Việt Nam sẽ phóng vệ tinh mới, thay thế vệ tinh viễn thông địa tĩnh đầu tiên tách khỏi tên lửa, bay vào vũ trụ
Vệ tinh này sẽ tiếp tục giúp Việt Nam chủ động được trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng, đặc biệt là các nhiệm vụ ở vùng biên giới, hải đảo và trên biển.
Phát biểu tại hội nghị giao ban quản lý Nhà nước quý 1/2024 với đối tượng quản lý là các doanh nghiệp, hội, hiệp hội và các cơ quan báo chí, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu Cục Tần số Vô tuyến điện và VNPT cần sớm trình phương án phóng vệ tinh mới thay thế vệ tinh VINASAT-1 đã hết hạn sử dụng.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định: “Việc phóng vệ tinh để đảm bảo an ninh quốc gia, VNPT sẽ thực hiện dự án này. Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ để tạo điều kiện cho VNPT tháo gỡ khó khăn khi triển khai phóng vệ tinh mới”.
Trong cuộc trao đổi với báo Vietnamnet, đại diện Cục Tần số Vô tuyến điện cho hay, vệ tinh mới được phóng thay thế vệ tinh VINASAT-1 đã hết hạn sử dụng sẽ sử dụng lại băng tần cũ. Vì vậy, không cần quy hoạch tần số cho các vệ tinh mới sẽ được phóng tới đây.
Trước đó, ngày 18/4/2008, vệ tinh VINASAT-1 được phóng thành công lên quỹ đạo, khẳng định chủ quyền không gian vệ tinh của Việt Nam. Đây là sự kiện lịch sử của ngành viễn thông, đánh dấu việc Việt Nam sẽ có chủ quyền trên quỹ đạo không gian và Việt Nam hoàn thiện mạng lưới thông tin liên lạc quốc gia.
VINASAT-1 có tổng giá trị đầu tư khoảng 300 triệu USD với thời gian hoạt động 15 năm, được giao cho Tập đoàn VNPT làm chủ đầu tư xây dựng và triển khai.
Việc phóng vệ tinh VINASAT-1 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hoàn chỉnh hệ thống viễn thông Việt Nam, khi trước đó đã có thông tin vô tuyến, thông tin hữu tuyến, thông tin mặt đất, thông tin mặt biển và nay có thêm vệ tinh viễn thông. Điều này giúp Việt Nam chủ động trong kết nối với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo mà trước đó không thể thực hiện được bằng các hệ thống thông tin mặt đất.
Còn với vệ tinh VINASAT-2 cũng do VNPT làm chủ đầu tư và quản lý đã được phóng lên quỹ đạo ngày 16/5/2012 có thể có tuổi thọ lên tới 21,3 năm. Như vậy, Tập đoàn VNPT đã đầu tư xấp xỉ 560 triệu USD cho cả 2 vệ tinh VINASAT-1 và VINASAT-2.
VINASAT-2 có công suất lớn hơn, trọng lượng lớn hơn, số bộ phát đáp nhiều hơn, do đó có dung lượng băng tần nhiều hơn. Nếu như VINASAT-1 được thiết kế gồm 20 bộ phát đáp hoạt động trong đó có 8 bộ băng tần C mở rộng, 12 bộ băng tần Ku, với băng thông 36Mhz/bộ, 8 bộ phát đáp dự phòng (4 bộ băng Ku, 4 bộ băng C mở rộng) thì VINASAT-2 gồm 30 bộ phát đáp băng tần Ku (24 bộ khai thác thương mại và 6 bộ dự phòng).
Trong khi vệ tinh VINASAT-1 có vùng phủ sóng băng Ku tại: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và một phần Myanmar, thì VINASAT-2 mở rộng vùng phủ hơn với việc phủ sóng cả một phần Malaysia và Myanmar.
Sau khi phóng thành công hai vệ tinh VINASAT-1 và VINASAT-2, Việt Nam đã trở thành nước thứ 7 ở khu vực ASEAN có vị trí, chủ quyền trong trên quỹ đạo vệ tinh.
Đặc biệt, cho dù vệ tinh VINASAT-1 hết thời gian sử dụng theo thiết kế, nhưng vệ tinh này vẫn có thể kéo dài thêm 5 năm hoạt động. Tuy nhiên, việc chuẩn bị cho vệ tinh mới là vấn đề sớm đặt ra bởi đơn vị chủ đầu tư không thể chắc chắn được vệ tinh này sẽ dừng hoạt động khi nào.
Việc phóng vệ tinh VINASAT có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hoàn chỉnh hệ thống viễn thông Việt Nam, khi trước đó đã có thông tin vô tuyến, thông tin hữu tuyến, thông tin mặt đất, thông tin mặt biển và nay có thêm vệ tinh viễn thông. Kết nối vệ tinh có tác dụng chủ động trong việc kết nối với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo mà trước đó nước ta không thể thực hiện được bằng các hệ thống thông tin mặt đất.
Vệ tinh này sẽ giúp Việt Nam chủ động được trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng, đặc biệt là các nhiệm vụ ở vùng biên giới, hải đảo và trên biển. Hiện thị trường vệ tinh đang có sự cạnh tranh gay gắt về giá của các nhà khai thác trong khu vực.
>> Tên lửa siêu thanh nâng tầm sức mạnh 'trong chớp mắt' với chip AI siêu rẻ