Chip 5G do Viettel phát triển được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam làm chủ hệ sinh thái 5G và là bước đà để tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn.
Tại khu vực trình diễn của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cơ sở Hòa Lạc (Hà Nội), Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel đã công bố việc phát triển thành công Chip 5G.
Đây là dòng Chip 5G DFE đầu tiên của Việt Nam thuộc hệ sinh thái sản phẩm 5G do kỹ sư Viettel làm chủ hoàn toàn về thiết kế. Theo đại diện Viettel, Chip 5G là thành phần phức tạp nhất của hệ sinh thái 5G.
Dòng Chip này đóng vai trò xử lý các thuật toán 5G DFE, điều khiển toàn bộ các hoạt động của 5G RRU (Khối thu/chuyển tín hiệu) và giao tiếp tốc độ cao với các khối xử lý 5G khác. Chip 5G DFE có mức độ phức tạp cao, với năng lực tính toán 1.000 tỷ phép tính/giây và được các đối tác uy tín như Synopsys đánh giá cao.
Thị trường thế giới hiện chưa cung cấp dòng sản phẩm Chip 5G thương mại. Việc làm chủ hoàn toàn các công đoạn thiết kế chip là bước tiến quan trọng để Việt Nam tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Đây là tiền đề để Viettel có thể sản xuất các loại Chip phục vụ nhiều lĩnh vực như AI, 6G, IoT... trong tương lai.
Từ nhiều năm trước, Viettel đã có chiến lược dần thay thế các thiết bị ngoại nhập và tiến tới sử dụng toàn bộ hệ thống mạng lõi viễn thông bằng các thiết bị tự sản xuất.
Trước khi phát triển thành công Chip 5G, Viettel cũng đã bắt tay với Qualcomm để nghiên cứu, sản xuất thành công Khối vô tuyến trạm thu phát sóng 5G đầu tiên trên thế giới sử dụng chipset ASIC theo tiêu chuẩn Open RAN.
Đây được xem là bước đột phá, mở ra cơ hội thay đổi ngành công nghiệp sản xuất thiết bị hạ tầng mạng viễn thông do có khả năng giảm giá thành, xóa bỏ sự lệ thuộc vào chipset độc quyền của các nhà sản xuất thiết bị khác trên thế giới.
Tổng Công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech) và Tổng Công ty mạng lưới Viettel (Viettel Network) cũng đã triển khai thành công hệ thống tổng đài thoại cho mạng 4G/5G (hệ thống IMS).
Hệ thống IMS là một trong những thành phần quan trọng trong lớp mạng lưới viễn thông, cung cấp dịch vụ gọi thoại với các ưu điểm hoàn toàn vượt trội so với dịch vụ thoại trên mạng 3G.
Trong đó, thời gian thiết lập cuộc gọi nhanh hơn 3 lần, chất lượng cuộc gọi đạt tiêu chuẩn HD call, giảm lượng tiêu thụ pin của thiết bị đầu cuối từ 30-50% khi thực hiện cuộc gọi.
Viettel cũng từng thành công trong việc đưa các sản phẩm thiết bị viễn thông tự phát triển như Hệ thống tính cước thời gian thực OCS; Hệ thống điều khiển băng thông tốc độ truy cập internet của thuê bao di động PCRF; Hệ thống tổng đài tin nhắn SMSC; Hệ thống tổng đài nhạc chuông chờ CRBT vào mạng lưới.
Một số sản phẩm mạng lõi Make in Viet Nam của Viettel hiện đã chiếm tỷ trọng lớn trên 50% mạng lưới của nhà mạng này như Hệ thống tổng đài chuyển mạch mềm MSC; Hệ thống chuyển mạch mạng lõi EPC; Thiết bị định tuyến Site Router; Trạm thu phát eNodeB…
Viettel hiện là doanh nghiệp duy nhất trên thế giới vừa là nhà khai thác mạng viễn thông vừa nghiên cứu sản xuất thiết bị. Nhờ những nỗ lực của nhà mạng này, Việt Nam đã trở thành quốc gia thứ 6 trên thế giới có năng lực sản xuất thiết bị mạng 5G.
Việc sử dụng các thiết bị mạng Make in Viet Nam sẽ góp phần giúp Việt Nam làm chủ công nghệ, giảm phụ thuộc vào nước ngoài và tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước.