Chứng khoán

Vietnam Airlines hy vọng cổ phiếu vẫn trên sàn, lên kế hoạch thoát lỗ từ 2024

N Huyền 16/12/2023 - 11:30

Sau 4 lần trì hoãn, ngày 16 /12, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines- VNA) đã tổ chức kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (Mã HVN: HOSE).

Trước đó, vào tháng 2, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã đưa ra cảnh báo cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines có thể bị hủy niêm yết.

Tại đại hội, cổ đông bày tỏ lo ngại cổ phiếu HVN có nguy cơ bị huỷ niêm yết, đại diện VNA cho biết tình trạng bị âm vốn chủ sở hữu, lỗ luỹ kế 3 năm liên tiếp của hãng rất đặc biệt, là tình huống khách quan.

Bởi trước khi Covid-19, HVN luôn là một trong những cổ phiếu của doanh nghiệp TOP đầu trên sàn HOSE. Đại dịch khiến cho kinh tế toàn cầu suy giảm trong đó các hãng hàng không cũng đều rơi vào tình cảnh tương tự.

W-img-8974-1-1.jpg
Đại hội cổ đông VNA diễn ra trong bối cảnh bức tranh kinh tế ảm đảm

Đại diện VNA cũng tin tưởng rằng các cơ quan nhà nước, các cơ quan liên quan nghiên cứu đánh giá yếu tố khách quan tình trạng lỗ của hãng. Vị này cũng kỳ vọng cổ phiếu của VNA vẫn tiếp tục được duy trì trên sàn chứng khoán.

Ông Đặng Ngọc Hoà, Chủ tịch Hội đồng quản trị VNA cho biết thêm, báo cáo của Hiệp hội vận tải hàng không thế giới (IATA), năm 2022, ngành hàng không thế giới vẫn lỗ khoảng 6,9 tỷ USD.

Tuy nhiên, các hãng hàng không vẫn phải đối mặt với thách thức lớn khi sức mua cũng như nhu cầu di chuyển của hành khách vẫn thấp hơn so với đà tăng của các chi phí đầu vào.

“Năm 2023, ngành hàng không tiếp tục gặp phải khó khăn gây ra bởi các cuộc xung đột trên thế giới, giá nhiên liệu tăng cao, tỷ giá biến động bất lợi, các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Trung Quốc phục hồi không như kỳ vọng…”, ông Hoà thông tin.

Trong bối cảnh như vậy, VNA đã triển khai các giải pháp đảm bảo thanh khoản và khả năng hoạt động liên tục như: điều hành lịch bay, sản phẩm linh hoạt; mở rộng thị trường Ấn Độ, tăng tần suất bay đến Úc, nghiên cứu các thị trường mới Philippines, Châu Âu;Triệt để tiết kiệm và đàm phán giảm chi phí, giãn, hoãn thanh toán, cơ cấu lại nợ vay, tận dụng các khoản vay ngắn hạn để giảm bớt sức ép về dòng tiền...

Theo báo cáo tài chính, kết thúc năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất của VNA đạt 71.775 tỷ đồng, cao hơn 20% so với kế hoạch mà đại hội cổ đông đề ra và gấp 2,4 lần kết quả năm 2021. Số lỗ hợp nhất đã giảm so với kế hoạch đã báo cáo ĐHĐCĐ thường niên 2022.

VNA thực hiện vận chuyển 18,24 triệu lượt hành khách, vượt 7,5% so kế hoạch. Trong đó, sản lượng khách quốc tế đạt hơn 2,47 triệu khách ; khách nội địa đạt 15,77 triệu khách, vượt 9% so kế hoạch và tăng 14,2% so với năm 2019.

Hiện, VNA đã phục hồi mạnh mẽ mạng đường bay nội địa - quốc tế. Đến nay, Hãng đã khôi phục mạng đường bay trước đại dịch, đồng thời mở thêm nhiều đường bay mới.

“Trong năm 2024-2025, chúng tôi đánh giá có cả cơ hội và thách thức song hành. Để vượt qua thách thức, nắm bắt các cơ hội phục hồi và phát triển, VNA đã xây dựng các kế hoạch và giải pháp đồng bộ trên mọi lĩnh vực.

Trong đó, Hãng đặc biệt chú trọng triển khai Đề án tái cơ cấu, với các giải pháp hướng đến mục tiêu cân đối được thu chi kinh doanh từ năm 2024, kinh doanh có hiệu quả từ 2025”, ông Hoà nhấn mạnh.

>> Vé máy bay đắt đỏ, tàu hỏa 'hút khách' dịp Tết Nguyên đán

Vé máy bay dịp Tết nguyên đán 2025 cao nhất 3,7 triệu, nhiều chặng bay hết chỗ

Vietnam Airlines trúng thầu 2 dự án đầu tư tại sân bay hơn 16 tỷ USD lớn nhất Việt Nam

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/vietnam-airlines-hy-vong-co-phieu-van-tren-san-len-ke-hoach-thoat-lo-tu-2024-2227648.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Vietnam Airlines hy vọng cổ phiếu vẫn trên sàn, lên kế hoạch thoát lỗ từ 2024
    POWERED BY ONECMS & INTECH