tại.
Dự án tổ hợp Vinabeef Tam Đảo được xây dựng trên diện tích 75,6ha, bao gồm hai phân khu chính: Trang trại chăn nuôi bò thịt với sức chứa 10.000 con và nhà máy chế biến thịt bò mát có công suất 30.000 con mỗi năm, tương đương 10.000 tấn sản phẩm. Các sản phẩm từ nhà máy sẽ được phân phối tới khách sạn và nhà hàng trung, cao cấp thông qua mạng lưới của Công ty Cổ phần Đại Tân Việt - đơn vị phân phối thực phẩm hàng đầu tại Việt Nam, được Sojitz mua lại vào tháng 11/2023.
Thành lập từ năm 2004, Sojitz là tập đoàn thương mại đầu tư đa ngành, thuộc danh sách 2.000 công ty lớn nhất thế giới do Forbes bình chọn. Tập đoàn hiện sở hữu gần 400 công ty con và liên kết trên toàn cầu, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi, thực phẩm chế biến sẵn, logistics và chuỗi cửa hàng tiện lợi.
Tại Việt Nam, Sojitz không ngừng mở rộng hoạt động, với Vinabeef Tam Đảo là một minh chứng điển hình cho nỗ lực của tập đoàn trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và chế biến thực phẩm, góp phần nâng cao chất lượng thịt bò phục vụ người tiêu dùng Việt Nam.
Tỉnh Vĩnh Phúc có diện tích 1.236km2 (theo niên giám thống kê năm 2021), là tỉnh nhỏ thứ 4 cả nước. Tỉnh có 41 dân tộc anh, em sinh sống trên địa bàn, trong đó chủ yếu là các dân tộc: Kinh, Sán Dìu, Nùng, Dao, Cao Lan, Mường.
Vĩnh Phúc hiện có 9 đơn vị hành chính cấp huyện: 2 thành phố (Vĩnh Yên, Phúc Yên) và 7 huyện (Tam Dương, Tam Đảo, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên).
>> Tỉnh lớn nhất Việt Nam sắp đón thêm khu công nghiệp VSIP 3 quy mô 220ha
Đầu tư 77 tỷ USD, hơn 50% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam
FPT của ông Trương Gia Bình 'ẵm' loạt giải thưởng về công nghệ tại Chìa khoá vàng 2024