Những phiên gần đây, cổ phiếu VCB của ngân hàng Vietcombank đã trở thành nhân tố quan trọng giữ nhịp thị trường trong bối cảnh các động thái xả bản ở nhóm cổ phiếu mid/smallcap gia tăng.
Cổ phiếu VCB và bức tranh toàn cảnh
Kết thúc chuỗi tăng 88 điểm từ mức 1.034 phiên 25/4 lên 1.122 phiên 13/6/2023 (+8,5%), VN-Index đảo chiều giảm trở lại trong 3 phiên gần nhất kéo thị giá về mốc 1.115 điểm.
Pha đổ dốc hơn 13 điểm trong phiên chiều 16/6 khiến chỉ số sàn HOSE lỡ hẹn mốc 1.125. Đà giảm thậm chí sẽ mạnh hơn nếu không có nhịp hồi phục của một cổ phiếu công thần - VCB.
Kết phiên giao dịch, cổ phiếu VCB (ngân hàng Vietcombank) tăng 1,4% lên mức 105.000 đồng/cp. Đây đã là phiên tăng giá thứ 7 liên tiếp của bluechip VN30 này. Sau 7 phiên, cổ phiếu Vietcombank có 7 lần thiết lập các mức lịch sử.
Diễn biến giá cổ phiếu VCB |
Từ thời điểm thị trường chứng khoán tạo đỉnh 1.524 điểm (phiên 4/4/2022), hiện VN-Index đã giảm gần 27%. Trong cùng thời điểm, VCB tăng 27% từ ngưỡng 82.600 đồng/cp.
So với mức thấp điểm 62.000 đồng/cp hồi giữa tháng 10/2022, đến nay cổ phiếu VCB đã tăng gần 70% - gấp 6,5 lần nhịp hồi của VN-Index cùng thời điểm.
Xét trong bức tranh chung của nhóm bluechip ngân hàng, không phải CTG, BID, TCB, STB, VIB, MBB,... chính VCB mới là mã tăng giá mạnh nhất từ đầu năm 2023 đến nay (+31,3%) đồng thời cũng tăng mạnh nhất kể từ phiên đầu tháng 6 (+11,7%).
Trong phiên đầu tuần tới, chỉ cần tăng thêm 0,6%, vốn hóa cổ phiếu Vietcombank sẽ chính thức chạm mốc 500.000 tỷ đồng (tương đương 21,1 tỷ USD). Hiện vốn hóa của VCB ở mức 496.900 tỷ đồng - cao nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, gấp hơn 2 lần vốn hóa Vinhomes (VHM) và bằng tổng vốn hóa của BID, CTG và VPB cộng lại.
Dòng tiền lớn "tập kết" ở VCB
Kể từ đầu tháng 5, trong bối cảnh VN-Index sideway, lãi suất huy động giảm giúp thanh khoản trên thị trường chứng khoán cải thiện mạnh với nhiều phiên vượt mức tỷ USD. Tuy nhiên, thay vì các giao dịch tập trung, dòng tiền chạy luân phiên qua hàng loạt nhóm ngành như dầu khí - mía đường - ngân hàng - chứng khoán - thép - bất động sản - thủy sản,...
Tín hiệu hút mạnh thanh khoản của nhóm cổ phiếu mid/smallcap vô hình tạo ra sự không chắc chắn về khả năng tăng bền của VN-Index. Bản thân nhóm ngân hàng dù đã tích lũy trở lại sau phiên bùng nổ ngày 2/6 song vẫn đang là nhân tố giữ nhịp và giảm "sát thương" khi thị trường điều chỉnh.
Gần 2 tháng kể từ khi VCB bắt đầu nhịp tăng, thanh khoản của cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường vẫn thấp hơn nhiều giai đoạn đầu năm 2023 trở về trước. 10 phiên gần nhất, trung bình chỉ có chưa tới 1 triệu cổ phiếu VCB được sang tay.
