Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ ‘cơ cấu dân số vàng’
Tỷ lệ tăng dân số bình quân của Việt Nam giai đoạn 2019 – 2024 là 0,99%, giảm 0,23 điểm phần trăm so với giai đoạn 2014 – 2019 (1,22%/năm).
Theo Báo cáo “Kết quả chủ yếu điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ thời điểm 0 giờ 1/4/2024”, dân số Việt Nam là 101.112.656 người.
Trong đó, dân số nam chiếm 49,8%, đạt 50.346.030 người; dân số nữ chiếm 50,2%, đạt 50.766.626 người. Dân số thành thị chiếm 38,2%, đạt 38.599.637 người; dân số nông thôn chiếm 61,8%, đạt 62.513.019 người.
Theo một số nghiên cứu của Liên hợp quốc, một quốc gia được coi là trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng khi nhóm dân số trẻ em (0 – 14 tuổi) chiếm tỷ trọng nhỏ hơn 30% và nhóm dân số người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) chiếm tỷ trọng thấp hơn 15%.
Như vậy, Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” với hai người trong độ tuổi lao động thì có một người phụ thuộc. Trong đó, tỷ trọng dân số từ 15-64 tuổi chiếm 67,4%; tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi chiếm 23,3% và tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm 9,3%.
Năm 2024, số lượng người già từ 60 tuổi trở lên tại Việt Nam là 14,2 triệu người. Đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên dự báo xấp xỉ 18 triệu người, tăng gần 4 triệu người so với năm 2024.
Như vậy, Việt Nam đang trong thời kỳ già hóa nhanh do tuổi thọ của người dân tăng cao và mức sinh giảm.
Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ "cơ cấu dân số vàng" - Ảnh: VGP |
Năm 2024, mức sinh trên toàn quốc là 1,91 con/phụ nữ, đây là năm thứ ba liên tiếp mức sinh của Việt Nam giảm dưới mức sinh thay thế. Mức sinh năm 2024 là mức sinh thấp nhất trong lịch sử và các năm tiếp theo dự báo sẽ tiếp tục giảm.
Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 là duy trì vững chắc mức sinh thay thế, tức bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con, quy mô dân số đạt 104 triệu người.
Vì vậy, trong Dự thảo Luật Dân số do Bộ Y tế soạn thảo đề xuất các nội dung các nội dung nhằm đảm bảo mức sinh thay thế, hỗ trợ, khuyến khích người dân sinh đủ 2 con. Trong đó, bãi bỏ tiêu chí giảm sinh con thứ 3 trở lên, khuyến khích phụ nữ kết hôn trước 30 tuổi và sinh đủ 2 con trước 35 tuổi;...
Bên cạnh đó, theo Tổng cục Thống kê, ngoài chính sách duy trì ổn định mức sinh, không để mức sinh giảm quá nhanh, chúng ta cần phải tìm giải pháp để ứng phó với già hóa dân số.
Một số chính sách được Tổng cục Thống kê đưa ra như: cải thiện chính sách sử dụng hiệu quả nguồn cung lao động, đặc biệt là lao động lớn tuổi, về lâu dài cần nghiên cứu các giải pháp để tăng tuổi nghỉ hưu đối với một số ngành nghề, lĩnh vực nhất định; nâng cấp hệ thống chăm sóc y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi.
Ngoài ra, cần mở rộng hệ thống bảo hiểm xã hội theo hướng thúc đẩy triển khai hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, đa trụ cột để nâng cao mức độ bao phủ toàn diện của hệ thống; khuyến khích thanh niên tham gia xây dựng xã hội và cải thiện tính linh hoạt của thị trường lao động;...
Hướng dẫn số lượng, cơ cấu, tuổi nhân sự ủy ban kiểm tra nhiệm kỳ mới
Thuộc top già hóa nhanh nhất thế giới, dân số Việt Nam có thể tăng trưởng âm trong 35 năm nữa