Dự kiến vào cuối tuần này, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì họp xem xét chuyển COVID-19 xuống nhóm B để chuẩn bị công bố hết dịch.
Thông tin Việt Nam sắp công bố hết dịch Covid-19 được Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đưa ra chiều 9/5, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 15. Cùng với thông tin này, Bộ trưởng Bộ Y tế đồng thời nhắc lại quan điểm của Tổ chức Y tế Thế giới "đại dịch chưa kết thúc" dù đã chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, dự kiến cuối tuần này Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bàn thảo quyết định chuyển Covid từ nhóm A (nguy hiểm) sang nhóm B (bệnh thông thường).
Sẽ xem xét chuyển COVID-19 từ nhóm A xuống nhóm B
Bộ Y tế cùng các bộ ngành đã xây dựng hồ sơ để chuyển phân loại bệnh, rà soát quy định, biện pháp thực tiễn phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm các nước.
Nhóm A là danh mục các bệnh nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng, tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Còn nhóm B là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh, có thể gây tử vong.
Phân loại Covid từ nhóm A sang nhóm B, đồng nghĩa với việc xem đây là bệnh thông thường, bệnh lưu hành hàng năm; và chuẩn bị công bố đại dịch kết thúc.
Cũng tại kỳ họp Quốc hội, PGS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho rằng Việt Nam đủ điều kiện công bố hết dịch. Ba điều kiện cơ bản và cần thiết là hiện nay tỷ lệ bệnh nặng hầu như không còn; tỷ lệ bao phủ vaccine Covid cao trên diện rộng; tình hình dịch trên thế giới đã ổn định.
Cơ sở để xem xét, đánh giá và có thể công bố hết dịch Covid-19 tại Việt Nam
Sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu thì đây cũng là cơ sở để Chính phủ xem xét, đánh giá nguy cơ, mức độ dịch Covid-19 tại Việt Nam để có thể đưa ra những thích ứng trong tình hình mới.
Việc công bố hết dịch phục thuộc vào các điều kiện về chuyên môn như nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại như thế nào, biến chủng tiếp theo có nguy hiểm không, số ca mắc có gia tăng bất thường không, hay nói cách khác, là tính ổn định của dịch, hiệu quả và tính sẵn có của vắc xin phòng Covid-19…
Đồng thời, chúng ta cũng phải căn cứ vào các điều kiện pháp lý dựa trên quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Quyết định về quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm hiện hành của Chính phủ.
Hiện, tình hình dịch Covid-19 tại nước ta vẫn được kiểm soát, đa số ca mắc mới có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, không gây quá tải hệ thống y tế. Với các trường hợp nặng và tử vong phần lớn vẫn là người có bệnh nền, người già, người chưa tiêm chủng, người suy giảm miễn dịch... Những trường hợp này bệnh có thể diễn biến nặng nếu nhiễm các vi rút gây bệnh truyền nhiễm khác như cúm, chứ không riêng gì với Covid-19. Khi những đối tượng trên nhiễm các bệnh do vi rút, miễn dịch giảm, dễ mắc thêm bệnh khác dẫn đến bệnh trở nặng và tử vong.