Việt Nam báo động mức sinh thấp nhất lịch sử, dự báo giảm thêm năm 2025
Ngày 27/12, Cục Dân số (Bộ Y tế) đã tổng kết công tác dân số 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác dân số năm 2024, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế), ông Lê Thanh Dũng cho biết, công tác dân số năm 2024 đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nổi bật với việc hoàn thiện hồ sơ đề xuất xây dựng Luật Dân số để báo cáo Chính phủ xem xét đưa vào chương trình xây dựng Luật năm 2025.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho biết, công tác dân số chỉ hoàn thành 1/3 chỉ tiêu được giao. Theo đó, tuổi thọ trung bình là 74,5 tuổi, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (73,8 tuổi); nhưng 2 chỉ tiêu về giới tính của trẻ em mới sinh và tổng tỷ suất sinh không hoàn thành.
Bên cạnh đó, các chỉ tiêu chuyên môn mới chỉ hoàn thành 1/8 chỉ tiêu là tổng số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại.
Ngoài ra, phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, công tác dân số còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc nỗ lực tăng mức sinh.
Bà Hương nêu dẫn chứng khi 3 năm liên tiếp mức sinh thay thế đều giảm. Cụ thể, mức sinh trên toàn quốc giảm từ 2,11 con/phụ nữ (2021) xuống 2,01 con/phụ nữ (2022), 1,96 con/phụ nữ (2023), và năm 2024 ước tính là 1,91 con/phụ nữ. Bà Hương cho biết: “Đây là mức thấp nhất trong lịch sử và được dự báo là sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo”.
Bên cạnh đó, mất cân bằng giới tính khi sinh mặc dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, ước tính năm 2024 là 112 bé trai/100 bé gái.
Ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số cho biết, năm 2024 (Giáp Thìn) là năm đẹp những mức sinh vẫn tiếp tục giảm. Ông Hoàng nhấn mạnh mối quan hệ giữa trình độ học vấn, hoàn cảnh kinh tế và mức sinh.
Theo thống kê năm 2023, người nghèo có mức sinh trung bình 2,4 con, người có mức sống khá hoặc trung bình là 2,03-2,07 con và người giàu là 2 con. Bên cạnh đó, phụ nữ có trình độ học vấn dưới tiểu học trung bình là 2,35 con, trong khi đó, phụ nữ có trình độ từ THPT trở lên trung bình chỉ 1,98 con.
Ngoài ra, phụ nữ thành thị có xu hướng sinh con muộn và ít hơn phụ nữ ở nông thôn. Cụ thể, tỷ suất sinh cao nhất ở thành thị là nhóm 25-29 tuổi với 127 trẻ/1.000 phụ nữ nhưng tại nông thôn là nhóm 20-24 tuổi với 147 trẻ/1.000 phụ nữ.
Theo Cục Dân số, năm 2025, chỉ tiêu kế hoạch về tuổi thọ trung bình (tính từ lúc sinh) là 74,6 tuổi; tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh 111 bé trai/100 bé gái; tổng tỷ suất sinh là 2,1 con/phụ nữ. Mục tiêu năm 2025, Việt Nam phấn đấu giảm tỷ số giới tính khi sinh 0,2 điểm % so với năm 2024.
Để công tác dân số năm 2025 đạt hiệu quả, Cục Dân số đề nghị Chi cục Dân số các tỉnh, thành phố thực hiện mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, tập trung chú trọng giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu,...
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Cục Dân số tập trung mọi nguồn lực hoàn thiện thể chế. Cụ thể, hoàn thiện dự thảo Luật Dân số để trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 10 (năm 2025) nhằm đưa Nghị quyết 21-NQ/TW đi vào thực tiễn cuộc sống.
Bên cạnh đó, khẩn trương hoàn thiện dự thảo hướng dẫn thực hiện công tác dân số năm 2025 gửi các địa phương; tập trung chỉ đạo điều hành, hướng dẫn, đôn đốc hỗ trợ các tỉnh/thành phố huy động nguồn lực cũng như chuyên môn nghiệp vụ về dân số nhằm thực hiện tốt các chỉ tiêu về dân số theo kế hoạch đề ra năm 2025 và giai đoạn 2021-2025.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số nhằm nâng cao nhận thức của tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội về việc chuyển hướng chính sách dân số từ tập trung vào kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển.
Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Thúc đẩy phong trào nhân dân thực hiện mỗi gia đình sinh đủ hai con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, không lựa chọn giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số về cả thể chất, trí tuệ và tinh thần”.
Thuộc top già hóa nhanh nhất thế giới, dân số Việt Nam có thể tăng trưởng âm trong 35 năm nữa
Việt Nam thuộc top già hóa dân số nhanh nhất thế giới: Cơ hội vàng phát triển nền ‘kinh tế bạc’?