Bất động sản

Việt Nam sẽ có 2 TP trực thuộc Trung ương dự kiến giữ nguyên hiện trạng sau sáp nhập, TP trẻ nhất cả nước cũng góp mặt

An Nhiên 28/03/2025 13:30

Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ sẽ có 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh giữ nguyên hiện trạng trong đó có 2 TP trực thuộc Trung ương.

Theo như Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Bộ nội vụ chủ trì soạn thảo, Việt Nam sẽ có 11 đơn vị hành chính giữ nguyên hiện trạng sau khi sáp nhập, trong đó bao gồm 2 TP trực thuộc Trung ương của Việt Nam.

Cụ thể 11 đơn vị hành chính dự kiến sẽ giữ nguyên hiện trạng gồm: Hà Nội, Huế, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.

52 địa phương còn lại thuộc xếp, bao gồm cả 4 TP trực thuộc Trung ương của Việt Nam gồm: TP. HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.

>> Bộ Nội vụ khuyến khích đặt tên xã mới theo tên huyện cũ sau sắp xếp đơn vị hành chính

Việt Nam sẽ có 2 TP trực thuộc Trung ương dự kiến giữ nguyên hiện trạng sau sáp nhập, TP trẻ nhất cả nước cũng góp mặt- Ảnh 1.
Việt Nam sẽ tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính trong thời gian tới. Ảnh: Internet

Theo Bộ Nội vụ, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã sẽ dựa trên các tiêu chí như: Diện tích tự nhiên, quy mô dân số, yếu tố lịch sử, truyền thống văn hóa, tôn giáo, dân tộc, địa kinh tế, địa chính trị cũng như quốc phòng và an ninh.

Trong số các tiêu chí được đưa ra này, tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số được xác định theo Nghị quyết số 1211 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2022) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn phân loại đơn vị hành chính.

Việt Nam sẽ có 2 TP trực thuộc Trung ương dự kiến giữ nguyên hiện trạng sau sáp nhập, TP trẻ nhất cả nước cũng góp mặt- Ảnh 2.
Hà Nội không chỉ là thủ đô mà còn là trung tâm đầu não về chính trị, văn hóa, khoa học – giáo dục và kinh tế của cả nước. Ảnh: Internet

Theo đó, đơn vị hành chính cấp tỉnh cần đáp ứng ba tiêu chuẩn bắt buộc gồm: diện tích tự nhiên, quy mô dân số và số lượng đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc. Cụ thể, đối với tỉnh miền núi, vùng cao, diện tích tối thiểu là 8.000km2 và dân số từ 0,9 triệu người trở lên; với các tỉnh còn lại, yêu cầu diện tích từ 5.000km2, dân số đạt ít nhất 1,4 triệu người.

Đối với thành phố trực thuộc Trung ương, tiêu chuẩn là diện tích tối thiểu 1.500km2 và dân số từ một triệu người. Ngoài ra, tất cả tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đều phải có ít nhất 9 đơn vị hành chính cấp huyện.

Việt Nam sẽ có 2 TP trực thuộc Trung ương dự kiến giữ nguyên hiện trạng sau sáp nhập, TP trẻ nhất cả nước cũng góp mặt- Ảnh 3.
Huế hiện đang là TP trực thuộc Trung ương trẻ nhất của Việt Nam. Ảnh: Internet

Đối với các tỉnh, thành phố chưa đáp ứng đầy đủ 100% các tiêu chuẩn trên theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đơn vị hành chính, sẽ phải thực hiện sáp nhập. Việc sáp nhập được tiến hành trên cơ sở bảo đảm sự tương đồng về lịch sử, văn hóa, truyền thống, thành phần dân tộc; giữ gìn và phát huy bản sắc riêng của từng địa phương; đồng thời phải đảm bảo yếu tố địa lý liền kề, điều kiện tự nhiên thuận lợi, hạ tầng giao thông kết nối và không gian kinh tế phù hợp, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển, thúc đẩy sự hỗ trợ và phát triển lẫn nhau giữa các địa phương sau sáp nhập.

Dự thảo này cũng lưu ý việc sáp nhập cần cân nhắc đến trình độ, năng lực quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương, mức độ chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt, phải chú trọng yêu cầu về quốc phòng, an ninh, bảo đảm xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc tại các địa bàn trọng điểm, khu vực biên giới và hải đảo.

Dự kiến, trường hợp tỉnh sáp nhập với tỉnh sẽ tiếp tục được gọi là tỉnh; còn nếu tỉnh sáp nhập vào thành phố trực thuộc Trung ương thì đơn vị hành chính mới vẫn giữ nguyên là thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự thảo cũng nêu rõ các trường hợp không thực hiện sắp xếp, bao gồm những đơn vị có vị trí biệt lập, hạ tầng giao thông khó kết nối hoặc có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia.

TP. Hà Nội trở thành thành phố trực thuộc Trung ương từ năm 1976, sau khi cả nước thực hiện thống nhất hành chính. Với diện tích hơn 3.359km2 và dân số trên 8 triệu người, Hà Nội không chỉ là thủ đô mà còn là trung tâm đầu não về chính trị, văn hóa, khoa học – giáo dục và kinh tế của cả nước. Nền kinh tế Hà Nội có cấu trúc đa ngành, tốc độ tăng trưởng ổn định, đóng góp quan trọng vào GDP và thu ngân sách quốc gia.

TP. Huế – trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ hiện có diện tích gần 5.000km2, dân số hơn 1,2 triệu người đã chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương từ ngày 1/1/2025, theo nghị quyết của Quốc hội. Đây là thành phố trẻ nhất trong nhóm 6 đô thị trực thuộc Trung ương, đồng thời là địa phương giàu tiềm năng phát triển về văn hóa, du lịch, dịch vụ và công nghiệp sáng tạo. Quần thể di tích Cố đô Huế – Di sản Văn hóa Thế giới do UNESCO công nhận – cùng với hệ thống hạ tầng ngày càng được đầu tư, kỳ vọng sẽ tạo đà bứt phá mạnh mẽ cho Huế trong giai đoạn mới.

>> NÓNG: Dự kiến 11 tỉnh/thành này của Việt Nam không thuộc diện sắp xếp

Quận rộng nhất Thủ đô sắp có công viên quy mô 7ha, chỉ cách cầu Chương Dương 3km

'Đại gia' Dubai tham vọng làm dự án dịch vụ, sân golf 2,6 tỷ USD tại 'thủ phủ thanh long' của Việt Nam

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/viet-nam-se-co-2-tp-truc-thuoc-trung-uong-du-kien-giu-nguyen-hien-trang-sau-sap-nhap-tp-tre-nhat-ca-nuoc-cung-gop-mat-20225032811152275.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Việt Nam sẽ có 2 TP trực thuộc Trung ương dự kiến giữ nguyên hiện trạng sau sáp nhập, TP trẻ nhất cả nước cũng góp mặt
    POWERED BY ONECMS & INTECH