Mặc dù vậy, điều đáng quan tâm lúc này chính là vai trò ngày càng tăng của dòng tiền lớn (chỉ báo MCDX) - áp đảo dòng tiền nhóm đầu cơ và nhà đầu tư nhỏ lẻ... Đây cũng là lý do giúp cổ phiếu Vietcombank xuất hiện những phiên đảo chiều ngoạn mục từ giảm sang tăng điểm sau 14h30 (các phiên 14 và 16/6 là một ví dụ).
Diễn biến giá cổ phiếu VCB 1 năm trở lại đây |
Chính những pha "quay xe" của VCB đã giúp VN-Index và chỉ số nhóm ngân hàng nhiều phiên "thoát nạn". Thậm chí trong phiên cổ phiếu Vietcombank chinh phục mốc 100.000 đồng/cp ngày 8/6, mức tăng 3,1% của mã đã đóng góp cho VN-Index hơn 5 điểm.
Cùng với nhịp tăng giá, khối ngoại cũng "túc tắc" mua vào khoảng 4,3 triệu cổ phiếu VCB trong gần 2 tháng qua qua đó nâng tỷ lệ sở hữu lên mức 23,6% (gần 1,118 tỷ cổ phiếu).
Một câu chuyện đáng được kỳ vọng...
Không thể bàn cãi, Vietcombank là ngân hàng có lợi nhuận trước thuế quý 1/2023 cao nhất trong hệ thống - đạt khoảng 11.200 tỷ đồng - tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngày 5/6/2023 vừa qua, tại "Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2023" được Forbes Việt Nam công bố, Vietcombank tiếp tục đứng đầu về lợi nhuận với 29.900 tỷ đồng.
Sau đó ít ngày, Tạp chí Forbes (thế giới) cũng công bố danh sách The Global 2.000 (2.000 công ty lớn nhất toàn cầu năm 2023) trong đó Vietcombank xếp hạng là 813 với doanh thu, lợi nhuận, tài sản lần lượt ở mức 4,4 tỷ USD; 1,15 tỷ USD; 69,13 tỷ USD.
Thông tin đáng chú ý nhất lúc này là việc, Ngân hàng Xây dựng (CB) - một tổ chức tín dụng yếu kém - sẽ được chuyển giao bắt buộc về Vietcombank dự kiến trong 6 tháng tới.
Theo ông Đàm Minh Đức, Thành viên HĐTV kiêm Tổng Giám đốc CB, việc được chuyển giao về một trong những tổ chức tín dụng hàng đầu Việt Nam sẽ mở ra hành trình mới đối với CB sau hơn 8 năm kiên định tái cơ cấu.
Về phần mình, ban lãnh đạo Vietcombank cho biết, việc nhận chuyển giao tổ chức tín dụng yếu kém sẽ góp phần vào sự phát triển lành mạnh và ổn định của ngành ngân hàng, nền kinh tế đồng thời tăng khả năng mang lại lợi ích cho cổ đông Vietcombank.
Theo đó, hoạt động này sẽ cho phép Vietcombank có điều kiện mở rộng quy mô kinh doanh, cơ sở khách hàng, mạng lưới,...
''Vietcombank đánh giá, với sự hỗ trợ theo quy định mà ngân hàng nhận được, thời gian xử lý sẽ không quá 8 – 10 năm, biến những tổ chức này thành các tổ chức tín dụng lành mạnh và hoạt động bình thường. Dù là bất cứ tổ chức tín dụng nào, với sự hỗ trợ của của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và quyết tâm của Vietcombank, chúng ta có khả năng xử lý và đưa tổ chức tín dụng này về tình trạng hoạt động bình thường'', Chủ tịch HĐQT Vietcombank - ông Phạm Quang Dũng.
Giống như chiến tích của Sacombank sau khi tiếp nhận Ngân hàng Phương Nam, những kỳ vọng dài hạn từ thương vụ Vietcombank tiếp nhận CB đang trở thành động lực lớn cho cú bứt phá của cổ phiếu VCB 2 tháng qua.